Du lịch

6 món ngon đặc sắc của quê hương nhà văn Nam Cao

Cá kho làng Vũ Đại, chuối ngự Đại Hoàng, bánh cuốn chả nướng Phủ Lý… là những món ngon nổi tiếng của vùng đất Hà Nam.

Cá kho niêu đất làng Nhân Hậu

Cá kho vốn được cho là món ăn bình dị, dân dã ở các gia đình từ nông thôn đến thành thị, thế nhưng món cá kho của làng Nhân Hậu, Hà Nam có lẽ lại là ngoại lệ với mức giá "khủng", dao động từ 600 ngàn cho đến khoảng 2 triệu đồng cho niêu cá có trọng lượng từ 1kg đến gần 7kg. Sở dĩ giá cao như vậy vì món cá kho của làng làm rất cầu kỳ, từ khâu chọn cá, khâu tẩm ướp, chọn củi đun và canh lửa.

5 đặc sản Tết có giá tiền triệu vẫn đắt hàng 1
Ảnh: Baodatviet

Cá để kho thường là cá trắm đen loại to được đặt riêng, riêng chuyện kho cá cũng rất công phu do phải đun từ gỗ nhãn và trấu trong khoảng 9 đến 12 tiếng liên tục mới hoàn tất. Niêu cá kho ở đây không phải bỏ đi bất cứ thứ gì. Thịt cá thì mềm ngọt, chắc, phần xương mềm tan. Bởi thế, dù có giá lên tới tiền triệu nhưng khách vẫn nườm nượp đặt hàng và lượng cá kho của làng vẫn không đủ để cung ứng ra thị trường.

5 đặc sản Tết có giá tiền triệu vẫn đắt hàng 2
Ảnh: Zing

Bánh cuốn chả nướng Phủ Lý

Bánh cuốn là món ăn dân dã có ở rất nhiều tỉnh thành ở Việt Nam với nhiều biến tấu khác nhau. Trong số các loại bánh cuốn nổi tiếng, có thể kể đến bánh cuốn Phủ Lý, Hà Nam. Bánh cuốn Phủ Lý là bánh cuốn chả nướng với đĩa bánh cuốn trắng tinh, được thêm chút hành khô phi thơm lừng, bát chả nướng nóng hổi, bạn khó lòng mà có thể cưỡng lại. Đi qua Phủ Lý, đừng quên ghé qua hàng bánh cuốn chả nằm trên đường Trần Phú hoặc bất kỳ một hàng nào khác có biển hiệu “Bánh Cuốn Chả Nóng” để nếm món ăn này nhé.

Chuối ngự Đại Hoàng

Chuối Ngự “chuẩn” có nguồn gốc từ Làng Đại Hoàng, phủ Lý Nhân xưa, nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam được nhiều người biết đến bởi đây là quê hương của nhà văn Nam Cao. Đây là giống chuối ngon xếp đầu bảng trong hơn 30 giống chuối ở Việt Nam. Gọi là chuối Ngự vì xưa kia là chuối tiến vua, món ăn tráng miệng sau khi ngự thiện (Vua dùng bữa). Chuối Ngự quả chỉ bằng ngón tay cái, vỏ mỏng tang, nuột nà, ruột vàng ươm, ăn vào ngọt dịu, thơm nức mũi.

Hồng không hạt Nhân Hậu

Hồng Nhân Hậu có hai loại là hồng ngâm và hồng mòng. Khi quả hồng đương độ dở dở ương ương, người ta sẽ hái xuống, sau đó cắt lá chuối ngự, xé nhỏ lót quanh thùng kín, đổ tro bếp lên, vùi từng quả hồng xuống rồi đổ ngập nước ấm. 3 - 5 ngày sau chất chát trong quả hồng thôi ra, ngọt lịm, khi gọt vỏ bổ ra vẫn cứng, ăn giòn sần sật. Đối với hồng mòng, để khử chát, người làng Nhân Hậu không ngâm nước tro bếp mà giấm bằng đèn dầu, hương nhang hoặc lò trấu. Khi chín, trái hồng có màu đỏ đậm như quả cà chua, vỏ mỏng như một lớp màng mà vẫn cứng.

Hồng không hạt là đặc sản của Hà Nam hiện đang được bảo tồn và phát triển. Trước đây, loại hồng này được trồng rất nhiều ở làng Nhân Hậu nhưng ngày nay không còn nhiều.

Mắm cáy Bình Lục

Mắm cáy đã đi vào cuộc sống và gắn bó với tuổi thơ của biết bao người dân vùng chiêm chũng. Mắm cáy được làm từ con cáy, vốn sống ở vùng nước lợ. Cáy sau khi bắt về sẽ được rửa sạch rồi giã nhuyễn trong cối đá. Vừa giã, người thợ sẽ cho thêm chút muối tinh. Sau đó tất cả được đổ vào hũ sành cùng riềng và gừng đập giập.

mắm cáy

Mắm cáy được phơi ngoài nắng cho “ngấu” rồi có thể chôn dưới đất. Để càng lâu, mắm càng đậm đà. Mắm thành phẩm có màu nửa xanh nửa nâu, rất hợp để chấm rau lang luộc. Với những món canh nấu bằng mắm cáy, rau càng xanh mướt và ngọt vị hơn. Mắm cáy hay xuất hiện ở vùng nước lợ, nhưng nổi tiếng nhất ở ở Bình Lục, Hà Nam.

Bánh đa cá rô

Cá rô đồng “chính hiệu” của vùng quê chiêm trũng nhỏ, thơm làm sạch, chiên vàng sau đó thêm rau cải xanh và chan thứ nước dùng ngọt thanh nấu từ cá cho ra bát bánh đa cá rô đồng ngon thương hiệu của vùng đất Hà Nam. Nếu đi qua Phủ Lý, bạn có thể dừng ở đường Trần Phú để thưởng thức món ngon này.

bánh đa cá rô

Tác giả bài viết: hatran/theo Lê Bình

  Từ khóa: cá kho ,nổi tiếng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP