Trong nước

Bộ trưởng cần biết nghe lời 'nghịch nhĩ'

Từ việc nghiêm túc lắng nghe dư luận xã hội, Bộ trưởng TT&TT đã trực tiếp chỉ đạo cơ quan chức năng của Bộ xem xét lại vụ việc ngành y kỷ luật một bác sĩ ở Thừa Thiên - Huế. Việc làm kịp thời, trách nhiệm của Bộ trưởng TT& TT đã "tháo ngòi nổ" khủng hoảng truyền thông.

Bác sĩ Hoàng Công Truyện bị kỷ luật khiển trách và phạt 5 triệu đồng khi bày tỏ thái độ bức xúc về Bộ trưởng Y tế trên Facebook cá nhân của mình.

Quyết định xử lý kỷ luật bác sĩ Hoàng Công Truyện hôm 15/8

Một bác sĩ là cán bộ cấp cơ sở, thể hiện sự bức xúc, bằng lời nhận xét, góp ý với lãnh đạo cấp cao của Bộ, qua Facebook cá nhân, nên nhìn nhận chưa đến mức nghiêm trọng, dù có thể cách nhận xét, góp ý chưa đúng nơi đúng chỗ. Cá nhân sử dụng mạng xã hội bày tỏ thái độ, chính kiến với tổ chức, người đứng đầu tổ chức, nên xem là chuyện bình thường, trừ khi anh ta có lời lẽ vu khống, chỉ trích không căn cứ, hoặc có hành vi mà pháp luật không cho phép. Vấn đề là cái cách lắng nghe, tiếp nhận nội dung góp ý, dù đó là những lời "nghịch nhĩ", như nội dung nhận xét, góp ý của vị bác sĩ.

Thời buổi công nghệ thông tin, truyền thông xã hội lên ngôi, công chúng theo dõi, giám sát và bày tỏ chính kiến với mọi hiện tượng, sự kiện, từ chính trị đến kinh tế, xã hội, qua mạng xã hội, không còn là xa lạ. Mọi chân tơ kẽ tóc của các nhân vật thuộc về "người của công chúng", đều bị soi xét, bình phẩm, được tán đồng hoặc bị phê phán, thậm chí "ném đá". Bộ trưởng cũng không là ngoại lệ. Ứng xử thế nào để có lợi, khi bị truyền thông "soi", phụ thuộc vào độ nhạy cảm, năng lực xử lý tình huống của cá nhân.

Việc Chánh văn phòng Bộ, thừa lệnh Bộ trưởng, vội vàng ký công văn gửi Sở Y tế Thừa Thiên - Huế, yêu cầu phối hợp với công an, khẩn trương kiểm tra và xác minh thông tin, tài khoản Facebook, để xử lý; và việc Giám đốc Sở Y tế ngay lập tức lập đoàn thanh tra, xem xét, xử lý kỷ luật rất nhanh, khiến vụ việc thành không bình thường và trở nên nghiêm trọng.

Người ta thấy cách thức thực hành công vụ của công chức cấp cao ngành y tế rất thiếu tự tin và không chuyên nghiệp, chỉ chăm chăm làm vừa lòng cấp trên. Người ta cũng nhận ra lối hành xử theo lối "quan cách mạng" của một vài cán bộ ngành y, khi chưa nhìn nhận thấu đáo đã vội vã nâng quan điểm, quy chụp cán bộ cấp dưới, bằng hàng loạt những ngôn từ đậm chất hình sự hóa, kiểu như "ảnh hưởng đến uy tín ngành", "bôi nhọ, gây mất uy tín, xúc phạm nhân phẩm, danh dự"...

Tiếp nhận và xử lý thông tin từ mạng xã hội, cần thận trọng và khôn ngoan. Không nên vội vàng xem mọi thứ thông tin có tính phản biện, "nghịch nhĩ" là xấu. Cũng không nên vội vàng quy chụp tất cả những ai có ý kiến trái chiều là thế lực thù địch. Ngày trước, trên mặt trận thông tin đối ngoại, chúng ta đã tự tin: "Mở đài địch như mở toang cánh cửa/ Nghe nó chửi ta mà tin ở ngày mai"(Thơ Việt Phương).

Với mạng xã hội hiện nay, là công chúng, là nhân dân, trăm người mười ý. Đừng vội mừng khi dân khen. Đừng quá buồn khi dân chê. Được dân chê, thậm chí dân chửi, còn là phúc. Dân im lặng, vô cảm trước mọi biến thiên xã hội, mới là điều đáng ngại.

Như thế, sẽ rất bình thường khi Bộ trưởng biết lắng nghe dư luận xã hội, cả những điều "nghịch nhĩ".

Tác giả: Uông Ngọc Dậu

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP