Hơ Thị Tho học bài ở nhà. |
Nỗi đau từ lá ngón
Ở bản Cá Tớp, xã Pù Nhi, huyện vùng cao biên giới Mường Lát (Thanh Hóa), ai cũng thương cảm cho hoàn cảnh 4 anh em mồ côi cha. Mẹ các em bỏ nhà đi bước nữa, nên hàng ngày, 4 anh em côi cút ấy sống trong căn nhà trống trải.
Dù mất cha, vắng mẹ nhưng các em vẫn quyết tâm đến trường học cái chữ. Bốn anh em, gồm: Hơ Ta Nính (13 tuổi) học lớp 7, Hơ Thị Tho (12 tuổi) học lớp 6, Trường THCS Pù Nhi; Hơ Thị Xi (8 tuổi) và Hơ Trọng Nghĩa (7 tuổi) đang học Trường Tiểu học Pù Nhi.
Ngôi nhà của anh em nhà Tho nằm cheo leo trên sườn đồi. Hàng ngày, cả 4 anh em Hơ Thị Tho đều xuống núi, đến trường học chữ. Là anh trai cả, nhưng Hơ Ta Nính không được nhanh nhẹn như các bạn cùng trang lứa.
Hôm lên thăm nhà Tho, chúng tôi phải trèo ngược đồi cheo leo, trơn trượt. Trên đường đi, chị Sung Thị Dua - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Pù Nhi, kể rằng; gia cảnh của 4 anh em nhà Tho tội lắm! Chừng 2 năm về trước, bố đẻ 4 anh em nhà Tho đi làm ăn xa trở về. Sau một thời gian ở nhà, bố Tho định tiếp tục đi làm ăn xa, nhưng vợ không đồng ý. Hai vợ chồng xảy ra bất đồng quan điểm rồi giận nhau, sau đó bố của Tho đã ăn lá ngón tự tử.
Sau khi bố qua đời, bà nội của Tho cho rằng, nguyên nhân dẫn đến cái chết của bố Tho là do mẹ em gây nên. Vì thế, bà nội đã ruồng bỏ, xua đuổi mẹ Tho không được ở ngồi nhà ấy nữa. Rồi mẹ của các em bỏ nhà đi lên tỉnh Sơn La và đi thêm bước nữa.
Từ ngày bố qua đời, mẹ bỏ nhà đi, 4 anh em Hơ Thị Tho sống với nhau trong một căn nhà lụp xụp. Trong ngôi nhà ấy, chúng tôi không tìm thấy một vật dụng gì đáng giá tiền triệu, chỉ có 3 chiếc giường kê ở các góc.
Hơ Thị Tho chăm lo cho em út. |
“Thương các cháu lắm anh ạ! Bên gia đình nhà nội các cháu cũng đều khó khăn, nên không ai có thể đảm đương, cưu mang 4 anh em chúng được. Một điều may mắn nhất là dù khó khăn, vất vả như vậy nhưng 4 anh em cháu Tho vẫn quyết tâm đến trường học chữ. Bữa ăn hàng ngày của các cháu chủ yếu là cá khô, rau rừng, thậm chí nhiều hôm chỉ có muối trắng.
Mỗi tuần, chúng tôi lại kêu gọi chị em Hội Phụ nữ trong xã quyên góp gạo, mì tôm, cá khô, trứng gia cầm... rồi mang lên cho các cháu. Nhiều nhà hảo tâm biết được gia cảnh ấy, họ cũng gửi quà về hỗ trợ. Thế nhưng, về lâu dài, thực lòng chúng tôi cũng không biết tương lại của các cháu sẽ ra sao”, chị Dua chia sẻ.
Cũng theo chị Sung Thị Dua, chuyện tự tử bằng lá ngón vẫn xảy ra với đồng bào người Mông. Nhiều gia đình đau đớn vì mất đi người thân từ lá ngón cũng chỉ vì lối tư duy và suy nghĩ tiêu cực. Hồi cuối tháng 3 vừa qua, ở bản Cá Nọi (Pù Nhi) cũng có một bé gái sinh năm 2008, đã dại dột dùng lá ngón tự tử.
Người thân của bé gái kể lại, nguyên nhân dẫn đến việc cháu ăn lá ngón là vì không được bố, mẹ cho tiền mua thỏi son môi. Cháu nghĩ rằng, bố mẹ không thương mình nên từ chối cho tiền mua thỏi son để bôi như các bạn khác. Vì thế, cháu bé đã lên đồi ở phía sau nhà tìm cây lá ngón, rồi kết liễu cuộc đời mình.
“Nỗi đau từ lá ngón vẫn là vấn đề nan giải đối với việc tuyên truyền cho bà con đồng bào. Nhiều người vẫn có lối tư duy rất tiêu cực, mặc dù cán bộ cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể, chị em trong Hội Phụ nữ thường xuyên tuyên truyền cho đồng bào tránh xa với lá ngón. Thế nhưng, nỗi đau ấy đến nay vẫn cứ đeo đẳng trong đời sống của đồng bào người Mông”, chị Dua tâm sự.
