Trong nước

Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh: Công an chính quy về xã là tất yếu

Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh khẳng định, đây là việc làm tất yếu, phù hợp với chủ trương lớn của Đảng, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Việc đưa công an chính quy về đảm nhiệm các chức danh công an xã là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước được ghi nhận trong Nghị quyết số 22 ngày 15/3/2018 về tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy của Bộ Công an, tinh gọn hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Theo Trung tướng, GS- TS Nguyễn Ngọc Anh – Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp- Bộ Công an thì, để làm được việc này cần có lộ trình bước đi thích hợp.

Trung tướng, GS- TS Nguyễn Ngọc Anh. (Ảnh: CAND Online)

Khoảng 30.000 công an chính quy về làm công an xã

Trong phạm vi toàn quốc, hiện nay, có trên 11.000 xã, phường, thị trấn, trong đó, trên 1500 phường, 370 thị trấn và trên 800 xã được bố trí công an chính quy. Theo Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, việc đưa công an chính quy về đảm nhiệm các chức danh công an xã được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành. Tiến tới, ngành Công an sẽ bố trí công an chính quy về làm công an xã trên quy mô toàn quốc.

Tuy nhiên, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh cho hay, Dự thảo Luật Công an nhân dân đã trình ra Quốc hội và dự kiến thông qua vào kỳ họp thứ 6 tới đây, quy định, công an xã là một cấp công an. Tức là trong lực lượng công an nhân dân có 4 cấp, cấp Bộ, cấp tỉnh, huyện và cấp xã đều là chính quy.

“Bộ Chính trị đã chỉ đạo trong Nghị quyết 22 xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy. Trước mắt bố trí công an chính quy ở các địa bàn xã phức tạp, trọng điểm về an ninh trật tự và tiến tới sẽ bố trí công an chính quy trên quy mô toàn quốc ở cấp xã khi mà cơ sở pháp lý đã hoàn thiện”- Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh nói.

Liên quan đến quy định năm 2021 sẽ bố trí công an chính quy về làm công an xã trên quy mô toàn quốc, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh khẳng định, đây là việc làm tất yếu, phù hợp với chủ trương lớn của Đảng, phù hợp với tình hình thực tiễn về an ninh trật tự ở địa bàn cơ sở hiện nay. Việc bố trí này thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về đảm bảo an ninh trật tự ở địa bàn cơ sở. Tuy nhiên, cũng phải thấy là đây là một chủ trương lớn, việc thực hiện cần phải tính toán hết sức kỹ lưỡng.

Dự kiến còn hơn 8000 xã cần phải bố trí công an chính quy, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh cho biết, nếu mỗi xã đưa 3 hoặc 5 công an chính quy về làm công an xã, thì cần 25.000 đến 30.000 cán bộ, chiến sỹ nhưng không tăng một biên chế nào, đó là vấn đề quan trọng. Cùng với đó, khi đưa công an chính quy về làm công an xã, cần sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Bởi, trưởng công an các xã hiện nay là công chức cấp xã. Vì thế, phải sửa đổi Luật công chức, Luật tổ chức chính quyền địa phương, các luật khác có liên quan để đảm bảo chức danh trưởng công an xã là công an chính quy.

Liên quan đến việc giải quyết chế độ chính sách với lực lượng công an xã hiện nay, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh cho rằng, đây là vấn đề khó. Bởi hiện nay, có hơn 130.000 công an xã.

“Đã gọi là công an thì phải là công an chính quy. Các lực lượng khác có thể gọi bằng tên gọi khác phù hợp. Ví dụ, bảo vệ viên, trật tự viên. Bộ Công an đã tính toán, nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền xây dựng Nghị định của Chính phủ và tiến tới xây dựng Luật về xây dựng trị an của cơ sở. Qua đó, điều chỉnh các hoạt động của toàn bộ lực lượng bảo vệ trị an ở cơ sở”- Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh cho biết.

"Về xã để gần dân hơn"

Trả lời câu hỏi tại sao phải đưa công an chính quy về làm công an xã, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh cho rằng, đó là điều phù hợp và thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước. Thứ hai, tình hình an ninh trật tự ở địa bàn cơ sở cũng có những vấn đề cần có lực lượng công an chính quy.

Công an xã phối hợp với Công an viên ở các thôn tuyên truyền phổ biến pháp luật. (Ảnh: Công an nhân dân)

“Hoạt động của công an xã, chức năng nhiệm vụ của công an xã liên quan trực tiếp đến quyền con người và theo quy định của Hiến pháp và hệ thống pháp luật của chúng ta khi liên quan đến quyền con người thì phải điều chỉnh bằng luật. Từ trước đến nay, lực lượng công an xã mới được điều chỉnh bằng Pháp lệnh năm 2008. Cùng với đó, thực chất công an chính quy khi đảm nhận bảo đảm an ninh trật tự địa bàn cấp xã thì có nhiều thuận lợi hơn công an cấp xã”- Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh nói.

Tuy nhiên, theo Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, việc đưa công an chính quy về công an xã phải giải quyết được mối quan hệ giữa công an chính quy với công an viên hiện nay.

Đối với những xã chưa triển khai đưa công an chính quy về vẫn tiếp tục thực hiện pháp lệnh Công an xã và các văn bản hướng dẫn thi hành. Lộ trình này đòi hỏi rất khẩn trương, tích cực và hiện nay Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo để các cơ quan chức năng của Bộ Công an phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu đề xuất hướng thực hiện trong thời gian tới. Trước mắt sẽ làm thí điểm ở một số địa phương, có thể như làm ở một tỉnh.

“Chúng ta có bước đi, lộ trình hết sức chắc chắn để đảm bảo rằng, việc đưa công an chính quy về để thực hiện chủ trương, đường lối chính sách của Đảng để đảm bảo bảo tốt hơn anh ninh chính trị, trật tự an toàn ở cơ sở để phục vụ nhân dân tốt hơn.”- Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh nhấn mạnh.

Xét về mặt chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, vị đại diện Bộ Công an cho rằng, đưa công an chính quy, về làm công an xã có điều kiện công an gần dân hơn, được nhân dân đùm bọc, thương yêu, quý trọng và để nhân dân giúp đỡ công an nhiều hơn. Đến lượt mình, công an phải thấy được trách nhiệm của mình rất lớn lao, đảm bảo anh ninh trật tự địa bàn cơ sở, đảm bảo cuộc sống bình yên của nhân dân./.

Tác giả: Nguyễn Hiền

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP