Chiều ngày hôm qua (17/8), PV báo Người Đưa Tin đã có buổi làm việc trực tiếp với giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai (viết tắt là Cơ sở cai nghiện, tên cũ là Trung tâm cai nghiện Xuân Phú, đóng tại xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai).
Nội dung làm việc của chúng tôi nhằm làm rõ thông tin liên quan đến một số cán bộ của cơ sở đã nâng khống giá thức ăn, giá mua hàng,… để ăn chặn tiền ngân sách và tiền ăn của học viên cai nghiện.
Nội dung làm việc của chúng tôi nhằm làm rõ thông tin liên quan đến một số cán bộ của cơ sở đã nâng khống giá thức ăn, giá mua hàng,… để ăn chặn tiền ngân sách và tiền ăn của học viên cai nghiện.
Cơ sở cai nghiện Đồng Nai nơi xảy ra vụ việc
Theo đó, ông Hồ Trí Lịch, giám đốc cơ sở cho biết, trước đây, học viên cai nghiện tại trung tâm này chỉ khoảng từ hơn 60/80 học viên/đợt nên việc quản lý diễn ra dễ dàng hơn. Từ tháng 1/2016, ông Lịch chính thức về làm lãnh đạo cơ sở này.
Sau khi nhận công tác, khoảng 26/1, ông Lịch cho thành lập tổ Quản trị đời sống với mục đích cải thiện tốt hơn nữa đời sống cho các học viên và Ban giám đốc đã ra quyết định giao cho bà Đinh Thị Soa làm tổ trưởng để quản lý tổ này.
Nhưng đến tháng 4/2016 số lượng học viên cai nghiện bắt đầu tăng lên vì lý do các địa phương thu gom người nghiện đưa về cơ sở cai nghiện. Theo đó, từ ngày 1/4 - 22/5 tăng lên được 350 học viên và cho đến cuối tháng 5/2016 là con số học viên nhập cơ sở cai nghiện lên đến 400 người.
Ông nói rằng, thời điểm này thấy học viên tăng nhanh, ông sợ có nhiều vấn đề phát sinh nên lo lắng các học viên chịu thiệt thòi vì vậy đã đề nghị kế toán kiểm tra sổ sách thu chi của các tháng. Bước đầu kiểm tra, kế toán báo lại sổ sách có vấn đề, nhiều mặt hàng bị nâng khống,…
Và nhiều chỗ ví dụ như học viên nhập trung tâm vào buổi chiều đáng lẽ chỉ lập giấy tờ bữa ăn tối tuy nhiên bà Soa lại lập khống lên ăn cả ngày. Chẳng những thế bà ta còn tự ý đặt chênh lệch giá với đối tác bán hàng cho cơ sở cai nghiện để thu lợi số tiền còn lại. Vì vậy Ban giám đốc đã họp và thành lập tổ kiểm tra.
Qua kiểm tra chính thức, phát hiện bà Soa đã nâng khống rất nhiều mặt hàng của tháng 4 và tháng 5 với tổng số tiền chênh lệch của 2 tháng lên khoảng 90 triệu. Ngoài ra còn có 7 triệu đồng của gia đình các học viên ký gửi cho các học viên chi tiêu nhưng bà Soa cũng ghi khống lên.
Trong tháng 4, bà Soa đã "trục lợi" được khoảng 20 triệu đồng. Còn tháng 5, bà ta đã lập hồ sơ với số tiền chênh lệch khoảng 70 triệu đồng nhưng do phát hiện kịp thời nên số tiền này vẫn nằm trong ngân sách. Lý do là tháng 5 số tiền chưa được chi ra do cơ sở cai nghiện chưa chuyển cho đối tác hoặc do phía đối tác chưa chuyển hoàn lại số tiền dư cho cơ sở. Đồng thời sau khi vụ việc được Ban giám đốc phát hiện thì mọi giao dịch với đối tác đang được phong tỏa lại, chờ ý kiến của cơ quan chức năng.
"Vì vậy cho đến thời điểm phát hiện, cơ sở mới chỉ thất thoát khoảng 20 triệu đồng tiền ngân sách và 7 triệu đồng ăn chặn tiền của gia đình học viên ký gửi”, ông Lịch thông tin.
Trong vụ việc này cơ sở cai nghiện xác định ít nhất có 4 người liên quan cụ thể gồm bà Đinh Thị Soa (tổ trưởng Tổ quản trị đời sống của cơ sở cai nghiện); bà Ngô Thị Oanh (thủ quỹ kiêm thủ kho); ông Hoàng Đức Hậu (quyền trưởng phòng Tổ chức hành chính kế toán) và ông Hà Xuân Thọ (kế toán trưởng).
Trong số này, bà Soa được cho là người đứng đầu trong vụ việc. Ông Thọ là người có trách nhiệm kiểm tra giám sát nhưng lại để sự việc xảy ra, sau đó còn nhận 2,3 triệu từ bà Soa; Oanh người quản lý việc xuất nhập hàng ra vào kho nhưng lại để Soa “làm loạn” và có nhận của Soa 1,3 triệu còn ông Hậu là người có trách nhiệm quản lý nhưng để sự việc xảy ra và đến nay cũng chưa xác định ông Hậu có nhận tiền từ bà Soa hay không.
Ông Lịch nói thêm: “May mắn chúng tôi đã phát hiện sự việc sớm để ngăn chặn kịp thời nên thất thoát chưa lớn, tuy nhiên đó cũng là bài học. Sau khi vụ việc xảy ra, số tiền mà Soa thu được nhờ kê khống giấy tờ chúng tôi đã thu lại, lập biên bản tạm giữ. Chuyển báo cáo sự việc lên Sở Lao động thương binh và xã hội (LĐTBXH). Còn đến nay vẫn chưa thấy Công an đến làm việc. Về những cán bộ có liên quan thì hiện chúng tôi đã chuyển Soa sang làm một công việc khác (giúp việc cho người khác), riêng những người còn lại hiện vẫn đảm nhiệm vị trí cũ và chờ ý kiến xử lý của các cơ quan chức năng”.
Chiều cùng ngày, ông Hồ Văn Lộc, phó giám đốc Sở LĐTBXH cũng cho PV Người Đưa tin biết, trong bốn người liên quan đến vụ ăn chặn tiền, Sở đã chỉ đạo cơ sở cai nghiện chuyển công tác đối với 3 người gồm: bà Đinh Thị Soa, bà Ngô Thị Oanh và ông Hà Xuân Thọ, Riêng ông Hoàng Đức Hậu (quyền trưởng phòng Tổ chức hành chính kế toán) là quản lý nên vẫn giữ nguyên chức vụ chờ kết quả điều tra của cơ quan công an.
Cũng theo ông Lộc toàn bộ hồ sơ liên quan đến sự việc trên đã được Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Nai chuyển qua Công an tỉnh Đồng Nai để tiếp tục tiến hành điều tra làm rõ. Vì vậy hiện vẫn phải chờ kết quả điều tra của công an rồi mới có hình thức xử lý cụ thể đối với những người liên quan.
Ông Lộc cũng cho biết thông tin từ một số tờ báo đăng tải vụ việc này có một số điều chưa chính xác, đúng với thực tế.
Tác giả bài viết: Nguyễn Nhâm