Trong tỉnh

Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc trong việc chăm lo, bảo vệ trẻ em

Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII, sáng nay (07/7), Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn về nhóm vấn đề: “Công tác phòng, chống bạo lực học đường; giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; phòng chống đuối nước trẻ em; công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt... Thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp trong thời gian tới”.

Quang cảnh phiên chất vấn sáng 07/7 (ảnh Thương Huyền)

Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Văn Thành trả lời chất vấn sáng 07/7 (ảnh Thương Huyền)

Vấn đề phòng chống bạo lực học đường và lộ trình đưa môn Bơi vào giảng dạy trong nhà trường tiếp tục được nhiều đại biểu quan tâm

Đại biểu Trình Văn Nhã – huyện Thanh Chương nêu câu hỏi (ảnh Thương Huyền)

Tại phiên chất vấn sáng nay, đại biểu Trình Văn Nhã (huyện Thanh Chương) nêu câu hỏi: Các em học sinh hiện nay cần phải trang bị kiến thức, kỹ năng gì để phòng chống bạo lực học đường? Khi không may trở thành nạn nhân của bạo lực học đường thì các em cũng như phụ huynh cần phải có những giải pháp gì để thoát khỏi tình trạng đó?

Về vấn đề này, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Văn Thành cho biết, việc xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, học sinh tích cực, phòng chống bạo lực học đường xâu chuỗi với nhau, bắt đầu từ kiến thức, kỹ năng cho các em. Trong Chương trình phổ thông trước đây chưa có hoạt động giáo dục kỹ năng, hoạt động hướng nghiệp trong nhà trường. Nhưng trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, có bổ sung mỗi tuần 03 tiết để giáo dục kỹ năng cho các em như kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề… Những nội dung này đã quy định rất rõ trong Thông tư 04 của Bộ GD&ĐT.

Đối với những trường hợp các em bị bạo lực học đường, sau khi bị bạo lực học đường, các em học sinh thường có tâm lý lo lắng, sợ đến trường. Khi xảy ra sự việc nhà trường có quy trình xử lý rất chặt chẽ. Cụ thể, Hiệu trưởng nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm, Tổ tư vấn tâm lý học đường làm việc với cha mẹ học sinh, đặc biệt là với học sinh để nắm bắt ảnh hưởng về mặt thân thể, tâm lý, hành vi, sự lo lắng… để từ đó có tư vấn cho các em an tâm. Khi các em thật sự an tâm, tâm lý ổn định thì mới khuyến cáo các em trở lại trường. Đối đối những trường hợp bị tác động tâm lý mạnh thì nhà trường phối hợp với các bệnh viện có bác sỹ tâm lý để tư vấn tâm lý cho các em, để các em trở lại trường một cách bình thường. Đồng thời chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm, các tổ chức đoàn thể trong nhà trường động viên, hỗ trợ, quan tâm khi các em trở lại trường.

Đại biểu Phan Thị Minh Lý (huyện Yên Thành) nêu sự việc: Trên thực tế, có một số nội dung quan trọng trong Nghị định số 80 năm 2017 của Chính phủ về việc để đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường chưa được quan tâm nhiều ở một số cơ sở giáo dục. Việc thành lập Tổ tư vấn tâm lý học đường, Tổ công tác xã hội, hộp thư, đường dây nóng; việc trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng chống bạo lực học đường còn mang tính hình thức dẫn đến khi có sự việc xảy ra thì lúng túng, chậm trễ trong xử lý. Đề nghị Giám đốc Sở cho biết giải pháp để giải quyết những vấn đề trên?

Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Văn Thành cho biết: Sở đã chỉ đạo các Nhà trường xây dựng kế hoạch và triển khai theo đúng mục tiêu, nội dung và các giải pháp mà Nghị định số 80 đã chỉ ra. Các nhà trường đã thành lập các Tổ tư vấn học đường. Ngành GD&ĐT đã tổ chức tập huấn cho 1.082 giáo viên làm tư vấn tâm lý; mỗi trường học đều có 1 giáo viên làm tư vấn tâm lý học đường. Tuy nhiên, trong bối cảnh tinh giản biên chế nên không có người chuyên trách làm nhiệm vụ này, vì vậy giáo viên chủ nhiệm hoặc 01 đồng chí Phó Hiệu trưởng hoặc Bí thư Đoàn trường phải kiêm nhiệm. Hiện nay, có rất nhiều mô hình như mô hình trường học hạnh phúc, mô hình đảm bảo giáo dục phổ thông, mô hình công tác xã hội trong trường học… Trong năm học 2023 -2024, quan điểm của Sở GD&ĐT là phải tích hợp các mô hình lại, lấy mô hình đảm bảo giáo dục phổ thông làm mô hình chung; tiếp tục thực hiện công tác bồi dưỡng, tăng cường các điều kiện đảm bảo thực hiện tốt mô hình.

Khi tiếp nhận thông tin về bạo lực học đường, trường học có rất nhiều kênh tiếp cận thông tin. Khi sự việc xảy ra ngành GD&ĐT xử lý rất kịp thời; báo cáo chính quyền địa phương, Công an, Giáo viên chủ nhiệm, lớp trưởng, cán bộ Đoàn đội kịp thời để làm việc với cha mẹ học sinh, tìm hiểu nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng này. Để đảm bảo quyền lợi học tập cho các em học sinh, không thể tiến hành kỷ luật theo kiểu đuổi học hay đình chỉ học mà nhà trường có hình thức kỷ luật phù hợp. Các em vẫn đến trường, giáo viên chủ nhiệm giao cho các em có năng lực học tập tốt, tinh thần xây dựng tập thể để hỗ trợ, giúp đỡ cho các em rèn luyện để trở lại hoạt động học tập bình thường.

Đại biểu Hồ Sỹ Nguyệt – Huyện Quỳnh Lưu đề nghị cho biết lộ trình đưa môn Bơi vào giảng dạy trong trường học (ảnh Thương Huyền)

Trong phiên trả lời chất vấn sáng nay, Giám đốc Sở GD&ĐT cũng đã trả lời, làm rõ các nội dung liên quan đến nội dung đưa môn bơi vào chương trình giảng dạy; cách thức triển khai giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khát vọng cống hiến để làm sao có hiệu quả. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cũng đã trả lời các nội dung liên quan đến việc phối hợp với ngành GD&ĐT đưa bộ môn Bơi vào chương trình học; việc phát huy các di tích lịch sử trong dục lý tưởng, đạo đức cho thế hệ trẻ...

Đại biểu Lục Thị Liên – huyện Con Cuông nêu câu hỏi

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lục Thị Liên – huyện Con Cuông về việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được đề ra trong Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên”, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Văn Thành khẳng định ngành GD&ĐT rất quan tâm đến nội dung này. Ngành đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch cũng như chỉ đạo các Nhà trường xây dựng kế hoạch triển khai. Việc tổ chức giảng dạy nội dùng này được lồng ghép vào những giờ dạy môn Văn, Tiếng việt, Đạo đức, Giáo dục Công dân, Lịch sử... Riêng đối với phần nội dung khát vọng cống hiện được gắn liền với các cuộc thi Khoa học kỹ thuật hàng năm ...

Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc trong việc chăm lo, bảo vệ trẻ em

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý kết luận phiên chất vấn (ảnh Thương Huyền)

Như vậy, trong sáng nay Kỳ họp đã hoàn thành phần chất vấn và trả lời chất vấn của Giám đốc Sở GD&ĐT. Thay mặt chủ tọa kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý đánh giá: Không chí chất vấn rất sôi nổi, đặt vấn đề rất đúng và trúng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đã nắm chắc vấn đề, trả lời thẳng thắn, rõ ràng. Cùng với đó, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã làm rõ thêm những vấn đề cử tri quan tâm.

Phiên chất vấn đã làm rõ nội hàm 4 vấn đề: Bạo lực học đường; kỹ năng sống, phòng chống tai nạn thương tích, chăm sóc, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh. Đây là những vấn đề xã hội lớn, khó, có nhiều yếu tố tác động, bởi đối tượng học sinh trẻ em đang có nhiều thay đổi về thể chất, tâm sinh lý, tính cách, dễ bị kích động, dễ bị tổn thương… Mặt khác, chính đặc điểm tự nhiên và xã hội của tỉnh cũng có nhiều yếu tố tác động bất lợi đến thực hiện nhóm 4 vấn đề này khi trên địa bàn thời tiết khắc nghiệt, nhiều sông ngòi, hồ ao làm cho công tác phòng chống đuối nước gặp rất nhiều khó khăn; mặt trái của kinh tế thị trường cũng có tác động rất lớn đến công tác giáo dục trẻ em...

Trong thời gian qua, UBND tỉnh, các ngành, các địa phương liên quan đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng để thực hiện công tác này thể hiện qua việc ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; thành lập nhiều đoàn kiểm tra; xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; giáo dục kỹ năng sống, bồi dưỡng giáo viên, công tác phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh được quan tâm.

Tuy vậy, thực tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế đáng lo ngại, đó là tình trạng bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng, phức tạp. Không chỉ bạo lực về thể chất mà còn là bạo lực tinh thần dẫn đến có những vụ việc rất đau thương. Việc trang bị kỹ năng sống mặc dù có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Việc đánh giá chất lượng các Trung tâm giáo dục kỹ năng sống vẫn còn nhiều hạn chế.

Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ em đuối nước vẫn còn cao, nhiều địa phương và gia đình còn lơ là, chủ quan không theo sát các con nên có những trường hợp đuối nước thương tâm. Tỷ lệ trẻ em được học bơi còn thấp, mới hơn 20%. Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn còn nhiều, việc nắm bắt hoàn cảnh các em để có sự hỗ trợ kịp thời chưa tốt, chưa bao phủ hết. Vẫn còn một bộ phận trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn chưa tiếp cận được các dịch vụ hỗ trợ một cách hiệu quả.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức để từ đó chuyển biến thành hành động cho các vấn đề liên quan đến công tác phòng chống bạo lực học đường, phòng chống đuối nước và chăm sóc trẻ em đặc biệt khó khăn. “Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc trong việc chăm lo, bảo vệ trẻ em, tất cả vì tương lai con em của chúng ta” - Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.

Cùng với đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn; thân thiện, phòng chống bạo lực học đường gắn với việc xây dựng kịch bản cụ thể để kịp thời giải quyết, xử lý các vấn đề, tình huống xảy ra. Trong đó, cần chú trọng giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. Nắm bắt tâm sinh lý của học sinh để kịp thời tư vấn và giải quyết những mâu thuẫn phát sinh trong sinh hoạt học tập. Phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan để đảm bảo trường học an toàn. Xây dựng, củng cố, phát huy tổ chức đoàn, đội, hội trong trường học.

Mặt khác, thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật, phổ biến pháp luật, kỹ năng sư phạm cho giáo viên để đảm bảo đủ khả năng bao quát hỗ trợ, giúp đỡ học sinh; nghiên cứu tăng cường thời lượng giáo dục kỹ năng sống. Quan tâm quản lý cảm xúc của các em, kỹ năng ứng xử, cách giải quyết mâu thuẫn, cách ứng xử trên mạng xã hội...

Phối hợp chặt chẽ với từng gia đình trong công tác phòng chống đuối nước với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”. Rà soát tiêu chí để có cơ chế hỗ trợ cho công tác dạy bơi. Về mặt lâu dài, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị nghiên cứu để đưa môn bơi vào giảng dạy trong trường học. Cùng với đó, quan tâm giáo dục trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, quan tâm một cách đồng đều, không bỏ sót đối tượng. Ngoài nguồn lực của nhà nước, cần có nguồn lực xã hội hóa để chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý giao các Ban HĐND tỉnh, các Tổ đại biểu và các đại biểu HĐND tỉnh theo dõi, giám sát việc thực hiện các nội dung nêu trên.

Tác giả: Quỳnh Thúy

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP