Với mục tiêu đến năm 2020 giảm khoảng 30-50% số lượng xe ô tô phục vụ công tác chung, Bộ Tài chính vừa có văn bản đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác thuộc Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm soát chặt chẽ việc mua sắm, bố trí, sử dụng xe ô tô đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.
Cùng với đó, sau thành công bước đầu về khoán xe đối với một số chức danh Thứ trưởng, Tổng cục trưởng và tương đương, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tiếp tục yêu cầu mở rộng diện khoán xe với doanh nghiệp trong ngành và siết việc dùng xe đưa đón không đúng quy định.
Đối với các doanh nghiệp như Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC, Ngân hàng Phát triển Việt Nam - VDB, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị ban hành cơ chế khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đối với các chức danh được sử dụng xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc. Việc này được yêu cầu hoàn thành ngay trong tháng 12 này.
Như vậy, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc của SCIC và VDB sắp tới được áp dụng cơ chế khoán kinh phí xe công thay vì được đưa đón như trước.
Đối với Tập đoàn Bảo Việt, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này nghiên cứu, đề xuất với Hội đồng quản trị công ty triển khai việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô với một số chức danh được sử dụng xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc (Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT...) và đưa vào Quy chế chi tiêu nội bộ của doanh nghiệp.
Bộ Tài chính đang triển khai mở rộng diện khoán xe công đến các doanh nghiệp trong ngành (Ảnh minh họa: Bích Diệp)
Giá xăng tăng mức cao nhất trong năm 2016
Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng quỹ bình ổn, kể từ 15 h chiều ngày 20/12, giá xăng RON 92 đã tăng 919 đồng/lít lên mức tối đa 17.594 đồng/lít. Giá xăng sinh học (E5) cũng tăng 800 đồng/lít lên mức tối đa 17.322 đồng/lít. Đây là mức tăng giá xăng cao nhất từ đầu năm và cũng là lần tăng giá cuối cùng của năm 2016.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã tăng 13 lần với tổng cộng gần 6.500 đồng/lít, trong đó, kỳ điều hành này là một trong số những kỳ có mức điều chỉnh mạnh nhất. Cũng từ đầu năm đến nay, giá xăng đã 9 lần giảm với tổng cộng cũng gần 5.000 đồng/lít và 2 lần giữ nguyên giá.
Theo Bộ Công Thương, giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng trong kỳ điều hành vừa qua cao hơn kỳ điều hành trước khoảng 1.019 đồng/lít với xăng RON 92 và 761-822 đồng/lít với các mặt hàng dầu. Nói cách khác, nếu không sử dụng quỹ bình ổn thì giá xăng dầu đã tăng mạnh hơn.
Các chuyên gia lo ngại, giá xăng tăng sốc là nguy cơ đòn bẩy cho nhiều mặt hàng, dịch vụ ăn theo tăng giá, khiến thị trường hàng hóa, dịch vụ cuối năm càng xáo động hơn.
“Cuối năm, chúng ta thường thấy vé xe khách tăng ở nhiều tuyến đường dài. Xăng dầu tăng giá nhiều sẽ hỗ trợ cho hành vi này. Các cơ quan chức năng cần rà soát việc tăng giá vé xe để ngăn chặn tình trạng té nước theo mưa, ồ ạt tăng vé chỉ bởi vin cớ, cố tình đẩy giá lên cao” - Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh khuyến cáo.
Xử nghiêm tình trạng xe khách, taxi lợi dụng lễ, tết để "thổi" giá
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng mới đây vừa ký ban hành Chỉ thị số 06 ngày 19/12/2016 về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017.
Riêng đối với giá cước vận tải hành khách tuyến cố định bằng đường bộ, cước vận tải hành khách bằng taxi, Bộ trưởng yêu cầu các Sở Tài chính phối hợp để Sở Giao thông Vận tải tiếp nhận kê khai giá từ ngày 1/1/2017 theo quy định.
Chỉ thị nêu rõ: Tăng cường kiểm tra và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, lợi dụng lượng hành khách tăng trong dịp lễ, tết, cao điểm để tăng giá ở mức cao và các trường hợp không thực hiện việc kê khai, niêm yết giá; công bố công khai tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm và hình thức xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tại phiên họp của Ban chỉ đạo điều hành giá ngày 22/12, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, có nhiều thách thức để thực hiện mục tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm 2017 khoảng 4% khi hiện nay giá nhiều mặt hàng đã xuống đáy và đang có xu hướng tăng trở lại. Đặc biệt là 27 tỉnh, thành phố sẽ thực hiện tăng mức viện phí, hàng loạt loại phí dịch vụ công cũng chuyển sang cơ chế giá. Chính vì vậy, trong điều hành, dự kiến năm tới sẽ hạ giá thuốc và giảm phí BOT.
Theo Phó Thủ tướng, “Việc hạ được giá thuốc qua kênh đấu thầu và giảm phí BOT của ngành giao thông trong năm 2017 sẽ tạo ra dư địa cho Chính phủ điều hành và kiểm soát lạm phát”.
Tình trạng các doanh nghiệp nâng giá vé vô tội vạ vào các dịp lễ, tết gần như năm nào cũng diễn ra (ảnh: Nguyễn Dương)
Tiếp tục lập đoàn kiểm tra Vinastas vụ tung tin xấu về nước mắm
Theo nguồn tin của Dân trí ngày 20/12, Bộ Nội vụ vừa có công văn hoả tốc gửi Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương về việc cử công chức tham gia Đoàn kiểm tra Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) sau khi Hiệp hội này công bố khảo sát chất lượng nước mắm gây nhiều tác động và dư luận xấu. Theo đó, Bộ Nội vụ đề nghị Bộ Tư pháp và Bộ Công Thương cử 1 công chức lãnh đạo cấp Vụ tham gia Đoàn Kiểm tra.
Tin từ Văn phòng Chính phủ cũng cho biết, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nghiên cứu, rà soát toàn diện Tiêu chuẩn Việt Nam về nước mắm (TCVN 5107:2003) bảo đảm khắc phục các bất cập, phù hợp với thực tiễn sản xuất trong nước và yêu cầu hội nhập quốc tế.
Trước đó, nhóm các doanh nghiệp sản xuất nước mắm cũng có văn bản gửi Chính phủ và các Bộ ngành cho biết sẽ sớm tự công bố tiêu chuẩn chung của nước mắm truyền thống và kiến nghị Thủ tướng sớm giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn soạn thảo và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước mắm để có cơ sở phân biệt nước mắm truyền thống với nước mắm công nghiệp hoặc nước chấm.
Thủ tướng lập Ban chỉ đạo xử lý tồn tại ở 12 nhà máy, dự án lớn
Trong phiên họp chiều ngày 20/12, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo của Chính phủ xử lý tồn tại, yếu kém ở 12 nhà máy, dự án lớn thuộc ngành Công Thương.
Theo đó, ngoài 5 nhà máy, dự án thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả mà Quốc hội đã nêu lên tại Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2 vừa qua (là nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, dự án nhà máy bột giấy Phương Nam, dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất và nhà máy đạm Ninh Bình), Ban chỉ đạo cũng bổ sung sơ bộ thêm 7 nhà máy, dự án khác (đạm Hà Bắc, đạm DAP 1 Lào Cai , DAP 2 Hải Phòng, Ethanol Bình Phước, Ethanol Phú Thọ, nhà máy đóng tàu Dung Quất, dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và nhà máy gang thép Lào Cai) đang có tình trạng tương tự để tập trung xử lý dứt điểm theo đúng Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nhằm kéo giảm nguy cơ mất vốn đầu tư, tiêu hao nguồn lực nhà nước cũng như của xã hội.
Trong một động thái có liên quan, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xử lý các vấn tồn tại ở các dự án lớn chậm tiến độ, kém hiệu quả trong ngành Công Thương.
Trong Tổ công tác đặc biệt này, người đứng đầu ngành Công Thương giữ vai trò Trưởng ban. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ rà soát, đánh giá toàn diện các vấn đề tồn tại trong quá trình thực hiện các dự án lớn ở một số Tập đoàn, Tổng công ty thuộc ngành Công Thương; đánh giá nguyên nhân dẫn đến tình trạng thua lỗ, kém hiệu quả của các dự án.
Một góc công trường đại dự án Gang Thép Thái Nguyên mở rộng (giai đoạn 2).
Khai tử nhà máy thép 500.000 tấn/năm tại Khu kinh tế Vũng Áng
Sau nhiều năm "chết yểu", cuối cùng dự án (DA) Nhà máy liên hợp gang thép Vạn Lợi công suất giai đoạn một 250.000 tấn/năm, giai đoạn hai 500.000 tấn/năm vừa bị thu hồi giấy phép đầu tư.
DA Nhà máy thép Vạn Lợi có tổng mức đầu tư 1.764 tỉ đồng tọa lạc trên diện tích hơn 25,8 ha thuộc Khu Kinh tế (KKT) Vũng Áng 1 (phường Kỳ Thịnh, TX. Kỳ Anh, Hà Tĩnh) sau 6 năm chậm tiến độ.
Ra đời từ năm 2008 với mục đích cung cấp nguyên liệu quặng sắt cho Nhà máy thép Vạn Lợi nói trên, thế nhưng, do DA nhà máy thép đầu tư dang dở đã đẩy Nhà máy tuyển quặng sắt Vũ Quang (tổng mức đầu tư hơn 158 tỉ đồng, công suất 500.000 tấn/năm, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 5/2009) "chết yểu" theo vì nguyên liệu khai thác ra không thể tiêu thụ. Với nguyên nhân đó, từ năm 2012, nhà máy tuyển quặng sắt Vũ Quang đã ngừng hoạt động. Hơn 100 công nhân của nhà máy cũng mất việc từ đó.
Về 7.000 tỷ đồng hồi sinh mỏ sắt Thạch Khê, theo các chuyên gia kinh tế, nếu tiếp tục thực hiện dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê sẽ gây ô nhiễm môi trường lớn hơn mà hiệu quả "không mang tới gì cả". Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển không nhỏ, lấy quặng sắt lên được mặt đất đã quá tốn kém chứ chưa nói tới là vận chuyển tới Ninh Thuận hay đâu đó để sản xuất thép.
Samsung Bắc Ninh lỗ 3.000 tỷ đồng sau sự cố Galaxy Note 7
Báo cáo kết quả kinh doanh quý III (kết thúc ngày 30/9/2016) được Tập đoàn Samsung công bố cho thấy, trong kỳ, Samsung Electronics Vietnam (SEV) - hay còn gọi là Samsung Bắc Ninh, ghi nhận lỗ 146,5 tỷ won (tương đương với khoảng 3.000 tỷ đồng). Cùng kỳ năm ngoái, đơn vị này lãi hơn 585,5 tỷ won.
Sự sụt giảm mạnh về kết quả kinh doanh của Samsung Bắc Ninh trong quý III/2016 được cho là có liên quan đến sự cố cháy nổ của sản phẩm Galaxy Note 7. Theo đó, Samsung Bắc Ninh là nơi xử lý và đóng gói pin dùng cho sản phẩm này.
Tính lũy kế 9 tháng đầu năm 2016, Samsung Bắc Ninh vẫn ghi nhận lãi 1.239,4 tỷ won (tương đương khoảng 25.000 tỷ đồng). Cùng kỳ năm 2015, Samsung Bắc Ninh có lãi 1.524,4 tỷ won.
Trong khi đó Samsung Electronics Vietnam Thái Nguyên (SEVT) có lãi 679,3 tỷ won trong quý III và qua đó đưa mức lãi 9 tháng lên 2.078,4 tỷ won. Đây cũng là nhà máy có mức lãi lớn nhất của Samsung trong 9 tháng đầu năm 2016. Các nhà máy Samsung tại Việt Nam hiện cung cấp 30% tổng sản lượng điện thoại Samsung bán ra trên toàn cầu.
Phía Samsung đánh giá, sự thất bại của Galaxy Note 7 khiến tập đoàn này thiệt hại khoảng 5,3 tỷ USD, trong đó, ước tính chi phí thu hồi vào khoảng 2,3 tỷ USD.
Hầm để xe tại tòa nhà Thăng Long Number one
Khó tin mức giá gửi xe ô tô 200 ngàn đồng/đêm ở Hà Nội
Do người dân đang sở hữu nhiều phương tiện cá nhân hơn mà diện tích, số lượng các bãi gửi xe lại càng nhỏ và ít, nên đã tạo điều kiện cho các nạn “chặt chém” phí thu giữ xe diễn ra tràn lan. Có nơi, giá niêm yết gửi xe qua đêm đã lên tới 200 ngàn đồng/đêm.
Theo tìm hiểu của PV Dân Trí, khung tính mức thu phí gửi xe ở phần đầu bảng niêm yết của tòa nhà Thăng Long Number one dành cho xe máy, xe đạp điện và ô tô đã đúng theo quy định. Nhưng tòa nhà Thăng Long number one đã đưa thêm mức phạt gửi xe máy trên 8 tiếng là 50.000 đồng/xe/lượt và qua đêm là 100.000 đồng/xe/lượt. Mức giá trông giữ ô tô vào ban đêm được “niêm yết” là 200 nghìn đồng/xe, bắt đầu từ 24 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau (tức là chỉ 6 tiếng).
Theo một cư dân của toà nhà này, việc áp dụng mức 200 ngàn đồng trên là "một mức phạt" nhằm ngăn chặn người bên ngoài vào gửi xe tràn lan, làm mất chỗ đỗ, ảnh hưởng đến quyền lợi của cư dân trong toà nhà, khi mỗi hộ dân ở đây, phải mất 800 triệu đồng để mua một chỗ gửi xe ở tầng hầm.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành công văn số 7236/UBND-TKBT giao cho Giám đốc Sở xây dựng chủ trì, phối hợp với Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy kiểm tra thông tin các báo đã nêu. Yêu cầu Ban Quản lý tòa nhà Thăng Long Number 1 thực hiện việc thu phí dịch vụ theo đúng quy định để báo cáo Thành Ủy, UBND thành phố trước ngày 30/12/2016.
Chồng ca sĩ Thu Minh tiếp tục bị đòi nợ
Sau ba tháng im lặng để thương lượng về hành trình đòi nợ, bỗng dưng đến chiều ngày 21/12, một nhóm người được cho là công nhân của công ty gỗ Gia Hân (Biên Hoà, Đồng Nai) đã kéo đến địa chỉ trên đường Đoàn Văn Bơ, Q.4, TPHCM, nơi công ty Global Home S.R.O đặt văn phòng để tiếp tục đòi nợ.
Công ty Global Home trước đây do ông Otto (doanh nhân người Séc, chồng ca sĩ Thu Minh) làm trưởng đại diện.
Lần này, người của công ty gỗ Gia Hân đăng biểu ngữ to viết bằng hai ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt với nội dung “Chúng tôi là 200 công nhân của Công ty Gia Hân. Yêu cầu ông Otto – Giám đốc Công ty Global Home - Chồng ca sĩ Thu Minh điều hành trả tiền, hàng cho công ty để công ty trả tiền lương cho người lao động" .
Ông Trump bổ nhiệm nhà kinh tế chống Trung Quốc đứng đầu Ủy ban Thương mại Quốc gia
Tuần qua, thông tin Quốc tế đáng chú ý là Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump cho biết sẽ thành lập Ủy ban Thương mại Quốc gia thuộc Nhà trắng chịu trách nhiệm về các chính sách công nghiệp. Và nhà kinh tế Peter Navarro – một người theo trường phái cứng rắn với Trung Quốc – sẽ lãnh đạo đơn vị này.
Được đào tạo tại Harvard, ông Navarro là tác giả của các quyển sách như “Chết bởi Trung Quốc” và “Hổ ẩn: Chủ nghĩa quân phiệt của Trung Hoa với thế giới.” Cuốn “Chết bởi Trung Quốc” là những ghi chép về việc ngành công nghiệp của Mỹ mất việc vào tay người Trung Quốc như thế nào.
Sự kiện này đã khiến Bắc Kinh nổi giận. Theo cảnh báo của Cui Fan, thuộc viện nghiên cứu trực thuộc Bộ thương mại Trung Quốc, Trung Quốc sẽ đáp trả bất kỳ hành động đơn phương nào của Chính phủ Tổng thống Trump. “Trung Quốc đang chuẩn bị cho các hành động về thương mại của Hoa Kỳ. Trung Quốc sẽ có các biện pháp trả đũa tương xứng.”
Tác giả bài viết: Bích Diệp
Nguồn tin: