Bị cáo bật khóc kêu oan tại phiên Tòa!
Phiên tòa xét xử bị cáo Ngô Trí Ca (ở khối 6, phường Trường Thi, TP Vinh) về hành vi gây rối trật tự công cộng vào chiều ngày 26/3 nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Trong vụ án này, bị cáo Ca đã gửi đơn kêu cứu nhiều nơi vì cho rằng bị cáo bị hình sự hóa hành vi dân sự.
Tại trụ sở Tòa án tỉnh, có ít nhất 4 người là cán bộ Tòa án tỉnh Nghệ An được triệu tập tại phiên tòa này với tư cách người bị hại, người làm chứng.
Trong phần tranh luận tại phiên tòa, trước lời cáo buộc của Viện kiểm sát Nhân dân TP Vinh (VKS TP Vinh), bị cáo vẫn một mực cho rằng về bản chất, vụ việc không tới mức nghiêm trọng. Bản thân bị cáo thậm chí còn đứng ra can ngăn anh trai vô ý có hành vi quá khích khi đang trong cơn nóng giận. Bị cáo tiếp tục khẳng định việc mình bị cáo buộc tát chị Trà Giang - cán bộ Tòa án tỉnh Nghệ An vào thời điểm xảy ra sự việc là không có, oan trái.
Vì thế bị cáo Ca cho rằng việc truy tố về hành vi gây rối trật tự công cộng theo Khoản 1, Điều 318 Bộ luật hình sự là quá nặng, hành vi của bị cáo chưa tới mức bị hình sự hóa. Đối với bị cáo thì mức phạt xử lý hành chính để răn đe, giáo dục thì mới thấu tình, đạt lý.
Cho rằng mình bị khởi tố vì hành vi gây rối trật tự công cộng là quá nặng nên thời gian qua Ngô Trí Ca liên tục viết đơn kêu cứu gửi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mong được xem xét minh bạch, công tâm, đúng bản chất. |
“Mong Hội đồng xét xử hãy xem xét thấu đáo sự việc, bị cáo hoàn toàn không có hành vi đánh cán bộ tòa hay mục đích gây rối. Chỉ vì chút nóng giận nên bị cáo đã to tiếng cãi lại nhưng bị cáo không lăng mạ, chửi tục, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cán bộ tòa án. Vì vậy bị cáo mong hội đồng hãy cho một cái án phạt khách quan, đúng” – Bị cáo bật khóc nức nở ngay tại tòa.
Bị cáo hết sức ăn năn về phút nóng giận bột phát, làm ảnh hưởng tới cán bộ tòa án tỉnh. Bị cáo thành khẩn xin được xem xét áp dụng các Điều 20, chương IV của bộ Luật hình sự về nội dung những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự về nội dung: Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Xem xét áp dụng điểm h, điểm I, điểm l, điểm 2 tại điều 51 Bộ luật hình sự về việc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Bị cáo liên tục kêu oan và khóc nức nở ngay tại phiên tòa khiến nhiều người tham gia phiên tòa băn khoăn |
Do vi phạm lần đầu, lại là lỗi vô ý, xuất phát từ lý do khách quan là chủ yếu nên dẫn tới việc nóng nảy gây mất trât tự tại tòa án, vì thế bị cáo mong Hội đồng xét xử xem xét vi phạm của bị cáo xử lý theo điểm D, điểm H, khoản 3, Điều 5, Mục 1, chương II của Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013.
Trong phiên tòa, đại diện VKS TP Vinh đã nêu rõ nội dung cáo trạng, đề nghị truy tố bị cáo Ngô Trí Ca về hành vi gây rối trật tự công cộng theo Khoản 1, Điều 318 Bộ luật hình sự. Áp dụng các biện pháp giảm nhẹ như phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, thành khẩn khai báo, gia đình có công với Nhà nước nên áp dụng điểm i, điểm s, Khoản 1, 2 Điều 51 Bộ luật hình sự. Tình tiết tăng nặng không có, đề nghị Hội đồng xét xử xử phạt bị cáo mức án 3 đến 6 tháng tù cho hưởng án treo.
Tuyên phạt 6 tháng tù giam liệu đã thấu tình, đạt lý?
Có mặt tại phiên tòa, bị hại là chị Nguyễn Thị Trà Giang (Sn 1981), anh Nguyễn Văn Yến (Sn 1976) và hai người làm chứng là anh Lê Viết Ngọc (Sn 1985) và chị Đậu Thị Bích Thủy (Sn 1982) đều là cán bộ Tòa án tỉnh Nghệ An có chung quan điểm hành vi của bị cáo là ngang ngược, coi thường pháp luật nên cần phải nghiêm trị thật thích đáng. Chị Trà Giang yêu cầu bị cáo phải đền bù thiệt hại 1,2 triệu đồng tiền hỏng kính đeo mắt.
Nhận định rằng, hành vi của bị cáo Ngô Trí Ca là hết sức nguy hiểm cho xã hội, cần thiết phải cách ly xã hội một thời gian để răn đe, giáo dục, Hội đồng xét xử của Tòa án Nhân dân TP Vinh do ông Phan Chân Nhân - Chủ tọa phiên Tòa, thay mặt Hội đồng xét xử đọc tuyên án: Áp dụng khoản 1, Điều 318 Bộ luật hình sự, áp dụng điểm s, Khoản 1, Khoản 2, Điều 51 Bộ luật hình sự, tuyên phạt bị cáo 6 tháng tù giam, về trách nhiệm dân sự phải bồi thường cho chị Trà Giang số tiền 1,2 triệu đồng do làm hỏng kính mắt.
Quang cảnh phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị can Ngô Trí Ca về hành vi gây rối trật tự công cộng sáng 26/3 |
Nghe xong phần tuyên án, nhiều người đã không khỏi sửng sốt, họ cho rằng bản án dành cho bị cáo phải chăng là quá nặng, và khó hiểu khi Hội đồng xét xử đã không áp dụng hết các hình thức giảm nhẹ theo quy định của luật như đề xuất của VKS TP Vinh, nhất là vấn đề liên quan việc gia đình bị cáo có công với Nhà nước.
Đồng thời, vì sao Hội đồng xét xử đã không áp dụng, Khoản 1 Điều 65 Bộ luật hình sự 2015 quy định về việc xử phạt án treo: “1. Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật thi hành án hình sự.”
Bên cạnh đó, tại Điều 2 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP có quy định về điều kiện cho người bị kết án tù được hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây: Bị xử phạt tù không quá 03 năm, có nhân thân tốt, có nơi cư trú ổn đinh, có ít nhất từ hai tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự…
Sau khi Hội đồng xét xử tuyên án, bị cáo vẫn tiếp tục kêu oan, và khẳng định sẽ kháng cáo lên các cấp có thẩm quyền để mong được xem xét toàn bộ vụ việc một cách khách quan, cẩn trọng, minh bạch để có một mức phạt đủ, đúng với hành vi do bị cáo gây ra thay vì án phạt tù 6 tháng mà tòa đã tuyên đối với bị cáo.
Nêu quan điểm trước khi phiên tòa sơ thẩm xét xử đối với bị cáo Ngô Trí Ca diễn ra, một thẩm phán, lãnh đạo Tòa án TP Vinh cũng cho biết sự việc hết sức đơn giản, không có gì nặng nề như nhiều vụ từng diễn ra, thậm chí còn không cần bị khởi tố, xử lý ngay tại ở tỉnh Nghệ An. Thế nhưng, có sự chỉ đạo từ lãnh đạo Tòa án tỉnh là đã gây rối ở tòa là phải xử lý nghiêm.
Khi chúng tôi đề cập việc có nghe thông tin từ Tòa án TP Vinh là chánh án tỉnh yêu cầu xử lý nghiêm, thì ông Hồ Đình Trung – Chán án Tòa án tỉnh Nghệ An nói: “Đúng rồi, đã vi phạm thì ở đâu cũng phải xử nghiêm, đặc biệt là ở Tòa thì càng phải xử nghiêm…”
Tác giả: Hoàng Phạm
Nguồn tin: Pháp luật & Dân sinh