Nguyễn Thị Oanh là một trong những VĐV xuất sắc nhất SEA Games 32 |
Hôm qua, ngày thi đấu chính thức cuối cùng của SEA Games 32 đã khép lại với một cơn mưa vàng khác cho thể thao Việt Nam. Cho dù không thể bảo vệ tấm HCV được chờ đợi nhất ở môn bóng đá nam, nhưng Việt Nam thống trị các môn thể thao khác và giành thêm 12 HCV.
Kết thúc kỳ Đại hội tại Campuchia, đoàn thể thao Việt Nam giành tổng cộng 136 HCV, 105 HCB và 114 HCĐ, qua đó giành ngôi nhất toàn đoàn. Chiến thắng của thể thao Việt Nam cực kỳ xứng đáng, bởi lẽ chúng ta bỏ xa đoàn nhì bảng Thái Lan đến 28 HCV và hơn đoàn hạng 3 - Indonesia tổng cộng 51 HCV - một khoảng cách không tưởng.
Đây là lần thứ 3 trong lịch sử tham dự SEA Games, Việt Nam giành ngôi nhất toàn đoàn. Tuy nhiên, đây mới là lần đầu tiên Việt Nam đoạt ngôi quán quân mà không phải là chủ nhà. Trong hai lần đứng đầu bảng trước đây, chúng ta đều là nước chủ nhà (2003 và 2022).
Một thống kê đặc biệt khác cho thấy sự phát triển vượt bậc của thể thao Việt Nam trong những năm qua, đó là chúng ta đã đứng trên Thái Lan trong 3 kỳ SEA Games liên tiếp. Trước khi giành ngôi nhất toàn đoàn ở SEA Games 31 và 32, Việt Nam đã về nhì ở SEA Games 30 (năm 2019) sau chủ nhà Phillippines với 98 HCV - hơn Thái Lan 92 HCV.
Trước khi đến Campuchia, mục tiêu của đoàn thể thao Việt Nam chỉ là lọt vào tốp 3 với 90 đến 120 HCV. Như vậy, các VĐV đã thi đấu xuất sắc và vượt xa chỉ tiêu đề ra. Các đội tuyển mang về nhiều HCV nhất cho Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 lần lượt là lặn (14), vật (13), điền kinh (12), judo (8) và bơi (7).
Đây cũng là kỳ SEA Games đánh dấu nhiều chiến thắng lịch sử thể thao Việt Nam. Trong đó, đặc biệt nhất phải kể đến tấm HCV đầu tiên ở môn golf của VĐV 15 tuổi Lê Khánh Hưng (nội dung đơn nam). Ngoài ra, kỳ tích giành 2 HCV ở 2 nội dung chạy trong vòng chưa đầy 30 phút của Nguyễn Thị Oanh cũng khiến bạn bè trong khu vực và quốc tế nể phục.
Bảng tổng sắp huy chương SEA Games 32 chung cuộc
|
Tác giả: A Phi
Nguồn tin: Báo Tiền Phong