Bà Hà Thị Nhơn – Chủ tịch Hội LHPN huyện Mường Lát (Thanh Hóa) hỗ trợ tiền cho 4 anh em Hơ Thị Tho. |
Tương lai bốn đứa trẻ ra sao?
Hôm dẫn chúng tôi lên nhà của 4 anh em Hơ Thị Tho, bà Hà Thị Nhơn – Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Mường Lát cho hay, ở Mường Lát hiện còn khá nhiều hoàn cảnh trẻ em mồ côi. Tuy nhiên, hoàn cảnh của 4 anh em nhà bé Hơ Thị Tho là đặc biệt hơn cả.
Cũng theo bà Nhơn, sau khi biết được hoàn cảnh của 4 cháu nhỏ ấy, Hội Phụ nữ huyện đã đứng ra nhận đỡ đầu cho các cháu. Bên cạnh đó, Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng - Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Tam Chung (Mường Lát) đã nhận chở che để các con có chỗ dựa. Anh dành thời gian thường xuyên qua nhà các em để làm tốt vai trò vừa là bố, vừa là mẹ hướng dẫn 4 anh chị em chăm sóc, bảo ban nhau.
“Mặc dù sự hỗ trợ hàng tuần, hàng tháng cho các cháu chưa phải là nhiều, nhưng sự quan tâm ấy đã giúp các cháu có cái ăn, cái mặc để đến trường học chữ. Điều may mắn nhất là cả 4 anh em nhà Tho không đứa nào bỏ học. Hàng ngày, cả 4 anh em đều đến lớp học chữ rất đều đặn.
Là em gái thứ 2 trong nhà, nhưng Hơ Thị Tho lại đảm đương việc gia đình như người chị cả. Sau mỗi buổi đến trường, Tho về nhà và làm mọi việc, như: Lo cơm nước, giặt giũ, chăm em nhỏ, lên đồi lấy củi, hái rau... Dù mới học lớp 6, nhưng Hơ Thị Tho vừa đến trường học cái chữ, vừa thay cha, mẹ chăm lo 2 em nhỏ và quán xuyến công việc gia đình”, bà Nhơn nói.
Cũng theo bà Nhơn, ở Mường Lát hiện nay có khá nhiều trẻ em trong độ tuổi đi học rơi vào cảnh mồ côi. Có em mồ côi cả cha lẫn mẹ, có trường hợp mô côi mẹ hoặc cha. Thậm chí, có cả những trường hợp cả cha lẫn mẹ vướng vòng lao lý do dính líu đến ma túy. Nhiều em không có nơi nương tựa hoặc phải dựa vào ông bà nội, ngoại đã già yếu, gia đình khó khăn.
Thầy Trịnh Văn Cường – Hiệu trưởng Trường THCS Pù Nhi cho hay, em Hơ Ta Nính dù trầm tính, nhưng rất chịu khó đến lớp. Hằng ngày, hai anh em Hơ Ta Nính và Hơ Thị Tho đến trường học chữ rất đều đặn. “Hoàn cảnh của anh em nhà Hơ Ta Nính quá khó khăn và rất đáng thương. Vì thế, hàng tuần, hàng tháng nhà trường, các thầy cô giáo đều trích lương của mình ra để mua mì tôm, thực phẩm cho anh em nhà Nính”.
Cũng theo thầy Cường, anh em nhà Nính không thuộc diện được hưởng chế độ hỗ trợ gạo hàng tháng của Nhà nước do cự ly nhà các em cách trường chưa tới 7km. “Nính rất ngoan, đi học đều nhưng em ấy luôn u buồn. Các thầy, cô giáo luôn quan tâm, động viên Nính cố gắng học hành để và chăm lo cho các em nhỏ của mình”, thầy Cường chia sẻ.
Cô Ngô Thị Lan – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Pù Nhi cho biết, hoàn cảnh của Hơ Thị Xi và Hơ Trong Nghĩa rất đáng thương. Cũng may, dù 2 em không có cha, mẹ ở bên cạnh, nhưng các em không bỏ học. Ngày nào hai chị em cũng dắt díu nhau đến lớp học. “Hôm trở trở rét vừa rồi, cô giáo chủ nhiệm ở điểm trường lẻ (bản Cá Tớp) lấy tiền lương của mình mua áo ấm cho bé Nghĩa. Ngoài ra, nhà trường cũng luôn kêu gọi giáo viên trích lương quyên góp để hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho các con”, cô Lan thương cảm.
Năm 2021, Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phát động, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã hưởng ứng chương trình, phối hợp tổ chức hỗ trợ, cưu mang trẻ mồ côi. Hiện, tại Thanh Hóa, các cấp Hội Phụ nữ đã nhận đỡ đầu hơn 800 trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhiều tổ chức, cá nhân trong tỉnh đã có những việc làm thiết thực dành cho trẻ bất hạnh. |
Tác giả: Thế Lượng
Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại