Nghị quyết 88 có nêu: “Sách giáo khoa cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh…” và “Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa”.
Ngoài ra, Quyết định số 404/QĐ-TTg có nêu: "Chương trình mới, sách giáo khoa mới được xây dựng, biên soạn theo hướng tích hợp ở các lớp học, cấp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học, cấp học trên. Ở các lớp học, cấp học dưới thực hiện lồng ghép, kết hợp những nội dung liên quan với nhau ở mức độ hợp lý để tạo thành các môn học tích hợp. Thực hiện giảm hợp lý số môn học, tránh chồng chéo nội dung và những kiến thức không hoặc chưa cần thiết đối với học sinh. Ở cấp trung học phổ thông, ngoài các môn học bắt buộc chung, có các môn học, chuyên đề học tập dành cho học sinh tự chọn”.
Tại thời điểm tháng 12/2019, bộ GD&ĐT đã công bố 32 cuốn SGK lớp 1 trong chương trình GDPT mới, tuy nhiên trong số này không có SGK biên soạn bằng tiếng dân tộc. Trong một cuộc họp với các đơn vị tham gia biên soạn SGK mới, khi được hỏi về lý do chưa có bộ SGK này, phía bộ GD&ĐT nói rằng đang triển khai và sẽ công bố cùng thời điểm sách tiếng Anh. Tuy nhiên, một tháng sau đó khi bộ GD&ĐT công bố SGK tiếng Anh thì vẫn không có SGK tiếng dân tộc.
Trong bối cảnh thời gian năm học mới chỉ chưa đầy 2 tháng nữa là bắt đầu, cộng với việc hiện nay chỉ có 01 Nhà xuất bản có năng lực biên soạn bộ sách này – Công ty Cổ phần Sách Dân tộc – NXBGDVN, câu hỏi đặt ra là: bộ GD&ĐT sẽ làm gì để kịp có bộ SGK này?
Nếu như bộ GD&ĐT đưa ra phương án “lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt” thì sẽ khó thuyết phục được dư luận. Bởi lẽ, nguyên nhân là do bộ GD&ĐT “quên” nhiệm vụ biên soạn bộ SGK này dẫn đến chậm tiến độ, không kịp tổ chức đấu thầu cạnh tranh giữa các nhà xuất bản.
Ngoài ra, trao đổi với PV, một lãnh đạo ngành giáo dục địa phương bày tỏ quan ngại về số lượng bộ sách cần dịch song ngữ (Tiếng Việt – tiếng dân tộc thiểu số). Bởi lẽ, hiện nay các cơ sở giáo dục đã lựa chọn xong SGK lớp 1 để sử dụng từ năm học 2020-2021 (có 05 bộ sách của 5 NXB được phê duyệt). Nếu dịch cả 05 bộ sách sẽ gây lãng phí lớn cho NSNN.
Việc bộ GD&ĐT "quên" biên soạn SGK tiếng dân tộc đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. |
Theo tìm hiểu của PV Người Đưa Tin Pháp luật, việc dạy và học tiếng dân tộc hiện nay có 7 thứ tiếng dân tộc thiểu số hiện được triển khai dạy trên 20 tỉnh thành tương ứng với 7 bộ sách giáo khoa dạy tiếng dân tộc đã được Bộ chính thức ban hành: tiếng Mông, Chăm, Hoa, Khmer, Bana, Jrai, Ê đê. Ngoài ra có tiếng Thái đang được triển khai dạy thí điểm tại Điện Biên. (1) Tiếng Khmer: học từ lớp 1 – lớp 12; Tiếng Chăm: học từ lớp 1 – lớp 5; Tiếng Ê đê, Jrai, Bana, Mông: học từ lớp 3 – lớp 5; Tiếng Hoa: học từ lớp 1 – lớp 5. Ngoài ra, còn triển khai dạy thí điểm song ngữ tiếng Việt – tiếng dân tộc (Khmer, Jrai, Mông) tất cả các môn học ở tiểu học trên địa bàn một số địa phương (sự hợp tác của tổ chức Uniceff).
Thống kê của Ủy ban Dân tộc cho thấy, việc dạy tiếng dân tộc thiểu số đang được thực hiện tại 23 tỉnh, TP trong cả nước. 715 trường, tương ứng với 4.812 lớp và 113.231 học sinh đang được giảng dạy 6 thứ tiếng dân tộc thiểu số kể trên.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin!
Tác giả: Công Luân
Nguồn tin: nguoiduatin.vn