Trong nước

Từ năm 2018, thoát án tử hình nếu nộp 3/4 tài sản tham nhũng

Theo Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ 1-1-2018, đối với người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ thì sẽ thoát án tử hình.

Trong 2 ngày 6 và 7-12, Tóa án nhân dân (TAND) Tối cao tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 cho 15.000 cán bộ, Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký trong toàn hệ thống TAND.

Ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND Tối cao, khẳng định BLHS năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017, ra đời đánh dấu một bước tiến quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm có hiệu quả; góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước và tổ chức...

Theo ông Bình, BLHS năm 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung phù hợp nhằm nội luật hóa các qui định có liên quan của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, góp phần tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình

BLHS năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) có hiệu lực từ ngày 1-1-2018 hạn chế áp dụng hình phạt tử hình. Theo đó, Điều 40 xác định rõ tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định.

BLHS năm 2015 bổ sung thêm các trường hợp không áp dụng hình phạt tử hình, không thi hành án tử hình đối với người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.

Đối với người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư (3/4) tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không bị thi hành án tử hình. Hình phạt tử hình được chuyển thành chung thân.

Theo TAND Tối cao, quy định này nhằm góp phần hạn chế việc thi hành hình phạt tử hình trên thực tế và thúc đẩy việc thu hồi tài sản bị tham nhũng trong các vụ án tham nhũng.

Bên cạnh đó, BLHS năm 2015 mở rộng nội hàm của hình phạt cải tạo không giam giữ khi trường hợp người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt này thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ.

Theo đó, thời gian lao động phục vụ cộng đồng không quá 4 giờ trong một ngày và không quá 5 ngày trong một tuần. Biện pháp này không áp dụng đối với người già yếu, phụ nữ có thai. Đối với hình phạt tù, BLHS năm 2015 khẳng định nguyên tắc không áp dụng hình phạt tù đối với người lần đầu phạm tội từ nghiêm trọng do vô ý.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình đánh giá hội nghị sẽ giúp đội ngũ cán bộ trong toàn hệ thống tòa án kịp thời cập nhật, nắm bắt các quy định mới được sửa đổi, bổ sung để triển khai, thi hành Bộ luật đạt hiệu quả, đáp ứng các yêu cầu đặt ra.

Tác giả: Minh Chiến

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP