Ông Trần Bắc Hà tử vong hôm 18/7 |
Ngày 18/7/2019, bị can Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), đã tử vong khi đang bị tạm giam để điều tra về những sai phạm trong hoạt động ngân hàng tại BIDV.
Được biết, ông Trần Bắc Hà được đưa vào Viện 105 tuy nhiên được xác định "tử vong ngoại viện" (mất trước khi đưa vào bệnh viện). Trước lúc mất, ông Hà đang bị tạm giam ở trại quân đội tại Sóc Sơn, Hà Nội.
Từ vụ ông Trần Bắc Hà tử vong trong trại giam, VietnamFinance điểm lại những trường hợp tương tự từng được dư luận quan tâm.
Phạm Tiến Dũng - bị can vụ PMU18, chết trong trại tạm giam
Tròn 10 năm trước, ngày 11/7/2009, ông Phạm Tiến Dũng (cựu Trưởng phòng kinh tế - kế hoạch thuộc PMU 18) đã chết trong thời gian bị giam giữ tại trại tạm giam T16 - Bộ Công an. Ông Dũng đột tử khi đang bị điều tra về hành vi tham ô tài sản trong vụ án PMU 18.
Được biết, ông Phạm Tiến Dũng chết vì những biến chứng của bệnh tiểu đường, sau 5 ngày cấp cứu tại bệnh viện Bệnh viện 19-8, Bộ Công an.
Ông Phạm Tiến Dũng sinh năm 1973, trú phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội, cựu Trưởng phòng triển khai dự án 6 (PID6) và Phòng kinh tế kế hoạch thuộc PMU18.
Ngày 3/3/2006, ông bị khởi tố, bắt giam do tình nghi liên quan tiêu cực tại PMU 18, gồm vụ tham ô tại dự án cầu Bãi Cháy và sai phạm trong quản lý tại PMU 18.
Tháng 4/2008, bị can Phạm Tiến Dũng bị truy tố về tội tham ô tài sản. Sau quá trình điều tra kéo dài, khi mảng đánh bạc của Bùi Tiến Dũng (cựu Tổng giám đốc PMU 18) kết thúc xét xử phúc thẩm thì mảng tham nhũng của Phạm Tiến Dũng mới kết thúc điều tra.
Các bị can trong vụ án PMU 18 (ảnh: Vietnamnet). |
Theo cáo trạng vào tháng 2/2009 của VKSND tối cao, Dũng cùng vợ và nhiều bị can khác là cán bộ PMU 18 bị truy tố về các hành vi lập hợp đồng khống cho thuê nhà ở, ô tô... chiếm đoạt gần 2,5 tỷ đồng.
Cũng trong quá trình điều tra vụ án PMU 18, tiếp nhận hồ sơ từ Thanh tra Chính phủ, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phát hiện nhiều sai phạm ở dự án cầu Bãi Cháy, trong đó Phạm Tiến Dũng là một trong số bị can chủ chốt.
Cáo trạng tháng 5/2009 của VKSND tối cao đã truy tố Dũng và các đồng phạm về tội tham ô tài sản do lập danh sách nhân viên khống, chiếm đoạt gần 3,5 tỷ đồng.
Ngày 10/7/2009, tại kết luận điều tra bổ sung lần thứ hai theo yêu cầu của VKSND tối cao, Bộ Công an khẳng định trong khi thi công cầu Bãi Cháy, cựu Tổng giám đốc PMU 18 Bùi Tiến Dũng cùng Phạm Tiến Dũng và các đồng phạm đã thông đồng tham ô gần 3,1 tỷ đồng. Trong số này riêng "ông tổng PMU 18" bị cáo buộc đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn tham ô hơn 2,7 tỷ đồng để sử dụng chi tiêu cho cá nhân và những người ông quan tâm.
Số tiền còn lại, cơ quan điều tra ghi nhận, Phạm Tiến Dũng và cán bộ tại phòng triển khai dự án 6 (PID 6) của PMU 18 và sau này là Phòng kinh tế kế hoạch đã trích gần 680 triệu đồng để sử dụng vào việc chung, cụ thể: lát vỉa hè trụ sở (120 triệu đồng), mua trang thiết bị văn phòng phẩm (gần 120 triệu đồng), tiếp khách (340 triệu đồng)...
Khoản này được cho là các bị can không chia nhau chiếm hưởng cá nhân nên cơ quan điều tra đề nghị xem xét là tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho các bị can nguyên là cán bộ phòng PID 6.
Tại hai vụ án này, Phạm Tiến Dũng đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội tham ô tài sản. Tuy nhiên, việc Phạm Tiến Dũng chết bất ngờ đã ảnh hưởng nhiều tới việc xác định sự thật vụ án.
