Trong tỉnh

Chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 25, chiều nay (15/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan. Phiên chất vấn được kết nối truyền hình trực tuyến với 62 Đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội: Trần Thanh Mẫn, Nguyễn Khắc Định, Trần Quang Phương, Nguyễn Đức Hải chủ trì phiên chất vấn.

Dự phiên chất vấn có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Võ Văn Thưởng - Chủ tịch nước; Phạm Minh Chính – Thủ tướng Chính phủ; Đại tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an...

Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Thái Thị An Chung - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì. Cùng tham dự phiên chất vấn có đồng chí Nguyễn Như Khôi – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo các Sở, ngành liên quan.

Quang cảnh phiên chất vấn tại hội trường Diên Hồng (Ảnh quochoi.vn)

Điểm cầu Nghệ An

Đồng chí Thái Thị An Chung – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì tại điểm cầu Nghệ An

Chiều nay, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan về 03 nhóm vấn đề: Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản. Hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo.

Các đại biểu tham dự phiên chất vấn tại điểm cầu Nghệ An

Liên kết để đưa sản phẩm nông sản thành thương phẩm, tạo sự phát triển bền vững

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan trả lời chất vấn (ảnh: quochoi.vn)

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Phạm Hùng Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam) cho biết, hiện nay việc liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản ở một số địa phương còn chậm, liên kết theo chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hóa còn hạn chế; kết nối liên vùng, kết nối thị trường còn rời rạc; chi phí logistics còn cao; việc đổi mới sáng tạo chưa trở thành động lực phát triển ngành nông nghiệp. Đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PNTN cho biết giải pháp trong thời gian tới để khắc phục tình trạng trên?

Về nội dung này, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, thực hiện liên kết theo chuỗi là chiến lược của ngành nông nghiệp nhằm thay đổi thực trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát của nền nông nghiệp nước ta. Do đó, hợp tác giữa những người sản xuất, liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp theo một chuỗi ngành hàng là cần thiết. Chỉ có liên kết theo chuỗi mới nâng cao được chất lượng nông sản của nước ta và chuyển từ sản phẩm nông nghiệp thành một thương phẩm, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Bên cạnh đó, cần phải phân biệt sản phẩm và thương phẩm, sản phẩm có thể làm ra còn thương phẩm là tạo ra giá trị, có giá trị thị trường. Qua khảo sát và theo báo cáo của các địa phương thì mới chỉ có khoảng 20% diện tích nông nghiệp tham gia chuỗi liên kết ngành hàng, nhưng không phải chuỗi ngành hàng nào cũng bền vững, sự phân chia lợi ích không đồng đều khi tham gia chuỗi. Vấn đề đặt ra là làm sao có liên kết bền vững để khắc phục được tình trạng được mùa mất giá hay câu chuyên nông dân bội tín với doanh nghiệp hay câu chuyện doanh nghiệp, thương lái bỏ cọc với nông dân...

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, nếu không có chuỗi liên kết cũng sẽ khó mà phát triển ngành logistics; cũng như không thể nào số hóa bởi chỉ khi vào chuỗi, chỉ khi nào hợp tác xã đủ mạnh thì mới bắt đầu tiến hành số hóa. Nếu không tham gia chuỗi thì cũng không biết sẽ đưa khoa học công nghệ vào đầu nào là hợp lý nhất và giá trị lan tỏa nhiều nhất. Do đó, trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ kiên trì cùng với các địa phương xây dựng những mô hình chuỗi đồng bộ và hoàn thiện hơn; đồng thời cùng với các viện, trường, các nhà khoa học, các doanh nghiệp tác động chuỗi phát triển bền vững hơn.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn (Đoàn ĐBQH Thanh Hóa) cho biết, đất đai, đặc biệt là đất trồng lúa có vai trò rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và vấn đề đảm bảo an ninh lương thực nước ta… Đề nghị Bộ trưởng làm rõ đến hiện tại đã có quy hoạch và chốt được vị trí các khu vực đất lúa cấm không cho phép chuyển nhượng, chuyển đổi sang mục đích khác để người dân yên tâm canh tác, cải tạo đất, tăng năng suất, tăng sản lượng thóc gạo, góp phần đảm bảo an ninh lương thực của Việt Nam trong thời gian tới.

Về nội dung này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết cách đây 10 năm, cả nước có trên 4 triệu ha đất lúa, nay còn 3,9 triệu ha. Theo Nghị quyết Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ là chúng ta sử dụng linh hoạt 5 triệu ha đất lúa. Quỹ đất là hữu hạn trong khi đó nhu cầu phát triển là vô hạn, bởi vậy sẽ có tình huống nhường đất lúa để xây đường, cơ sở hạ tầng...

Quy hoạch đất lúa nằm trong quy hoạch đất đai, bởi vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chính về vấn đề này. Tại các địa phương cũng đã đều ổn định những diện tích đất lúa và đã có trong quy hoạch của tỉnh, thành phố xác định rõ phân khu vực dành cho đất nông nghiệp.

Nhu cầu phát triển, việc chuyển đổi là không thể tránh khỏi, tuy nhiên các địa phương trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội cố gắng giữ gìn quỹ đất lúa, cân nhắc khi chuyển đổi đất trồng lúa bởi còn nhiều hệ lụy ảnh hưởng phía sau như về sản lượng lúa, bao nhiêu người nông dân trên đất lúa đó, rồi một chuỗi ngành hàng, doanh nghiệp chế biến, dịch vụ thương mại, những con người ở phía sau chuỗi ngành hàng đó… Do đó Bộ NN&PTNT cũng sẽ cùng với các địa phương phân tích những tình huống khi nào chuyển đổi, khi nào không chuyển đổi với nguyên tắc cân nhắc và cẩn trọng giữa phát triển và giữ gìn.

Việt Nam có thể gỡ thẻ Vàng vào tháng 10 tới?

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn ĐBQH Ninh Bình) nêu rõ, thẻ vàng IUU không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến uy tín, vị thế quan hệ ngoại giao của nước ta. Gần 9 năm qua, Việt Nam chưa gỡ được thẻ vàng EU, trong khi Philippines chỉ mất 9 tháng, Thái Lan mất 3 năm. Dự kiến, Ủy ban Châu Âu sẽ tiến hành đánh giá lần 4 vào tháng 10 tới và nước ta đặt mục tiêu được gỡ thẻ vàng trong lần đánh giá này. Đại biểu Thanh đề nghị Bộ trưởng cho biết 5 giải pháp mà Bộ đề ra đã đồng bộ, đầy đủ và triệt để chưa? Và Việt Nam có thể đạt mục tiêu gỡ thẻ vàng IUU trong lần đánh giá thứ 4 của Ủy ban Châu Âu vào tháng 10/2023 tới không?

Dẫn lại lời phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc “gỡ bỏ thẻ vàng EU không phải mục tiêu duy nhất của chúng ta”, mà mục tiêu cuối cùng là chúng ta giữ gìn trữ lượng và tính đa dạng sinh học trên vùng biển Việt Nam, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan nếu sau khi gỡ thẻ vàng mà tính bền vững không có thì gỡ xong người ta sẽ áp đặt thẻ vàng khác. Bộ trưởng Hoan cho hay, đại diện quỹ EU từng hỏi ông 2 câu: “Nếu chúng tôi không áp đặt thẻ vàng mà các ông khai thác kiệt quệ tài nguyên thì ai là người thiệt thòi, Việt Nam hay EU? Các ông có công bằng không khi người vi phạm và không vi phạm lại như nhau?”.

