Trong một buổi tập của ĐTQG giữa năm 2016, HLV trưởng Hữu Thắng đã phải can thiệp vào công việc chăm sóc y tế của các bác sỹ. Ông đề nghị các bác sỹ giải trình lý do cho bộ đôi Ngọc Thịnh, Văn Thắng đi tập tạ. Sau khi nghe giải thích, HLV Hữu Thắng đã gạt phắt lý do ấy và yêu cầu bộ đôi này đi tập bơi. Ông khẳng định với chấn thương hiện tại, Ngọc Thịnh và Văn Thắng chỉ cần tập bơi và tuyệt đối không được tập nặng.
Trước đó, HLV Hữu Thắng đã tuyên bố đội ngũ bác sỹ của ông, đặc biệt là bác sỹ Đồng Xuân Lâm phải chịu trách nhiệm trong việc đánh giá sai chấn thương của Ngô Hoàng Thịnh. Vì trước đó đội ngũ y tế đã không kiểm tra kỹ để đánh giá đúng tình hình chấn thương của Hoàng Thịnh.
Kết quả là Hoàng Thịnh vẫn có tên trong danh sách tập trung. Khi lên đội tuyển kiểm tra sâu hơn, các bác sỹ mới kết luận anh chấn thương nặng và không thể thi đấu. HLV Nguyễn Hữu Thắng đã nhận lỗi về mình và bộ phận y tế, đồng thời giữ Hoàng Thịnh ở lại để tiếp tục điều trị. Trước đó, trường hợp tương tự thuộc về Đình Hoàng.
Tuấn Anh vật lộn với chấn thương trước AFF Cup 2016. Ảnh: Internet |
Đầu tháng 11 khi AFF Cup 2016 đã cận kề, chấn thương đầu gối của Tuấn Anh có dấu hiệu tái phát. Tiền vệ này cho biết bác sỹ đội tuyển chẩn đoán anh bị tổn thương đầu gối, cần ít nhất 1 tuần dưỡng thương. Ngược lại, Tuấn Anh khẳng định rất khó để anh có thể ra sân chơi trận giao hữu Việt Nam vs Indonesia, thậm chí có thể sẽ nghỉ tiếp trận giao hữu tại Cần Thơ với CLB Avista Fukuoka.
Thực tế, Tuấn Anh đã chấn thương dai dẳng suốt 1 năm trước khi lên tuyển. Kể cả khi sang Nhật Bản, vết đau của anh cũng chưa được chữa khỏi triệt để do liên tục phải căng mình tập luyện, thi đấu. Được các bác sỹ đội tuyển điều trị bằng nhiều cách khác nhau chạy đua với thời gian, thế nhưng Tuấn Anh vẫn bỏ lỡ AFF Cup 2016. Tiền vệ của HAGL phải sang Hàn Quốc phẫu thuật và điều trị sau chấn thương suốt thời gian qua.
Vũ Văn Thanh là cái tên tiếp theo khiến người hâm mộ giật mình về công tác y tế thể thao. Trong ngày V.League 2018 hạ màn, hậu vệ Vũ Văn Thanh bị đứt dây chằng đầu gối và phải nghỉ thi đấu dài hạn.
Văn Thanh quá tải vì phải cày ải liên tục khi cái chân đang bị đau. Ảnh: Goal VN |
Thế nhưng theo bác sỹ của HAGL, thì chấn thương này của Văn Thanh là không nghiêm trọng, bởi “cậu ấy vẫn có thể vận động được khoảng 80%”. Thậm chí, thông tin cầu thủ người Hải Dương gặp vấn đề đầu gối đã xuất hiện cách đây cả tháng trời, nhưng lãnh đạo HAGL nói về chấn thương của Văn Thanh với một sự bình thản: “Thanh có cơ địa khỏe, vẫn tập luyện bình thường nên vẫn có tên trong danh sách thi đấu”.
Và từ một ca giãn dây chằng thông thường, chỉ cần nghỉ ngơi là bình phục, đội bóng phố Núi vẫn để Văn Thanh thi đấu, đến nỗi… đứt luôn dây chằng và phải sang Hàn Quốc phẫu thuật dài hạn.
Tiếp theo là trường hợp của Phạm Xuân Mạnh. Sau Asiad 2018, Xuân Mạnh đã gặp chấn thương ở bàn chân, nhưng các bác sỹ chẩn đoán không quá nặng và có thể thi đấu. Tuy nhiên, khi thi đấu trận bán kết Cúp QG giữa SLNA – FLC Thanh Hóa, chấn thương của Xuân Mạnh đã trở nên nặng hơn. Theo kiểm tra, Xuân Mạnh đã bị rạn xương mác, phải nghỉ thi đấu vài tuần và tiến hành tập hồi phục tại trung tâm PVF cho kịp tham dự Asian Cup 2019.
Phạm Xuân Mạnh trong quá trình tập hồi phục tại trung tâm PVF mới phát hiện chấn thương không tiến triển. Ảnh: NVCC |
Tuy nhiên, sau một thời gian, quá trình hồi phục chấn thương của hậu vệ trẻ này không nhiều tiến triển. Các chuyên gia y tế cho biết, muốn thi đấu trở lại Xuân Mạnh buộc phải phẫu thuật.
Mới đây tuyển thủ U23 Việt Nam phải gấp rút sang Singapore để khám và tiến hành phẫu thuật. Sau khi kiểm tra, các bác sỹ cho biết Xuân Mạnh bị rạn xương mác và đứt dây chằng cổ chân. Ca phẫu thuật thành công, cầu thủ SLNA phải nghỉ thi đấu ít nhất 3 tháng. May cho Xuân Mạnh là anh được phát hiện không quá muộn.
Mới đây, tiền đạo Văn Toàn gặp vấn đề về sụn chêm cũng mang đến nhiều thông tin khác nhau về mức độ và thời điểm trở lại của anh. Đã có lúc bầu Đức yêu cầu rút Văn Toàn đưa sang Hàn Quốc điều trị thì được giữ lại, điều trị cho kịp trận bán kết lượt về AFF Cup 2018.
Việc chẩn đoán sai mức độ chấn thương một phần do trình độ của đội ngũ y tế, phần nữa do thiết bị và máy móc, cơ sở vật chất tại Việt Nam. Điều này khiến kế hoạch tập trung của ĐTQG trở nên bị động và khiến các tuyển thủ phải kéo dài thời gian hồi phục chấn thương một cách không đáng có./.
Tác giả: Hoài Hoan
Nguồn tin: Báo Nghệ An