Cá tháng Tư bắt nguồn từ nước Pháp?
Có rất nhiều truyền thuyết về nguồn gốc của ngày Cá tháng Tư. Truyền thuyết phổ biến nhất là câu chuyện liên quan đến sự kiện thay đổi lịch mừng năm mới của nước Pháp.
Chuyện bắt nguồn từ năm 1564 khi nước Pháp quyết định đổi từ lịch Julius sang dùng lịch Gregory do Giáo hoàng Gregory XIII ban hành. Theo đó lịch mừng năm mới chuyển từ tuần cuối cùng của tháng 3 sang ngày mùng 1/1.
Thời bấy giờ phương tiện liên lạc chưa phát triển như bây giờ nên tin đổi lịch không đến hết được với mọi người dân. Một số người không chấp nhận việc đổi lịch vẫn tiếp tục kỷ niệm ngày bước sang năm mới vào 1/4.
Trong câu chuyện này, những người tiếp tục kỷ niệm năm mới vào ngày 1/4 bị gọi là “kẻ ngốc” và trở thành trò cười cho thiên hạ. Từ đó nhiều người gọi ngày 1/4 là ngày nói dối và cái tên “Cá tháng Tư” chính thức xuất hiện.
Điều bất cập ở truyền thuyết này là việc thay đổi lịch là cả một quá trình, diễn ra trong suốt một thế kỷ. Điều đó có nghĩa là việc nhạo báng những người tiếp tục kỷ niệm năm mới vào ngày 1/4 là gần như không thể xảy ra.
Một truyền thuyết khác thì cho rằng “chơi khăm” trong ngày Cá tháng Tư bắt nguồn từ cuốn truyện “The Canterbury Tales” (Những câu chuyện cổ tích) của nhà văn người Anh Geoffrey Chaucer từ năm 1392.
Trong câu chuyện có một tình tiết là chơi chữ khiến độc giả nhầm lẫn. Chaucer ý muốn nói 32 ngày sau tháng Ba (tức ngày 2/5) nhưng độc giả lại hiểu nhầm thành ngày 32 tháng Ba hoặc ngày 1/4.
Những cú lừa lịch sử
Lời nói dối ồn ào và gây nhiều chú ý nhất xuất hiện trong một tập phim tài liệu mang tên Panorama của đài BBC từ năm 1957.
Lúc đó, không ai ngờ rằng một chương trình như vậy lại có thể là trò đùa của nhà đài. Chương trình nói về những người nông dân Thuỵ Sỹ trồng mỳ Ý.
Lời thoại nói rằng “Tôi chắc rằng nhiều người trong số các bạn đang xem chương trình đã nhìn thấy hình ảnh cánh đồng lúa mì ở thung lũng Po” và khẳng định rằng “năm nay nông dân Thuỵ Sỹ đã có một mùa thu hoạch mì Ý bội thu”.
Thực tế chương trình chỉ là một trò đùa bởi thung lũng Po là ở Italia chứ không phải ở Thuỵ Sỹ. Trong đoạn phim cũng có hình ảnh buồn cười là người nông dân kéo sợi mì Ý từ trên cành cây xuống.
Trước khi kết thúc chương trình, nhà đài cũng cho đăng dòng thông báo rằng chương trình này chỉ là một trò đùa ngày Cá tháng Tư mà thôi.
Một trò đùa “hiểm” khác là của hãng thức ăn nhanh Burger King vào năm 1998. Nhãn hàng đăng tải một quảng cáo cho biết họ sẽ cho ra mắt loại bánh chuyên phục vụ cho người thuận tay trái.
Loại bánh mới này về cơ bản vẫn giống với các loại bánh truyền thống của Burger King nhưng đồ kẹp giữa bánh sẽ được đảo ngược 180 độ để phù hợp với người thuận tay trái.
Sau quảng cáo trong ngày Cá tháng Tư này của Burger King, rất nhiều khách hàng đến ăn yêu cầu được thử loại bánh mới này, nhiều người còn đề nghị làm thêm loại bánh đặc biệt cho người thuận tay phải.
Sau đó Burger King đưa ra thông báo đây chỉ là một trò đùa trong ngày Cá tháng Tư khiến nhiều khách hàng hụt hẫng.
Các trò đùa “dị” nhất gần đây thuộc về ông vua công nghệ Google. Năm 2014, Google “chơi khăm” người dùng bằng việc đảo ngược tên miền. Trên trang web có tên miền com.google, mọi thứ đều bị đảo ngược. Điều này đồng nghĩa với việc mọi thao tác tìm kiếm sẽ không theo trình tự thông thường và rất có thể khiến người dùng... phát cáu.
Năm ngoái, Google cũng chơi “chiêu dị” khi đưa ứng dụng Mic Drop vào Gmail trong ngày Cá tháng Tư. Theo đó, trong Gmail, cạnh nút “Reply” (Trả lời) có một nút ứng dụng mới tên “Mic Drop” thay thế cho nút “Send and Archive”.
Mic Drop cũng có nghĩa là để trả lời email nhưng kèm theo một hình động là chú Minion đánh rơi mic. Hình ảnh này mang ý nghĩa như một lời từ chối, không đồng thuận.
Với những email quan trọng như trả lời nhà tuyển dụng thì ấn nhầm Mic Drop quả là một thảm hoạ.
Tác giả bài viết: Kim Minh
Nguồn tin: