Nhận thấy khu vực bãi đất hoang Đồng Hồ rộng 2ha bị bỏ hoang từ cách đây 14 năm, có khả năng cải tạo để làm trang trại phát triển chăn nuôi, năm 2016, anh đã mạnh dạn đứng ra nhận thầu 50 năm để làm trang trại.
Chuồng trại chăn nuôi được anh Trần Hữu Nghĩa đầu tư xây dựng kiên cố, đảm bảo các các yếu tố về thú y.
Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và các ngành liên quan, cuối năm ngoái, anh đã đầu tư gần 3 tỷ đồng để xây dựng một hệ thống trang trại đạt tiêu chuẩn và làm thủ tục nhập 100 con trâu, bò từ các nước Campuchia, Thái Lan và Úc về nuôi vỗ béo làm hàng hóa.
Anh Nghĩa cho biết: Trâu bò nhập ngoại có ưu điểm có khung hình lớn và tăng trọng hơn giống trâu bò địa phương. Một con trâu, bò nhập ngoại nếu lựa chọn được giống tốt, kết hợp áp dụng các biệp pháp vỗ béo hợp lý thì mỗi ngày có thể tăng trọng từ 1-1,2 kg, trong khi đó chi phí tối đa là 50 ngàn đồng cho 1 kg tăng trọng. Với giá bán hiện nay trung bình là 71 ngàn đồng/ kg hơi, nếu nuôi trong thời gian 3 tháng sẽ có lãi từ 1,8-2 triệu đồng/ con.
Công tác vệ sinh chuồng trại được thực hiện thường xuyên nhằm phòng tránh dịch bệnh.
Thực hiện mô hình này, chuồng trại được vệ sinh sạch sẽ hàng ngày; mỗi tuần 2 lần phun hóa chất khử trùng tiêu độc. Trang trại của anh Nghĩa thường xuyên có một cán bộ thú y thường xuyên theo dõi diễn biến tổng đàn, kịp thời phát hiện và xử lý khi có dấu hiệu dịch bệnh.
Để trâu, bò phát triển tốt và đạt trọng lượng cao, ngoài thức ăn tươi được xay từ cây ngô, cỏ voi trộn với muối, cám ngô, cám gạo, anh còn chế biến ủ chua thức ăn từ các loại cây xanh trộn lẫn với mật mía, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng.
Trang trại của thanh niên 8X hiện có gần100 con trâu, bò được nhập từ các nước Campuchia, Thái Lan và Úc về nuôi vỗ béo làm hàng hóa
Nhờ chăn nuôi theo đúng quy trình, kết hợp áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nên đàn trâu, bò phát triển tốt, đạt chất lượng, được thương lái trong và ngoài nước tin dùng. Mới đây, gia đình anh đã xuất bán lứa đầu 40 con trâu, cho nguồn thu 750 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Nghĩa còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương, với mức thu nhập 4-5 triệu đồng/người/tháng.
Đây là hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi ở huyện Yên Thành, nhiều hộ làm trang trại đến tham khảo, học tập kinh nghiệm để nhân rộng mô hình, góp phần tăng thu nhập cho gia đình.
Anh Trần Hữu Nghĩa cho biết thêm: Để phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương và tiêu thụ cây ngô, cỏ voi và nông sản cho bà con, gia đình dự định sẽ mở rộng khu vực chuồng nuôi. Nhưng khi mở rộng, yếu tố quan trọng nhất phải đảm bảo vệ sinh môi trường và công tác dịch tễ để trâu bò phát triển đạt yêu cầu về chất lượng, cũng như đảm bảo cho những người xung quanh không bị ảnh hưởng.
Nguồn tin: