Du lịch

Bánh tráng - món ăn đặc biệt ngày Tết xứ Nẫu

Có một điều mà người Phú Yên nói riêng và xứ Nẫu nói chung đều hiểu, bánh tráng là món ăn gắn chặt với cuộc sống thường ngày của họ. Và bánh tráng cũng chưa bao giờ thiếu trong những bữa ăn ngày Tết của người quê xứ Nẫu.

Hồi nhỏ, có lần tôi hỏi má: “bánh tráng có từ bao giờ vậy má?”. Má không biết, ông bà cũng không biết luôn. Mọi người chẳng ai biết rõ bánh tráng có từ khi nào. Nhưng có một điều mà người Phú Yên nói riêng và xứ Nẫu nói chung đều hiểu, là bánh tráng gắn bó với cuộc sống thường ngày của họ. Đặc biệt là, chưa bao giờ thiếu món bánh tráng trong những bữa ăn ngày Tết của người quê tôi xứ Nẫu.

Món bánh tráng gần như không thể thiếu trong mâm cỗ của người dân xứ Nẫu. Ảnh: PNVN

Từ đầu tháng Chạp, mọi người đã chuẩn bị cho việc tráng bánh Tết. Hơn 30 năm trước, làng quê chưa có điện, việc xay bột còn làm thủ công, nhà lò tráng bánh dù làm liên tục vẫn không kịp đáp ứng nhu cầu của bà con trong xóm vào dịp Tết.

Nhà lò lấy tiền công tráng bánh, còn gạo và trấu dùng để đốt lò, kể cả công xay bột, là các gia đình tự lo mang đến. Chủ lò có sổ để ghi nhớ ngày nào, tráng cho ai là đủ biết nhu cầu cần bánh như thế nào. Riêng tụi nhỏ chúng tôi thì háo hức mong chờ để đến lượt nhà mình lắm. Đến nỗi cái ngày tráng bánh được khoanh tròn trên tờ lịch cứ theo vào trong cả giấc mơ. Tôi thường nhắc má: sắp đến…rồi nghen má!

Chiều trước, má bắt đầu ngâm gạo để qua đêm cho mềm. Tối lại, cả nhà nhìn bầu trời mà đoán già đoán non, là mai mưa hay nắng. Chẳng có thông tin về thời tiết chính xác như bây giờ, mọi dự đoán đều bằng kinh nghiệm dân gian. Tôi hiểu được niềm vui của cả nhà khi đêm tối mà thấy có nhiều sương, bầu trời đầy ánh sao nhấp nháy, là hôm sau sẽ có nắng đẹp cho bánh giòn khô. Cũng như nỗi lo nơm nớp nếu trời âm u, mưa phùn tháng Chạp, gạo đã lỡ ngâm rồi, bánh không khô ráo sẽ bị sượng, hết ngon!

Những ngày này, ở quê tôi Đồng Xuân - Phú Yên, bà con đang tất bật lo tráng bánh để cung cấp cho thị trường vào dịp Tết. Ảnh: Phan Huy Thùy

Vì quay bằng cối đá và quay tay rất chậm, nên có khi phải xay bột ban đêm để sáng mai nhà lò sẽ tráng sớm, tranh thủ phơi bánh khi mặt trời vừa ló dạng. Nếu nắng mùa hè khiến người ta mệt mỏi bao nhiêu, thì ngược lại, những vạt nắng mùa đông là vô cùng quý giá để bánh khô, hoa nở, Tết vui! Không khí xóm làng cứ rộn ràng, đúng nghĩa vui như Tết!

Trước đây, cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, chỉ được mấy ngày Tết là tương đối đủ đầy với món ăn ngon, có nhiều thịt cá… Ngày Tết là những thời khắc thiêng liêng để kính cáo với trời đất thánh thần, để bày tỏ lòng tôn hiếu của con cháu đối với tổ tiên ông bà đã khuất, là dịp vui sum vầy đoàn tụ, là cơ hội để gặp gỡ thăm hỏi chúc mừng nhau…Do đó, dù giàu sang hay khó nhọc thì cũng phải cố gắng cho cái Tết được tươm tất hơn ngày thường.

Bởi thế, ngày Tết luôn có nhiều món ngon, mang đậm dấu ấn riêng của từng vùng miền, vừa phong phú đa dạng vừa thú vị hấp dẫn.

Bánh tráng là món không thể thiếu trong bữa ăn ngày tết. Từ mâm cỗ trang trọng dùng để cúng kính cho đến mâm cơm sum họp gia đình, từ buổi tất niên rộn ràng người thân, hoặc lúc chỉ còn đôi bạn lai rai li rượu chúc Tết, bao giờ cũng phải có bánh tráng ở bên. Bánh tráng nướng trên lò than rực hồng, giòn rụm, bẻ một miếng là kêu rôm rốp như pháo nổ, đưa lên nhai là giòn tan và thơm phức mùi của mè, của bột. Ăn kèm với lạp xưởng, củ kiểu, măng kho… đều rất ngon miệng.

Vẫn còn nhiều lò bánh tráng thủ công ở Đông Bình, Hòa Đa của Phú Yên, dù thị trường đã phát triển với nhiều lò bánh bằng máy. Ảnh: PNVN

Món ăn ngày Tết nhiều thịt và dầu mỡ, các loại rau sống đang mùa tươi tốt non xanh, món thịt luộc hoặc thịt ngâm mắm rất ngon nhưng cũng nhanh ngán, lúc ấy món bánh tráng càng phát huy tác dụng của nó, ngon vào hàng đặc sản.

Bánh tráng vốn đã ngon lại còn rất tiện lợi. Bây giờ, muốn nhanh thì bật bếp ga để nướng, nhưng nướng bếp than hồng như ngày xưa thì mới đúng bài. Đem bánh tráng nhúng qua nước lạnh, rảy cho ráo, rồi cuốn với thịt luộc, thịt muối, rau sống, gỏi, dưa hành, củ kiệu, kim chi... thì ngon hết sẩy. Phải nói, bánh tráng là món ăn truyền thống rất độc đáo và phổ biến của bà con quê tôi, nhất là trong dịp Tết.

Gia đình tôi từng đi qua những mùa Tết nhiều thiếu thốn. Đó là những mùa Tết mà cha mẹ phải cố làm cho xong chuyến rổ cuối năm để có tiền trang trải, là những mùa Tết đi học xa rất tốn kém, cuối Chạp trở về mà tôi thấy Tết ở xa nhà mình quá. Những năm ấy, tôi biết mẹ mong Tết để con về, nhưng càng lo là sau đó sẽ lấy đâu ra tiền để con mang đi.

Dành dụm, tích cóp, các em nhỏ cũng chịu thiệt thòi, tất cả lo cho anh đi học. Vì thế, những món ăn sang trọng trong ngày Tết cũng trở nên xa vời lắm. Lúc này, bánh tráng ngon một cách thân thương, tình nghĩa. Vườn rộng, ba trồng xà lách, rau cải, đỗ que lên xanh mướt mắt. Cải muối chua, đem kho chung với đậu que và thịt mỡ rồi cuốn bánh tráng, cũng là món ngon trong kí ức tôi. Bánh tráng không cầu kì kén chọn, bánh tráng thủy chung trung thành, bánh tráng bình dị chân quê, cứ gần gũi mộc mạc như cây lúa hạt gạo quê nhà đã bao đời gắn bó vậy.

Người xứ Nẫu quê tôi ăn gì cũng không thể thiếu bánh tráng. Ảnh: Internet

Ngày nay, cuộc sống hiện đại và khá giả hơn xưa nhiều. Máy xay bột, thậm chí tráng bánh bằng máy rất nhanh và đều nữa. Tuy vậy, vẫn còn nhiều lò thủ công, đặc biệt là những làng nghề bánh tráng nổi tiếng ở Đông Bình, Hòa Đa của Phú Yên, đã lưu giữ và phát triển những kinh nghiệm, tinh hoa quý giá của làng nghề truyền thống quê hương.

Khi những cơn gió lạnh của mùa đông đang cạn dần, đất trời đang chuyển mình rạo rực sang xuân, lòng người cũng bâng khuâng nhiều nỗi niềm khó tả. Có chút hoài niệm xa xăm nhưng cũng đầy tin yêu, hy vọng, hân hoan trong không khí rộn ràng chờ đón Tết. Những ngày này, ở quê tôi Đồng Xuân - Phú Yên, bà con đang tất bật lo tráng bánh để cung cấp cho thị trường vào dịp Tết. Đi dọc bờ kè cầu Sắt - thị trấn La Hai , nhìn hình ảnh những vỉ bánh được phơi thật đẹp mắt, tôi như thấy Tết đang cận kề và cũng hiểu nhu cầu dùng bánh tráng trong ngày Tết là rất lớn.

Bánh tráng vốn đã ngon lại còn rất tiện lợi. Tôi bất chợt nhớ đến người chú, lúc đi thi ở xa, đã bẻ bánh tráng làm tư bỏ vào xách, trưa lấy ra nhúng và chấm xì dầu, chiều thi xong đạp xe về nhà. Rồi lại nghĩ, khi hành quân thần tốc ra đất Thăng Long để tiêu diệt quân thù, vua Quang Trung có sử dụng bánh tráng để làm thực phẩm, lương khô chăng?!

Bánh tráng trở thành một trong những hình ảnh tiêu biểu cho đặc sản vùng miền, cho nét đẹp văn hóa ẩm thực của người dân xứ Nẫu. Bánh tráng càng đặc biệt hơn trong ngày Tết, nó như món Tết chưa bao giờ cũ ở quê tôi!

Tác giả: Phan Huy Thùy

Nguồn tin: tcdulichtphcm.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP