Xuất hiện trong thời kỳ Pháp thuộc cách đây 130 năm, chiếc bánh mì Việt nam dần thoát khỏi hình thức baguette của bánh Pháp để trở thành một thương hiệu riêng biệt được ưa chuộng trên toàn thế giới hiện nay.
Ban đầu bánh mì, thời đó Pháp thuộc gọi là bánh Tây vẫn còn đặc ruột, vỏ mềm, được ăn vã, quết bơ hoặc chấm cùng súp.
Cửa hàng Bánh mì Hòa Mã ở Sài Gòn từ năm 1958. |
Nhưng rồi ông bà chủ cửa hàng bánh mì Hòa Mã ở Sài Gòn đã giúp định hình chiếc bánh mì Việt Nam khi kẹp luôn các loại nhân vào bánh mì để cho khách mang đi cho tiện.
Cách làm này nhanh chóng được giới học sinh và công chức bận rộn ưa chuộng và dần trở nên phổ biến và lan rộng.
Bảnh mì trở thành món ăn phổ biến của người Việt Nam. |
Khi thưởng thức chiếc bánh có vỏ dày nóng giòn, thịt lợn mềm, pate thơm ngậy, lát giò mỏng kèm dưa leo, rau thơm, tương ớt..., bánh mỳ kẹp bình dân Việt Nam đã chinh phục thực khách ngay từ miếng cắn đầu tiên.
Nếu gõ từ khóa “banh mi” trên Google, bạn sẽ tìm thấy hàng trăm bài viết về lịch sử, công thức lẫn nền công nghiệp bánh mì đang lan rộng trên toàn thế giới. Từ những chuyên gia ẩm thực nổi tiếng, hay đơn giản chỉ là một tay phượt bụi, tất cả đều công nhận bánh mì như món ăn đường phố số một của Việt Nam.
Mỗi vùng miền, mỗi cửa hàng bánh mì lại có công thức, bí quyết riêng cho chiếc bánh mì của mình. |
Mỗi vùng miền của Việt Nam lại in dấu ấn riêng trong phần nhân kẹp của chiếc bánh mì. Nếu chiếc bánh mì miền Nam có chả bì thì chiếc bánh miền Trung lại có chả cá... Mỗi hàng làm bánh mì lại có bí quyết gia truyền của họ, tạo nên hàng trăm công thức muôn màu muôn vẻ chỉ có thể tìm thấy ở Việt Nam.
Chiếc bánh mì Việt Nam được các chuyên gia ẩm thực đánh giá là ngon nhất thế giới. |
Tác giả: Minh Khôi (T/h)
Nguồn tin: Báo Đời sống & Sức khỏe