Trụ sở Bộ Công thương trên phố Ngô Quyền, Hà Nội là nơi làm việc chính của các lãnh đạo Bộ Công Thương - Ảnh: DANH TRỌNG |
Việc phân công kể trên được thực hiện ngay sau khi thứ trưởng Đỗ Thắng Hải bị bắt tạm giam về tội nhận hối lộ hôm qua 21-12, để điều tra làm rõ sai phạm liên quan trong vụ án của công ty kinh doanh xăng dầu Xuyên Việt Oil.
Một ngày trước khi bị bắt tạm giam để phục vụ điều tra, ông Đỗ Thắng Hải là lãnh đạo trực tiếp điều hành cuộc họp tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm năm của Bộ Công Thương. Sáng 21-12, ông vẫn trực tiếp tham gia điều hành phiên điều chỉnh giá xăng dầu cho buổi chiều cùng ngày.
Trong năm 2023, nhiều lãnh đạo của Bộ Công Thương đã luân chuyển công tác và nghỉ hưu: Ông Đặng Hoàng An khi đảm nhiệm vai trò thứ trưởng cũng đã được điều động, bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); thứ trưởng Trần Quốc Khánh thì nghỉ hưu theo chế độ.
Hiện Bộ Công Thương chỉ còn các lãnh đạo bộ điều hành công việc là Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng hai thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân và Phan Thị Thắng.
Đây là giai đoạn mà Bộ Công Thương còn lại khá ít thứ trưởng trực tiếp điều hành công việc kể từ khi bộ này hợp nhất từ Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại năm 2007.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã phải phân công nhiệm vụ tạm thời trong lãnh đạo bộ để đảm bảo hiệu quả trong điều hành công việc.
Cụ thể, bộ trưởng Diên lãnh đạo và quản lý toàn diện các mặt công tác của bộ. Trực tiếp chỉ đạo công tác chiến lược, quy hoạch, công tác tổ chức cán bộ, thanh tra, pháp chế, hội nhập kinh tế quốc tế, ngành năng lượng, quy hoạch và sử dụng tài nguyên...
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân chỉ đạo các lĩnh vực quản lý cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; phòng vệ thương mại; xuất khẩu, nhập khẩu, khoa học, công nghệ, an toàn thực phẩm, thương mại điện tử và kinh tế số; quản lý thị trường; điện lực, năng lượng tái tạo.
Ngoài ra, ông Tân đảm nhiệm thêm phần lớn công việc do ông Đỗ Thắng Hải phụ trách như thị trường trong nước, xúc tiến thương mại, công nghiệp cơ khí, công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, luyện kim và khoáng sản...
Thứ trưởng Phan Thị Thắng thì chỉ đạo công tác trong lĩnh vực kế hoạch, đầu tư, tài chính, đổi mới doanh nghiệp, công thương địa phương, kinh tế tập thể, công tác văn phòng, cải cách hành chính, công nghiệp nhẹ bao gồm công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp chế biến khác...
Bộ Công Thương là bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực liên quan đến công nghiệp và thương mại, năng lượng... Theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, số lượng thứ trưởng và tương đương tại các bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương là không quá 5 người.
Tác giả: NGỌC AN
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