Về việc so sánh với Philippines và Thái lan, Bộ trưởng cho biết hai nước này có cấu trúc ngành hàng bền chặt hơn Việt Nam vì họ xây dựng hệ sinh thái ngành hàng bằng cách ngăn chặn luôn các tàu vi phạm giữa biển khơi chứ không phạt như nước ta. Trong khi đó, ở Việt Nam gần 60% vi phạm ở các địa phương vẫn chưa được xử lý với lý do “người ta nghèo, phạt nặng quá tội nghiệp người ta”. Theo Bộ trưởng, đã đến lúc phải xử lý nghiêm nếu không sẽ không đủ sức răn đe, không có sự thay đổi.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Long An) cho biết, Báo cáo giám sát năm 2022 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chỉ rõ, khung pháp lý của Việt Nam về IUU chưa cụ thể, khó thực hiện… Tuy nhiên, trong Báo cáo của Bộ NN&PTNT chưa nêu ra được nhóm giải pháp riêng cho vấn đề này. Đề nghị Bộ trưởng cho biết rõ, khung pháp lý của Việt Nam còn những vướng mắc gì và giải pháp, hướng khắc phục trong thời gian tới?

Về các điều kiện khó thực thi gỡ "thẻ vàng", Bộ trưởng khẳng định khó vẫn phải làm, nhưng Bộ sẽ nghiên cứu lại những quy định bất cập để sửa đổi. Tuy nhiên, Bộ trưởng nhấn mạnh, cần thực thi nghiêm quy định, trong đó có quy định tại Luật Thủy sản, có như vậy mới có hiệu quả trong thực tế.

Người nông dân trồng lúa còn nghèo, thậm chí rất nghèo

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH Hải Dương) nêu: Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới, nhưng người nông dân trồng lúa gạo còn nghèo, thậm chí rất nghèo. Đại biểu mong Bộ trưởng lý giải vấn đề này. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết theo khảo sát, nông nghiệp là ngành thu nhập thấp nhất trong các ngành kinh tế và người trồng lúa cũng là người có thu nhập thấp nhất trong ngành nông nghiệp. Nhắc lại câu chia sẻ của một người nông dân nói nếu giá lúa cao, thu nhập ổn định thì nông dân miền Tây sẵn sàng đem mùng ra ngoài đồng giữ lúa cho Nhà nước, đảm bảo an ninh lương thực, còn nếu giá thấp chúng tôi sẽ bỏ ruộng. “Đó là điều ám ảnh tâm trí tôi, làm sao cải thiện thu nhập của người nông dân trồng lúa”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết

Ứng dụng quy trình canh tác, Bộ trưởng cho biết giảm được 20-25% chi phí đầu vào. Nhưng bài toán kinh tế luôn có đầu giảm và đầu tăng, và chúng ta sợ tăng hơn nữa sẽ làm rối ngành hàng, tạo sự phát triển thiếu bền vững.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan “không gian lúa” có thể tạo ra những ngành khác. Bởi hiện tại, máy móc nhiều, nông dân rảnh rỗi. Do đó, nông dân hoàn toàn có thể làm thêm những việc khác, liên kết cùng làm thêm nông sản khác.

Tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, đảm bảo thu nhập, đời sống cho người nông dân

Trong phiên chất vấn chiều nay, đã có 26 đại biểu chất vấn, 3 đại biểu tranh luận. Theo đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã chuẩn bị tốt nội dung, giải trình khá đầy đủ, có tinh thần trách nhiệm và cầu thị các vấn đề liên quan đến những tồn tại, hạn chế; đồng thời ghi nhận nỗ lực của Bộ trưởng trong việc đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục những bất cập trong phạm vi phụ trách khi trả lời các câu hỏi của các vị đại biểu Quốc hội.

Qua buổi chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy, Chính phủ và các thành viên Chính phủ, Bộ NN&PTNT, các bộ, các cấp, các ngành và các địa phương đã nỗ lực trong việc triển khai các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập liên quan đến ba lĩnh vực được lựa chọn để chất vấn. Nhiều giải pháp đã và đang triển khai đạt được kết quả tích cực; cân đối cung cầu, an ninh lương thực quốc gia được đảm bảo, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng nội địa và cho xuất khẩu. Hoạt động khai thác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản từng bước được cải thiện; các giải pháp tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu đối với thủy sản có bước tiến triển được Ủy ban châu Âu bước đầu ghi nhận.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành triển khai hiệu quả các giải pháp trước mắt và lâu dài, nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, đảm bảo thu nhập, đời sống cho người nông dân, tạo chuyển biến cụ thể, rõ nét trong thực tế.

Tác giả: Phan Quỳnh

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP