Cha mẹ nào cũng mong những đứa trẻ mình sinh ra, nuôi nấng trở thành người con ngoan, biết vâng lời ông bà cha mẹ. Tuy nhiên, trong mỗi giai đoạn của cuộc đời, trẻ sẽ nảy sinh tâm lý, tính cách khác nhau khiến không ít ông bố, bà mẹ cảm thấy stress. Từ đó, cha mẹ có một số hành động như quát mắng hay sử dụng đòn roi với con. Những cách này ba mẹ nghĩ là tốt nhưng thực chất lại gây tác dụng ngược.
1. Quát mắng con ở nơi đông người
Mắng con ngay trước mặt người khác chính là một hành động phủ nhận con một cách tiêu cực nhất, vì nó khiến đứa trẻ cảm thấy xấu hổ. Nhiều bố mẹ nghĩ rằng cách giáo huấn này sẽ hiệu quả vì khiến con sợ hãi, lần sau không dám lặp lại nữa. Thế nhưng đôi khi nó lại gây ra tác dụng ngược.
Những em bé bị mắng dễ tủi thân, ấm ức, xen lẫn cả sự xấu hổ, tự ti ẩn trong những giọt nước của con vì bị bố mẹ dạy dỗ ngay trước mặt đông người khi làm sai điều gì đó. Nếu ở đó có bạn bè thân thiết, con dễ cảm thấy bị xúc phạm, coi đó là một sự xấu hổ và sỉ nhục.
Bên cạnh đó, những lời mắng mỏ liên tục có thể khiến con hình thành suy nghĩ bạn không yêu chúng. Dù bạn đã cố gắng bù đắp sau những hành vi nghiêm khắc đó nhưng con bạn vẫn luôn cảm thấy tồi tệ. Trẻ con ghi nhớ rất lâu, và con có thể sẽ nhắc đi nhắc lại về chuyện đã bị bố mẹ mắng như thế nào.
Thay vì quát mắng con, hãy dạy con rằng việc mắc lỗi là điều không tránh khỏi, quan trọng là phải rút kinh nghiệm và trở thành một người tốt hơn.
2. Sự dụng bạo lực bằng ngôn ngữ
Không đánh đập, không đòn roi nhưng trẻ vẫn hoàn toàn có nguy cơ bị khủng hoảng tinh thần vì sự chì chiết qua lời nói của ba mẹ. Bạo lực gia đình đối với trẻ em không chỉ là những trận đòn roi. Nó bao gồm cả kỳ thị, miệt thị, mắng nhiếc, xúc phạm, đe dọa, hay tạo áp lực căng thẳng như học tập, chứng kiến bạo lực gia đình.
Tùy vào mức độ nặng hay nhẹ, đứa trẻ sẽ phải chịu hậu quả của bạo lực. Nhiều em đã rơi vào trạng thái tự kỷ, phát triển không bình thường, diễn biến tâm lý lệch lạc hay thậm chí dẫn đến tự tử. Sau này, do chứng kiến quá nhiều bạo lực, không được yêu thương, những đứa trẻ này sẽ hình thành lên thói xấu, và học theo rồi trút giận cho người khác.
Các dấu hiệu trẻ bị bạo hành về tinh thần là hoảng sợ, ngủ không ngon giấc, sợ đi học, có những rối loạn về tâm lý và cảm xúc. Vì vậy, trẻ có xu hướng hay thu mình, lâu dài trẻ bị thui chột khả năng sáng tạo của bản thân. Với những trường hợp bị bạo lực tinh thần nặng nề từ những người thân, các em sẽ mất niềm tin vào cuộc sống.
Nhiều cha mẹ nghĩ rằng không đánh là tốt lắm rồi, những lời nói sẽ khiến trẻ phải thay đổi nhưng thực tế lại khiến mối quan hệ của cha mẹ và con cái tồi tệ hơn.
|
3. Coi thường những người bạn của con
Trẻ rất thích kết bạn, trong suốt quá trình lớn lên, con sẽ được làm quen với nhiều người bạn mới. Dĩ nhiên, sẽ có những người bạn tốt hoặc chưa tốt mà nhiều bố mẹ không muốn cho con chơi với họ. Mặc dù vậy, tỏ thái độ ra mặt không phải là cách làm đúng đắn. Cha mẹ nên khuyên bảo con một cách nhẹ nhàng, chia sẻ và định hướng hơn là cấm con không được phép chơi với một ai đó.
Trẻ sẽ cảm thấy khó xử, buồn bã, thậm chí là chán ghét nếu bố mẹ thẳng thừng nói xấu bạn của con, thậm chí là tỏ ra khó chịu khi gặp bạn bè của con. Hãy cư xử một cách lịch thiệp và chia sẻ riêng với con bằng thái độ nhẹ nhàng, mềm dẻo.
4. So sánh con với những đứa trẻ khác
Nhiều cha mẹ cho rằng việc so sánh sẽ khiến trẻ tiến bộ hơn, thế nhưng điều này chỉ khiến chúng thêm tự ti. Người lớn nên hiểu rằng mỗi đứa trẻ là một tài năng, con có những thế mạnh và sở trường của riêng mình, việc phụ huynh cần làm là nuôi dưỡng và phát triển điều đó thay vì bắt ép con làm theo điều bố mẹ cho là đúng.
Cho dù đó là anh chị em trong nhà hay con của một người bạn, việc so sánh sẽ làm tổn hại đến lòng tự trọng của con và khiến con cảm thấy không thỏa đáng. Megha Chopra, một phụ huynh, nhà thơ và doanh nhân người Ấn Độ, nói: "Đừng để con bạn cảm thấy thua kém người khác bởi mọi sự so sánh đều là một đòn tấn công bạo lực thầm lặng vào lòng tự trọng của trẻ".
Nếu trẻ liên tục nhận thông điệp rằng mình không tốt bằng người khác thì cảm giác "mình không đủ tốt" ấy sẽ len lỏi và nằm im lìm như một tế bào bị hủy, cho đến khi một ngày nào đó một tác nhân kích hoạt sẽ làm nỗi đau bùng nổ, khiến tâm trí và cơ thể trẻ rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Tác giả: Thảo Hương
Nguồn tin: Báo Tổ quốc