Giáo dục

Bệnh thành tích đã ngấm vào thày cô, cán bộ quản lý đến mức biết sai vẫn làm

TS.Vũ Thu Hương nhận định, bệnh thành tích đã ngấm vào từng cá nhân phụ huynh, giáo viên, cán bộ ngành giáo dục như một quan niệm dù biết sai nhưng vẫn làm.

Phong trào chỉ là phong trào

Năm 2006, Bộ GD&ĐT có phong trào "Nói không với bệnh thành tích trong giáo dục", trong đó khẳng định cần chấm dứt tình trạng học sinh không đạt yêu cầu tối thiểu về kết quả học tập mà vẫn cho lên lớp.

Nhưng 10 năm sau (năm 2016), câu chuyện của chị Tô Thị Quỳnh Giao (ngụ phường 8, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) đến nhiều cơ quan ở Sóc Trăng kêu cứu vì con trai học lớp 6 bị trả về lớp 1 khiến dư luận dậy sóng.

Theo đó, con trai chị tên Lâm (13 tuổi) được xét vào Trường THCS Lê Vĩnh Hòa. Sau khi kiểm tra chất lượng đầu năm, nhà trường giật mình khi em không làm được bài kiểm tra, tên họ mình viết cũng không rõ.

Trước tình hình này, Trường THCS Lê Vĩnh Hòa buộc phải mời phụ huynh đến làm việc và quyết định chuyển nam sinh trở lại học lớp 1.


10 năm qua "nói không với bệnh thành tích trong giáo dục" vẫn chỉ là phong trào (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Không chỉ trường hợp của Lâm, 8 học sinh lớp 3 Trường tiểu học Lê Hồng Phong (phường 3, TP Sóc Trăng) cũng chưa biết đọc, viết và huyện Trần Đề của tỉnh này cũng có vài học sinh tiểu học được cha mẹ xin cho con học lại lớp 1 vì các em không đọc thông, viết thạo.

Những câu chuyện điển hình ở Sóc Trăng dấy lên dư luận về hiện tượng "ngồi nhầm lớp", bệnh thành tích trong giáo dục tồn tại nhiều năm nay.

Công tác nhiều năm trong ngành giáo dục, TS Vũ Thu Hương (Đại học Sư phạm Hà Nội) khẳng định: “Phong trào của chúng ta, đặc biệt là một số phong trào của ngành giáo dục chỉ mang tính “phong trào”.

Bởi lẽ, đưa ra phong trào nhưng các hoạt động cụ thể cần thực hiện như thế nào để chấm dứt tình trạng bất ổn thì hầu như chưa có hoặc có nhưng chưa hiệu quả”.

TS.Vũ Thu Hương minh chứng, khi Thông tư 30 ra đời có giá trị giải quyết một phần bệnh thành tích trong giáo dục nhưng lại “vấp” phải những suy nghĩ và quan niệm cũ nên chưa thực sự phát huy hết hiệu quả.

Chính vì vậy, việc một cháu bé lớp 6 không đủ kiến thức lớp 1 cũng không phải là quá hiếm.

Học sinh "ngồi nhầm lớp" ảnh hưởng uy tín trong ngành giáo dục

Theo đánh giá của TS.Vũ Thu Hương, nguyên nhân để xảy ra lỗi này là do đến giờ chúng ta vẫn chưa phân tích kỹ càng xem “bệnh thành tích” này xuất phát từ đâu do ai gây ra và xử lý như thế nào.

TS.Vũ Thu Hương nhận định, bệnh thành tích đã ngấm vào từng cá nhân phụ huynh, giáo viên, cán bộ ngành giáo dục như một quan niệm dù biết sai nhưng vẫn làm theo.

Vì vậy, muốn giải quyết bệnh thành tích, chắc chắn chúng ta phải mất nhiều năm và vô vàn nhiều công sức.

Theo đánh giá của bà Hương, việc học lại một vài năm không làm đứa trẻ mất đi cả tương lai nhưng việc liên tục có những đánh giá sai lệch so với năng lực thực chất của trẻ sẽ khiến học sinh học được tính dối trá. Và đây chính là một trong những nguyên nhân gây ra bất ổn trong xã hội tương lai.

Lỗi này xuất phát từ phía gia đình và nhà trường. Nền giáo dục hiện tại đánh giá giáo viên, nhà trường bằng thành tích của học sinh nên khi bị áp lực, họ ép buộc đứa trẻ lên lớp, dù cháu chưa đủ khả năng.

Riêng về phía gia đình, khi con học yếu đến nỗi không thể biết đọc, viết, bố mẹ vẫn để cháu lên lớp 6 thì rất đáng trách. Điều này chứng tỏ, cha mẹ hoàn toàn không quan tâm gì đến con cái, không theo sát sự phát triển của con.

Khi bệnh thành tích chưa có hồi kết thì theo quan điểm của PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị các cấp lãnh đạo, nhà quản lý cần sát sao hơn với công tác thanh tra, kiểm tra.

Bởi lẽ, việc học sinh "ngồi nhầm lớp" tạo nên sự lãng phí lớn, ảnh hưởng uy tín trong ngành giáo dục.

Tác giả bài viết: Thùy Linh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP