Thông tin này được đề cập tại dự thảo báo cáo tổng kết về tình hình tổ chức, hoạt động của Hội đồng Nhân dân (HĐND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024. Báo cáo này phục vụ Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố năm 2023, diễn ra vào 25/3.
Liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, theo quy định của Nghị quyết số 96/202 của Quốc hội, HĐND ở cấp tỉnh, cấp huyện trong cả nước đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu vào cuối năm 2023.
Các đại biểu HĐND TP Hà Nội bỏ phiếu tín nhiệm hồi tháng 12/2023. |
Cụ thể, ở cấp tỉnh có tổng số 1.700 người được lấy phiếu tín nhiệm theo quy định. HĐND không tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 208 người (trong đó có 176 người mới được HĐND bầu trong năm 2023 và 32 người có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được miễn nhiệm trước khi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm). Kết quả, số người có trên 50% tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm cao" là 1.546/1.700 người, chiếm tỷ lệ 90,94%.
Đáng chú ý, một trường hợp có trên 50% đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp" là Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện nay, ông Lê Duy Thành đã bị khởi tố, bắt tạm giam.
Ở cấp huyện, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, có tổng số 12.028 người được lấy phiếu tín nhiệm. HĐND không lấy phiếu tín nhiệm đối với 1.624 người (trong đó có 1.466 người mới được HĐND bầu trong năm 2023 và 158 người có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được miễn nhiệm trước khi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm).
Bên cạnh đó, 3 HĐND cấp huyện thuộc tỉnh Điện Biên không tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch HĐND huyện là Bí thư Huyện ủy vì các cán bộ này đã lấy phiếu đủ ở 2 nơi theo quy định.
"Kết quả, số người có trên 50% tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm cao" là 10.968/12.028 người, chiếm tỷ lệ 91,19%. Có 8 trường hợp có trên 50% đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp" tại các địa phương: Bình Phước, Hậu Giang, Nghệ An, Hải Phòng, Hòa Bình, Kiên Giang. Một trường hợp có trên 2/3 tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp" tại tỉnh Quảng Nam", báo cáo nêu.
Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 8 trường hợp có trên 50% đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp" đã được xử lý.
"Tại Bình Phước, một người xin từ chức và được chấp thuận. Tại Hậu Giang, HĐND cấp huyện họp bỏ phiếu miễn nhiệm chức vụ đối với một người. Tại Nghệ An, HĐND cấp huyện tổ chức kỳ họp bỏ phiếu tín nhiệm và miễn nhiệm đối với 2 người. Tại Hải Phòng, Ban Thường vụ Thành ủy có quyết định bố trí, luân chuyển công tác khác. Tại Hòa Bình, HĐND tổ chức họp bỏ phiếu tín nhiệm nhưng kết quả bỏ phiếu không đạt quá nửa tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp" nên vẫn được giữ nguyên chức vụ", theo báo cáo.
Cũng theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện nay, còn tỉnh Kiên Giang và Quảng Nam đang tiến hành các thủ tục, quy trình để sớm trình HĐND xem xét, quyết định theo quy định pháp luật.
Tác giả: Anh Văn
Nguồn tin: vtcnews.vn