Kinh tế

Bộ NN&PTNT bị tố 'đẻ' thêm thủ tục rồi cắt giảm để... báo công

Liên quan đến phản hồi của Bộ NN&PTNT về việc đã cắt giảm 160 mã hàng hóa/tổng số 450 mã hàng hóa so với trước, nhiều doanh nghiệp thủy sản cho rằng chính bộ đã 'đẻ' thêm thủ tục rồi cắt giảm để... báo cáo thành tích.

Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tại Bình Dương cho rằng nếu áp dụng theo Luật an toàn vệ sinh thực phẩm, thủy sản nhập khẩu về sơ chế, chế biến cho mục đích xuất khẩu sẽ được miễn kiểm tra.

Nhưng Bộ NN&PTNT không áp dụng các tiêu chuẩn đó mà áp dụng quy định kiểm dịch, tức là 100% lô hàng phải kiểm tra. Sau nhiều năm bị doanh nghiệp phản ứng, bộ cắt giảm một số mã hàng hóa trong danh mục này rồi báo cáo thành tích.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam - phó tổng thư ký Hiệp hội Xuất khẩu và chế biến thủy sản VN (VASEP), thông lệ quốc tế và luật VN liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm, sản phẩm thủy sản nhập khẩu chế biến, xuất khẩu (chiếm 80 - 85% lượng thủy sản nhập về) sẽ được miễn kiểm tra.

Tuy nhiên, cùng với việc ban hành các thông tư sửa đổi bổ sung về hướng dẫn kiểm dịch thủy sản, "danh mục hàng thủy sản" nhập khẩu phải kiểm dịch ngày càng mở rộng mà không có bất cứ sự thay đổi nào về cơ sở pháp lý hoặc báo cáo nguy cơ, thông lệ quốc tế hay thông tin dịch bệnh.

Ngay trong giai đoạn 2015 - 2020, hầu hết các nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và cắt giảm kiểm tra chuyên ngành đều yêu cầu Bộ NN&PTNT "cải cách, cắt giảm kiểm dịch thủy sản đông lạnh".

Nhưng trong thực tế, danh mục hàng hóa phải kiểm dịch lại dài ra do nhiều sản phẩm thủy sản nhập khẩu được bổ sung, nhất là hàng về chế biến (đông lạnh, khô, đồ hộp...) và/hoặc được liệt kê là có nguy cơ cao.

Tác giả: TRẦN MẠNH

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP