Trong nước

'Bàn việc xây nhà hát 1.500 tỷ ở Thủ Thiêm lúc này là nhạy cảm'

Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê cho rằng bàn việc xây Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch vào thời điểm này là không hợp lý vì liên quan tới khu đô thị Thủ Thiêm.

hia sẻ với Zing.vn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê cho biết chủ trương xây Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch hơn 1.500 tỷ đồng đã có từ 20 năm trước, trải qua 3 nhiệm kỳ Chủ tịch UBND thành phố.

Tuy nhiên, trước đây, vị trí đặt nhà hát chưa chọn được, cũng chưa có nguồn tài chính để xây dựng. Tới tháng 8/2017, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu mới ký quyết định chọn khu vực Thủ Thiêm (quận 2), và tỏ rõ quyết tâm có một công trình tầm vóc thế kỷ.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê xem bản đồ Thủ Thiêm 1/10.000 do người dân trưng ra tại buổi tiếp xúc cử tri quận 2 vào ngày 9/5. Ảnh: Tùng Tin.


Tới tháng 9/2018, UBND TP.HCM chính thức có tờ trình gửi HĐND TP xin thông qua chủ trương xây dựng.

"Việc đưa ra chủ trương xây Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch lần này là để các đại biểu cân nhắc, xem xét và là cơ sở để thành phố có cơ chế triển khai kiến trúc. Tuy nhiên, việc xây dựng phải tới 2020-2022 mới thực hiện. Những điều bàn bạc hiện tại mới là khởi động về mặt thủ tục. Nhưng đưa việc xây dựng nhà hát tại Thủ Thiêm ra bàn trong bối cảnh này là nhạy cảm", ông Phan Nguyễn Như Khuê chia sẻ.

"Việc cần bàn là xây ra sao"

Nói thêm về chủ trương của thành phố, ông Khuê cho biết nhà hát chỉ là một trong tổ hợp công trình văn hóa sẽ xây dựng tại Thủ Thiêm, bên cạnh trung tâm triển lãm, quảng trường, cơ sở tôn giáo, di sản kiến trúc...

Ông Khuê cho biết thêm sau khi HĐND thông qua việc xây dựng nhà hát 1.500 tỷ đặt tại Thủ Thiêm, các cơ quan liên quan sẽ xúc tiến việc thành lập hội đồng, tổ chức cuộc thi kiến trúc, chọn hội đồng chấm xét, đối chiếu quy hoạch...

"Với những ý kiến trái chiều của cử tri, lãnh đạo thành phố sẵn sàng lắng nghe, cầu thị, suy xét, tính toán sao cho hợp lý. Thành phố tôn trọng ý kiến của các cử tri, thậm chí với những ý kiến nhiều chiều", ông Khuê chia sẻ.

Nhà hát Giao hưởng, Nhạc, Vũ kịch dự kiến xây dựng tại khu đô thị Thủ Thiêm. Ảnh: Lê Quân.


Trước đó, tại cuộc họp bất thường của HĐND, ông Phan Nguyễn Như Khuê cũng bày tỏ việc muốn xây dựng những trung tâm ca nhạc nhẹ, sân khấu tuồng, nhà hát cải lương, nhà biểu diễn xiếc... để phục vụ người dân và là nơi bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc, các giá trị văn hóa mang nét đặc trưng của người dân thành phố.

"Không nên vội vàng"

Trao đổi với Zing.vn, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng 1.500 tỷ là số tiền lớn, làm được rất nhiều việc. Trong bối cảnh TP.HCM đang gặp nhiều vấn đề về ngân sách thì việc sử dụng số tiền lớn này cần phải được cân nhắc thật kỹ lưỡng.

"Thành phố đang thiếu hụt ngân sách thì việc dùng 1.500 tỷ đầu tư vào mục đích gì rất quan trọng. Có nên dùng để xây dựng nhà hát liền hay không? Trong danh sách các công trình ưu tiên xây dựng của thành phố hiện nay thì nhà hát này có thật sự xứng đáng ở vị trí đầu không?", vị kiến trúc sư băn khoăn.

Vị trí dự kiến xây Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch ở chân cầu Thủ Thiêm 2 (quận 2, TP.HCM) trong quy hoạch năm 2011 của đơn vị tư vấn Sasaki.


Bên cạnh đó, ông Sơn cũng nhận định việc đề xuất xây dựng này quá vội vàng, chưa có kế hoạch tốt. Quy mô nhà hát 1.700 chỗ ở một khu đất hẹp là không đúng tầm với TP.HCM. Kiến trúc sư cho rằng với tầm cỡ đô thị như TP.HCM thì nếu làm, phải dành khu vực văn hóa diện tích từ 2-3 ha trở lên, tạo thành khu biểu diễn nghệ thuật cao cấp, có cả trong nhà, ngoài trời, có đủ các bộ môn nghệ thuật biểu diễn.

"Nhà hát chỉ có 1.700 chỗ trên một miếng đất nhỏ thì theo tôi đây là quy hoạch chưa đúng tầm với khu trung tâm đô thị mới của TP.HCM. Tham khảo Trung tâm biểu diễn nghệ thuật Lincoln Center của New York (Mỹ), gồm khoảng 30 khu biểu diễn nghệ thuật lớn nhỏ, trong nhà lẫn ngoài trời, với quy mô từ 30 đến 3.900 chỗ, thì nhóm công trình văn hóa nghệ thuật tại trung tâm Thủ Thiêm có thể nhỏ hơn nhiều, nhưng nên quy hoạch tại vị trí cảnh quan đẹp, như ven sông hồ để làm điểm nhấn đô thị", ông Sơn bày tỏ.

"Đã xây dựng thì phải xứng tầm với TP.HCM. Nếu chưa có tiền thì quy hoạch để đó từ từ xây, chứ không nên vội vàng. Trong giai đoạn hiện nay thì nhà hát mới chưa phải là ưu tiên hàng đầu", kiến trúc sư nhấn mạnh.

Tác giả: Ngân Giang

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP