Trong tỉnh

Biến nỗi đau thành hành động, nữ sinh đạt giải Nhất cuộc thi lớn

Với tác phẩm “Mỗi con người - Một hành động - Một nhận thức”, Cung Thị Hồng Nhung, sinh viên khoa Địa Lý, trường đại học Vinh xuất sắc giành giải Nhất cá nhân cuộc thi Biến đổi khí hậu với cuộc sống năm 2017.

Cung Thị Hồng Nhung tham gia cuộc thi Giọng ca Xứ Nghệ với ca khúc Trăng khuyết.

Mặc dù đang trong giai đoạn gấp gáp ôn thi học kỳ, nhưng nữ sinh viên Cung Thị Hồng Nhung (SN 1996), trú tại xã Lăng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An vẫn cố gắng sắp xếp thời gian để trò chuyện với PV về tác phẩm “Mỗi con người - Một hành động - Một nhận thức” trong cuộc thi Biến đổi khí hậu với cuộc sống năm 2017.

“Đây là tác phẩm tôi có nhiều ấn tượng và cảm xúc nhất. Thậm chí cho đến bây giờ, khi đọc lại tác phẩm của mình thì tôi vẫn thấy thổn thức. Dự định tham gia cuộc thi này đã lâu rồi, nhưng phải sau vụ việc của em gái tôi mới dồn hết tâm sức để hoàn thành. Cũng là món quà tôi tưởng nhớ về một người em xinh xắn và đáng yêu”, Nhung mỉm cười.

Chân dung nữ sinh xinh đẹp Cung Thị Hồng Nhung

Nhung cho hay, biết đến cuộc thi Biến đổi khí hậu với cuộc sống năm 2017 với chủ đề “Lũ lụt, hạn hán và hành động của chúng ta” từ trang Website của trường đại học Vinh. Thấy nội dung khá hay nên Nhung định tham gia nhưng do bài vở, chương trình tình nguyện và những buổi đi làm thêm để trang trải cuộc sống đã khiến nữ sinh năm cuối quên bẵng đi.

Bất ngờ, vào tháng 9/2017, tỉnh Nghệ An phải hứng chịu cơn Bão số 10 gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Trong đó, gia đình nữ sinh Cung Thị Hồng Nhung phải đón nhận nỗi đau mất mát khi người em Cung Thị N. (SN 2000) bị điện giật tử vong.

“Tôi nhớ như in ngày hôm đó, vào sáng 16/9. Thời điểm này tôi đang dọn dẹp ở nhà, còn N. và mẹ thì đi ra chợ. Do ảnh hưởng của bão nên cây bạch đàn bị đổ, đè đứt dây điện, khi em N. đi qua thì bị giật…”, Nhung nghẹn ngào nhớ lại. Nhận được thông tin, cô cùng người bố chạy ra thì đã không còn kịp nữa.

Gia đình Nhung có 5 anh chị em, trong đó cô là người con thứ 2, còn nạn nhân qua đời là người em gái kế. Vì vậy hai người rất thân thiết, chuyện gì cũng kể cho nhau nghe. Sự mất mát này đã khiến cho Nhung bị sốc, dẫn đến việc ảnh hưởng đến tinh thần và cuộc sống trong thời gian dài, cho đến thời điểm hiện tại mới bắt đầu nguôi ngoai.

Trong lúc này, nhận được thông báo về thời gian cuộc thi sắp hết, nghĩ đến người em gái ngoan hiền, Nhung đã bắt tay hoàn thiện tác phẩm với mong muốn được góp sức mình trong công cuộc bảo vệ môi trường, để không còn cảnh bố mẹ gào khóc gọi tên con trong vô vọng vì mất người thân như gia đình mình phải hứng chịu.

Tác phẩm dự thi “Mỗi con người - Một hành động - Một nhận thức” của Nhung mở đầu bằng những dòng chữ đầy cảm xúc: “Dải đất hẹp miền Trung chưa bao giờ hết khổ, mảnh đất “đòn gánh” này luôn chịu nhiều đau thương, thua thiệt nhất giống như cái tên của nó. Tôi cảm nhận rõ hơn bao giờ hết nỗi đau đó…

Những khoảnh khắc tưởng chừng giản đơn ấy đã khiến tôi nhớ lại và thèm khát hơn bao giờ hết trong nỗi đau tột độ khi cũng chính thiên tai đã cướp đi sinh mạng người em gái bé bỏng của mình, khi em đang mang bao hoài bão và ước mơ tuổi thanh xuân vẫn còn dang dở”.

Nhung xuất sắc giành giải Nhất của cuộc thi (ảnh NVCC).

Chỉ trong thời gian ngắn, Cung Thị Hồng Nhung đã hoàn thành tác phẩm để kịp nộp dự thi. Mặc dù theo quy định là bài viết không dài quá 1.800 từ, trong khi tác phẩm của Nhung dài hơn 2.200 chữ, nhưng nữ sinh này vẫn xuất sắc “đánh bại” 516 tác phẩm gồm: Bài viết, hình ảnh, video clip, video clip tiểu phẩm… để giành giải Nhất cá nhân cuộc thi Biến đổi khí hậu với cuộc sống năm 2017.

Không những tạo sự xúc động mạnh mẽ, bài dự thi của nữ sinh Cung Thị Hồng Nhung được BTC đánh giá cao bởi tính khả thi, khả năng áp dụng vào thực tiễn của nó.

Là sinh viên được đào tạo bài bản về chuyên ngành Địa lý - Quản lý tài nguyên nên hơn ai hết, Nhung hiểu rõ thực trạng mối quan hệ giữa các thành phần địa lý và hậu quả khủng khiếp của biến đổi khí hậu đối với sự phát triển của con người như thế nào.

Trong bài dự thi của mình, Nhung đưa ra một số giải pháp khắc phục sạt lở đất ở các tỉnh miền núi gồm: Tiến hành khảo sát, đo đạc, lập bản đồ khoanh vùng các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, những nơi có địa chất không ổn định ở các tỉnh miền núi (sử dụng công nghệ Gis – Viễn thám để tiến hành); Lập bản đồ sử dụng đất với mục đích bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ và phát triển hệ thống thảm thực vật; Sửa bề mặt mái dốc (làm thay đổi hình dạng bên ngoài của mái dốc) với mục đích đưa nó về trạng thái cân bằng, hạn chế khả năng trượt…

Theo tìm hiểu của Nhung, quá trình hoạt động của sạt lở đất khi địa chất bên trong không ổn định, chịu tác động mạnh mẽ của ngoại lực đặc biệt là mưa lớn. Vì vậy, để đo đạc và khoanh vùng bản đồ thì có thể kết hợp với phần mềm Mapinfow, sau đó tổng hợp các thông tin thời sự liên quan đến định canh định cư cho người dân nhằm lập kế hoạch cụ thể.

Tuy nhiên, Nhung cũng cho hay, để chống lại biến đổi khí hậu, điều quan trọng nhất là ý thức của mỗi người. Đặc biệt là giới trẻ, nên cần tạo cho họ ý thức góp sức mình cho công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ chính bản thân mình. Người trẻ cần được cung cấp kiến thức bài bản và đầy đủ, phải bắt đầu từ những hiểu biết nhỏ để dẫn tới những hành động lớn.

“Mỗi người phải thật sự có ý thức, trách nhiệm đối với môi trường. Đừng nghĩ rằng bảo vệ môi trường là phải nghiên cứu ra một công trình, một máy móc hiện đại nào đó hay đó là việc của các chuyên gia, các kỹ sư hay của pháp luật.

Mà đơn giản bằng chính những hành động nhỏ nhặt và cụ thể hàng ngày như: Bạn ăn xong một gói bánh mì, một túi kẹo bạn không vứt nó xuống lề phố, xuống phòng học một cách vô ý thức, mà bạn biết gom lại bỏ nó vào sọt rác một cách nhân văn là đã góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta”, Nhung cho hay.

Đây cũng chính là những thông điệp thông qua cuộc thi mà nữ sinh viên Cung Thị Hồng Nhung muốn gửi gắm đến tất cả mọi người trong xã hội. “Mỗi con người – Mỗi nhận thức – Mỗi hành động”, góp sức cho công tác bảo vệ môi trường cũng chính là bảo vệ cuộc sống bản thân mình, người thân mình và những người xung quanh.

Nữ sinh này còn đạt kết quả vô cùng xuất sắc trong học tập tại trường.

Nhung cho biết ước mơ của mình là trở thành giáo viên, với hy vọng thông qua việc dạy học sẽ cung cấp cho các em những kiến thức về môi trường, nâng cao năng lực hoạt động tình nguyện, từ đó tuyên truyền bảo vệ môi trường.

“Sau Tết Nguyên đán, tôi sẽ thực tập tại trường THPT Nam Yên Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Đây là cơ hội để tôi thử áp dụng những phương pháp dạy học đầu tiên nhằm chuẩn bị cho tương lai. Là kế hoạch dài hơi, không phải một sớm một chiều mới thực hiện được nhưng tôi sẽ cố gắng tới cùng”, Nhung nói trước khi chia tay.

Biến đổi khí hậu với cuộc sống là cuộc thi do bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với cơ quan ngôn luận của TW Hội nước sạch và Môi trường Việt Nam tổ chức. Đây là cuộc thi được tổ chức hằng năm, dành cho tất cả sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc. Mục đích nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng về thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và cơ hội do biến đổi khí hậu mang lại.

Năm 2018, chủ đề của cuộc thi là “Hạn hán và Xâm nhập mặn”. Thời gian nhận tác phẩm dự thi từ ngày 24/12/2017 đến hết ngày 30/10/2018. Tổng giá trị giải thưởng lên tới 100 triệu đồng.

Tác giả: Anh Ngọc

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP