Từ 1.1.2021, Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực. Theo đó, bên cạnh thưởng không chỉ là tiền mà có thể bằng hiện vật, bộ luật này còn quy định về uỷ quyền trả lương cho người lao động.
Cụ thể, Khoản 1 Điều 94 của Bộ luật Lao động 2019 quy định về nguyên tắc trả lương như sau: Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.
Bên cạnh đó, Khoản 2 Điều 96 cũng quy định hình thức trả lương: Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng…
Quy định liên quan đến ủy quyền nhận lương mới xuất hiện trong Bộ luật lao động 2019, Bộ luật Lao động hiện hành chưa quy định.
Như vậy, theo quy định nêu trên, kể từ ngày 1.1.2021 - vợ có thể là người được ủy quyền hợp pháp để nhận lương của chồng và tiền lương của chồng có thể được chuyển thẳng vào tài khoản vợ.
Theo quy định, để lương của chồng chuyển thẳng vào tài khoản của vợ thì phải đáp ứng các điều kiện: Chồng (người lao động) không thể nhận lương trực tiếp; Vợ là người được chồng ủy quyền hợp pháp; Chồng đăng ký số tài khoản của vợ để nhận lương.
Như vậy, muốn uỷ quyền việc lương của chồng chuyển thẳng vào tài khoản vợ phải có những điều kiện cụ thể. Việc ủy quyền này có thể phải được thông báo bằng văn bản hoặc email cho người sử dụng lao động.
Tác giả: Anh Thư
Nguồn tin: Báo Lao Động