Đẻ con cho người khác nuôi
Suốt 10 năm làm vợ cho một người đàn ông Trung Quốc, chị Hạng Thị Cú (SN 1982, bản Khằm 1, xã Trung Lý, huyện Mường Lát, Thanh Hóa) đã sinh được 2 người con.
Cách đây hơn 1 tháng, chị trốn thoát về và sinh thêm một đứa con gái mang hai dòng máu.
Chị Cú kể, trước khi bị lừa bán sang Trung Quốc chị đã có gia đình và sinh được 3 người con.
Đầu năm 2007, chồng chị là Thào A Tủa (SN 1974) bị bắt vì tội tàng trữ ma túy. Một mình chị phải nuôi các con, hoàn cảnh gia đình thiếu thốn.
Vừa lúc có một người Mông tên là Giàng A Chống đến nhà chơi. Quá trình nói chuyện, Chống đề nghị đưa Cú đi Lào Cai tìm việc. Do kinh tế gia đình khó khăn nên chị Cú đồng ý.
Chị Cú sau 10 năm làm vợ bên Trung Quốc đã trở về được Việt Nam cùng với đứa con mang hai dòng máu |
Vừa đặt chân lên Lào Cai, chị Cú lập tức được một cặp vợ chồng người Mông đưa sang Trung Quốc. Nửa tháng sau, một người đàn ông (khoảng 40 tuổi) tên Yo Sua Neng đến mua chị Cú về làm vợ.
Tại đây chị Cú bị giam lỏng không cho ra khỏi nhà. Có ra thì luôn luôn có mẹ chồng hoặc chồng đi theo.
Những ngày tháng bên xứ người, chị luôn tìm cách trốn thoát, nhưng do không biết tiếng nên đành bất lực. Có những lúc chị đã nghĩ đến cái chết, nhưng vì thương các con ở quê nên lại cố sống mong ngày trở về.
Chị Cú bảo, mặc dù không bị đánh đập, hành hạ nhưng cuộc sống nơi đây còn nghèo khó hơn cả những lúc chị ở nhà.
Trong 10 năm, chị Cú và người đàn ông Trung Quốc sinh được 2 người con (1 con trai 10 tuổi và con gái 6 tuổi). Cũng trong thời gian đó, chị học và giao tiếp được bằng tiếng Trung. Nhà chồng cũng dần tin tưởng, không theo dõi chị như trước.
“Tôi đã nhiều lần chạy đến đồn công an gần nhất để mong được giúp đỡ. Do không biết tiếng nên công an bên đó cũng không giúp được gì. Họ gọi chồng tôi đến nói với nhau gì đó rồi lại đưa tôi về nhà”, chị Cú kể lại.
Những đứa trẻ nơi đây lớn lên phải đối mặt với nguy cơ bị lừa bán sang Trung Quốc |
Nói đến đây chị Cú rưng rưng nước mắt. Chị bảo, mặc dù sinh được 2 đứa con, nhưng chị chỉ được nuôi đứa con trai đầu. Con gái thứ 2 vừa mới sinh ra đã bị nhà chồng cho người anh trai ở gần đó, vì vợ chồng người anh này không có con.
“Khi các con lớn, tôi có dạy cho các con tiếng Mông để sau này có cơ hội trốn thoát về Việt Nam, nhưng ở đây không ai nói và giao tiếp bằng tiếng của mình nên không thể dạy được”, chị Cú nhớ lại.
Gần đây nhất, đầu năm 2018, chị mang thai đứa thứ 3, gia đình nhà chồng để cho chị đi làm. Nhưng cứ làm được ngày nào thì người của gia đình họ lại đến lấy tiền, không đưa cho chị một đồng nào cả. Quá tủi phận, chị quyết tâm bỏ trốn, đi bộ và ăn xin qua ngày để đến đồn công an trình báo.
Lần này chị Cú đã biết giao tiếp bằng tiếng Trung nên trình bày toàn bộ sự việc với công an và nhờ giúp đỡ. Chị được công an Trung Quốc giữ lại khoảng 4 tháng để làm thủ tục đưa về Việt Nam.
Hai đứa con của chị do đã có hộ khẩu bên Trung Quốc nên không thể theo chị về quê.
Thoát thân nhờ vợ chồng người bản địa
Đầu năm 2015, Vàng Thị P. (SN 1992, bản Khằm 1, xã Trung Lý) đi làm thuê ở TP.HCM thì có một người đàn ông gọi điện tự giới thiệu tên Sùng A Dìn, quê Hà Giang muốn làm quen.
Sau nhiều lần gọi, Dìn đã tìm đến nơi ở của P. và ở lại đây 2 tuần. Sau khi đã có thời gian ngắn tìm hiểu về nhau, Dìn ngỏ ý đưa P. về quê chơi, nếu ưng thuận sẽ cưới làm vợ, và được P. đồng ý.
Vàng Thị P. trốn được về Việt Nam nhờ vợ chồng người Trung Quốc tốt bụng |
Ngày sau đó, Dìn cùng P. và em gái tên M. bắt xe từ TP.HCM về tới bến xe khách Hà Giang. Tại đây, có một xe ô tô 4 chỗ đến đón, Dìn nói xe chật nên nhường chỗ cho hai chị em ngồi, còn Dìn đi xe máy.
Sau nhiều cung đường lắt léo, hai chị em P. và M. được đưa tới ngôi nhà 2 tầng và bị nhốt lại. Ít phút sau, một người phụ nữ đến thông báo hai chị em đã bị bán, nếu có ý định bỏ trốn sẽ bị giết.
Một ngày sau đó, P. bị bán cho người đàn ông Trung Quốc tên Jang (khoảng 30 tuổi). Còn M. cũng bị bán cho người đàn ông khác, tuy nhiên một tháng sau M. trốn thoát về Việt Nam.
Một góc bản làng heo hút ở vùng cao Mường Lát |
Quá trình P. làm vợ bên Trung Quốc được tự do đi lại, mua sắm đồ đạc sinh hoạt. Tại đây P. có quen vợ chồng người Trung Quốc thuê nhà ở gần khu vực P. ở mở quán tạp hóa.
Sau một năm làm quen, P. nói với vợ chồng này là mình bị bán sang đây làm vợ, mong muốn được trở về Việt Nam nhưng không biết đường. Vợ chồng người Trung Quốc hứa khi nào về thăm quê (gần khu vực biên giới) sẽ dẫn P. đi cùng.
Đến giữa năm 2018, P. được vợ chồng này đưa về quê khu vực giáp biên rồi bắt xe cho về Lạng Sơn để về nhà.
Tác giả: Lê Dương
Nguồn tin: Báo VietNamNet