Ông Dương Lê Dũng tự tử trong trại giam Bộ Công an
Vụ việc ông Dương Lê Dũng (sinh năm 1956, cựu Giám đốc Công ty Lương thực Chi nhánh Vĩnh Long thuộc Tổng công ty Lương thực miền Nam – Vinafood2) tự tử trong trại tạm giam Bộ Công an vào tháng 12/2014 cũng từng khiến dư luận xôn xao.
Vào thời điểm đó, thông tin từ phía công an cho biết ông Dũng đã thắt cổ tự tử trong phòng tắm của phòng tạm giam.
Ông Dũng nguyên là Chánh Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Long, sau đó chuyển công tác sang Công ty Lương thực Chi nhánh Vĩnh Long.
Vào ngày 12/11/2014, ông đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Cùng bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi này còn có ông Huỳnh Văn Thức, Trưởng Phòng Kinh doanh và bà Trần Thị Diễm Thúy, Kế toán trưởng Công ty Lương thực Vĩnh Long.
Theo tài liệu điều tra, năm 2012, Công ty Lương thực Vĩnh Long đã ký 25 hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Cổ phần tập đoàn Thịnh Phát Kon Tum với nội dung: Công ty Lương thực Vĩnh Long cấp vốn cho Công ty Cổ phần tập đoàn Thịnh Phát Kon Tum để mua sắn lát xuất khẩu nhưng thực chất là cho vay vốn với lãi suất từ 6-8%/năm.
Trong quá trình làm ăn, Công ty Cổ phần tập đoàn Thịnh Phát thua lỗ, dẫn đến nợ Công ty Lương thực Vĩnh Long trên 120 tỷ đồng.
Thượng tướng Phạm Quý Ngọ qua đời giữa ồn ào vụ Dương Chí Dũng
Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an, qua đời vào tháng 2/2014 sau khi điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Ông Phạm Quý Ngọ mắc bệnh ung thư gan vào khoảng năm năm 2013 và được phẫu thuật ghép gan tại Singapore. Tuy nhiên, sau đó căn bệnh của ông lại tái phát và phải nhập viện để điều trị.
Ông Phạm Quý Ngọ sinh ngày 24/12/1954 tại xã Đông Cường, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Trong suốt quãng thời gian hoạt động chính trị của mình, ông Ngọ được nhiều người biết đến khi xử lý biến động ở Thái Bình năm 1997, giám sát vụ Tiên Lãng, Hải Phòng, Trưởng ban chuyên án điều tra các sai phạm tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - Vinalines.
Trước thông tin ông Phạm Quý Ngọ qua đời đã được dư luận đặc biệt quan tâm bởi liên quan đến lời khai của bị cáo Dương Chí Dũng (cựu Chủ tịch Vinalines, cựu Cục trưởng Cục Hàng Hải, Bộ GTVT).
Vào tháng 12/12/2013, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã đưa vụ án tham nhũng đối với bị cáo Dương Chí Dũng và 9 đồng phạm ra xét xử.
Trong vụ án này, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố các ông Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc (cựu Tổng giám đốc Vinalines), Trần Hữu Chiều (cựu Phó tổng giám đốc kiêm Trưởng ban quản lý dự án mua ụ nổi 83M), Trần Hải Sơn (cựu giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines) về 2 tội danh Tham ô tài sản và tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Sau 3 ngày xét xử, bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc bị tuyên tử hình về 2 tội danh trên; các bị cáo khác cũng phải nhận những hình phạt tương ứng với những sai phạm do mình gây ra.
Dương Chí Dũng, cựu Chủ tịch Vinalines bị tuyên án tử hình vào năm 2014. |
Phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Dương Tự Trọng và 6 đồng phạm phạm tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài vào ngày 7/1/2014. Người được đưa đi trốn là ông Dương Chí Dũng (anh trai Dương Tự Trọng).
Ông Dương Chí Dũng có mặt tại tòa với tư cách là nhân chứng, tiếp tục khai về các diễn biến liên quan đến vụ việc.
Tại tòa, ông Dương Chí Dũng đã khai chính Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ mật báo tin ông Dũng bị khởi tố và gợi ý tạm lánh đi một thời gian. Ngoài ra, bị cáo Dũng còn tố để trốn thoát vụ đại án này, bị cáo đã hối lộ ông Ngọ hơn 500 ngàn USD.
Từ những lời khai trên, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã khởi tố vụ án cố ý làm lộ bí mật nhà nước.
Trao đối với báo chí vào thời điểm trên, một luật sư có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực án hình sự cho biết: Ngay khi ông Ngọ qua đời, tất cả những gì liên quan đến tố tụng, đến thân phận pháp lí của ông đã chấm dứt.
Vì cơ quan điều tra chỉ mới khởi tố vụ án chứ chưa khởi tố bị can nên với một người đã chết thì không thể tiếp tục tiến hành điều tra, truy tố, xét xử…
Tác giả: Đức Hoàng
Nguồn tin: vietnamfinance.vn