Theo phản ánh của người dân tại thị trấn Tân Kỳ (huyện Tân Kỳ), khoảng một tháng nay tại nhà máy xẻ đá của công ty TNHH Kiều Phương “mọc lên” một dây chuyền băm dăm với công suất lớn. Hàng ngày, gỗ keo được tập kết bên trong nhà máy xẻ đá Kiều Phương, sau đó được xay thành dăm và chuyển đi. Ghi nhận cho thấy, ngay tại khuôn viên mỏ đá, nguyên liệu gỗ để băm dăm đã được công nhân chất thành đống, dây chuyền chạy rầm rập suốt ngày.
Xưởng gỗ dăm Kiều Phương nằm trong nhà máy xẻ đá của công ty TNHH Kiều Phương hoạt động hơn 1 tháng qua
Còn tại xã Nghĩa Long huyện Nghĩa Đàn, một cơ sở sản xuất gỗ dăm cũng đang manh nha hoạt động lại. Trên cả nghìn m2 đất trống, những cây keo đã được bóc vỏ và tập kết về đây. Nhà máy này đã bị đóng cửa một lần, mới đây, một ông chủ doanh nghiệp ở thị xã Thái Hòa đã bỏ tiền đầu tư, tái khởi động nhà máy.
Xưởng gỗ dăm rộng hàng nghìn m2 đang manh nha hoạt động tại xã Nghĩa Long huyện Nghĩa Đàn tỉnh Nghệ An
Trước đây, UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu dừng hoạt động sản xuất dăm gỗ của công ty TNHH Thái Lộc tại phường Hòa Hiếu, Công ty TNHH lâm sản 12/9 tại xã Đông Hiếu, thị xã Thái Hòa. Tưởng chừng vấn nạn gỗ dăm tại đây đã được loại bỏ thì mới đây, tại Công ty cổ phần Việt Á Nghĩa Đàn hoạt động băm dăm diễn ra cả ngày lẫn đêm gây bức xúc dư luận.
Người dân thôn Đông Phú xã Đông Hiếu thị xã Thái Hòa đang hàng ngày bị "tra tấn" bởi những tiếng ồn từ xưởng gỗ dăm của công ty cổ phần Việt Á Nghĩa Đàn
Với mặt hàng trái phép dễ dàng thu lợi, không chỉ có người địa phương ồ ạt đầu tư, mà các “đại gia” ngoài Hà Nội cũng đổ về Nghệ An để “chia bánh thị phần” nhà máy gỗ dăm trái phép. Theo đó, hàng ngày, người dân thôn Đông Phú, xã Đông Hiếu - Thị xã Thái Hoà bị tra tấn bởi những tiếng gầm thét từ những dây chuyền băm dăm của Công ty cổ phần Việt Á Nghĩa Đàn. Những chuyến xe tải chở gỗ keo và dăm gỗ ra vào nườm nượp, ồn ào gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống những hộ dân xung quanh. Công ty cổ phần Việt Á Nghĩa Đàn do bà Phạm Thị Loan (địa chỉ Nhà G26 Làng quốc tế Thăng Long phường Dịch Vọng - Quận Cầu Giấy- Hà Nội) làm chủ sở hữu. Công ty này được sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An cấp giấy phép kinh doanh với các ngành nghề: Sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ, Xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng, Bán buôn vật liệu, thiết bị lắp đặt khác trong xây dựng, Vận tải đường bộ khác.
Không riêng gì Thái Hòa, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ… mà ở Nghệ An, gần như địa bàn nào có nguyên liệu cho sản xuất gỗ dăm thì ở đó có nhà máy trái phép được xây dựng. Theo đó, tại xã Hợp Đồng (huyện Quỳ Hợp) có hai nhà máy gỗ dăm của Công ty TNHH chế biến lâm sản Hoàng Huy tại xã Yên Hợp và Công ty TNHH sản xuất, chế biến và thương mại Thắng Lợi cũng bắt đầu hoạt động lại.
Theo người dân tại xã Đồng Hợp, một tháng trở lại đây, xưởng gỗ dăm Thắng Lợi bắt đầu hoạt động lại. Ban ngày, công ty này luôn “cửa đóng then cài” giống như đang yên giấc. Nhưng mỗi khi bóng đêm buông xuống thì nhà máy xay dăm bắt đầu thức giấc và đi vào hoạt động. Tiếng động cơ, máy móc gào rú, dăm gỗ được đổ thẳng lên xe tải chở đi. Xưởng Thắng Lợi chỉ hoạt động về ban đêm như tránh sự “soi mói” của cơ quan chức năng. Tất cả chỉ diễn ra trong đêm, đến sáng hôm sau, cửa công ty lại khép lại như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Mọi thứ được xóa sạch, đến một mảnh dăm cũng không còn.
Trái với sự “lén lút” của công ty Thắng Lợi là sự ngang nhiên như thách thức tất cả của Công ty TNHH chế biến lâm sản Hoàng Huy tại xã Yên Hợp.
Trước sự quyết liệt của chính quyền tỉnh Nghệ An về việc xóa sổ các xưởng gỗ dăm trái phép hồi tháng 4/2016, doanh nghiệp Hoàng Huy cũng chịu thu mình nằm im. Nhưng chỉ 3 tháng sau, doanh nghiệp này bất ngờ hoạt động lại một cách mạnh mẽ, ngang nhiên. Xe chở keo ra vào liên tục, máy xay dăm hoạt động hết công suất cả ngày và đêm.
Xưởng gỗ dăm nằm giữa rừng keo của doanh nghiệp Hoàng Huy hoạt động ngày đêm thách thức dư luận
Đi trên quốc lộ 48 đoạn qua thôn Cồng, nếu ai yếu bóng vía sẽ không khỏi hoảng hốt khi nghe những tiếng “ken két” vọng ra từ những rừng keo bên đường. Hỏi ra mới biết, đó là tiếng máy nghiền gỗ dăm của doanh nghiệp Hoàng Huy hoạt động khoảng 1 tháng nay. Để tiếp cận nhà máy xay dăm của doanh nghiệp Hoàng Huy không phải là chuyện đơn giản. Lối vào nhà máy là một con đường độc đạo và luôn được tuần tra bởi những thanh niên bặm trợn, cởi trần. Mỗi khi có người lạ tiếp cận khu vực, những thanh niên này liền dành những ánh mắt “thiện chiến” như muốn xua đuổi ra khỏi địa bàn của họ.
Phải rất khó khăn PV mới có thể tiếp cận vào gần khu vực nhà máy này. Giữa những rừng keo là một xưởng gỗ dăm rộng hàng nghìn m2. Những nhà xưởng được lợp bằng bằng tôn xanh, một dây chuyền băm dăm được dựng tại đây liên tục hoạt động, những xe chở gỗ keo đã được bóc sẵn liên tục ra vào.
Ông Nguyễn Tiến Lâm – Phó Giám đốc Sở NN&PTNN Nghệ An cho biết: “Nếu cứ để tình trạng hoạt động băm dăm diễn ra ồ ạt, hỗn loạn sẽ dẫn đến các hệ quả sau. Thứ nhất là hiệu quả trồng rừng của bà con không cao. Thứ hai nếu cứ bán dăm thô thì hiệu quả kinh tế rất thấp. Phải ưu tiên nguyên liệu cho các nhà máy chế biến sâu”.
Trước đó, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định số 2008/UBND-CNTM giao Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với Chi cục Quản lý thị trường quản lý hoạt động vận chuyển sản phẩm dăm gỗ trên các tuyến đường: đường Hồ Chí Minh, QL48, QL1A, QL46…; kịp thời xử lý vi phạm các trường hợp vận chuyển sản phẩm dăm gỗ không có hóa đơn, chứng từ theo đúng quy định của pháp luật. |
Tác giả bài viết: Thủy Tiên