Kinh tế

Vingroup chi nghìn tỷ mua lại Fivimart, Viễn Thông A, GM Vietnam

Hoạt động M&A được đẩy mạnh trong năm 2018 giúp Vingroup thâu tóm nhiều đối thủ cạnh tranh, mở rộng hệ sinh thái.

Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2018 của Công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup (mã CK: VIC) vừa công bố cho thấy những thông tin liên quan đến các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) được tập đoàn thực hiện trong năm 2018.

Ngoài các thương vụ M&A trong lĩnh vực bất động sản, năm vừa qua Vingroup thông qua các công ty thành viên cũng mua lại nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực thuộc hệ sinh thái như bán lẻ, ôtô, dược phẩm.

Cuối năm 2018, Vingroup đã chi ra 1.450 tỷ đồng để mở rộng mảng bán lẻ. Trong đó, tập đoàn đã chi ra 1.412 tỷ đồng để mua lại Công ty cổ phần Đầu tư Nhất Nam, doanh nghiệp sở hữu hệ thống siêu thị Fivimart và chi 39 tỷ đồng mua lại chuỗi bán điện thoại Viễn Thông A.

Sau khi hoàn tất việc mua lại, hai doanh nghiệp này được sáp nhập vào hệ thống công ty con của Vingroup trong từng lĩnh vực, cụ thể Fivimart được sáp nhập vào Vincommerce, còn Viễn Thông A được sáp nhập vào VinPro. Hệ thống siêu thị Fivimart, sau đó, cũng được đổi tên hoàn toàn thành VinMart.

Theo báo cáo tài chính của Vingroup, tổng tài sản của Fivimart đến lúc mua lại là hơn 765 tỷ đồng, còn Viễn Thông A là hơn 600 tỷ đồng.

Các siêu thị Fivimart vào đầu tháng 10/2018 đã gỡ logo AEON để chuẩn bị thay đổi theo nhận diện thương hiệu Vinmart. Ảnh: MS

Ở lĩnh vực dược phẩm, Vingroup chi ra 443 tỷ đồng sở hữu 96,4% cổ phần của Công ty VinFA. Hoạt động chính của VinFa tại ngày sáp nhập vào Vingroup là nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh dược phẩm. Hệ thống cửa hàng thuốc VinFA ra mắt thị trường từ đầu tháng 11/2018, tích hợp cùng các cửa hàng Vinmart+.

Trong lĩnh vực ôtô, Vingroup đã mua lại 100% cổ phần của General Motors Việt Nam (GM Việt Nam) với tổng giá trị hơn 900 tỷ đồng.

Trong một thỏa thuận được ký kết vào cuối tháng 6/2018, VinFast cho biết nhận chuyển nhượng, tiếp quản toàn bộ nhà máy GM tại Hà Nội và triển khai những hoạt động đầu tư tăng năng lực để sản xuất dòng ôtô cỡ nhỏ mới được mua bản quyền từ GM. Hệ thống 22 đại lý Chevrolet (gồm 8 ở miền Bắc, 3 miền Trung và 11 miền Nam) cũng là cơ sở để VinFast hình thành mạng lưới phân phối.

Trong lĩnh vực sản xuất thiết bị di động, Vingroup đã mua lại một doanh nghiệp nước ngoài là BQ - thương hiệu smartphone của Tây Ban Nha để rút ngắn thời gian thâm nhập lĩnh vực sản xuất điện thoại.

Báo cáo tài chính của Vingroup cho biết tháng 2/2019, Công ty VinTech đã mua 51% phần vốn góp của Mundo Reader - công ty chủ quản của BQ - thông qua việc mua phần vốn góp phát hành thêm và mua lại từ các thành viên khác. Tổng giá trị của thương vụ này là gần 36 triệu EUR (tương đương 40 triệu USD).

Tác giả: Minh Sơn

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP