Kinh tế

Trồng cây thuốc lào: Giỏi chịu hạn, lại cho thu nhập cao

Trong điều kiện nguồn nước tưới khó khăn thì cây thuốc lào ở xã Nghi Thuận (huyện Nghi Lộc) vẫn đứng vững và phát huy hiệu quả. Với diện tích ổn định 10 ha, trồng trong 3 tháng, cây trồng này đã đem về cho nông dân địa phương một khoản tiền xấp xỉ 1,6 tỷ đồng.

Những ngày vào hè, khi trời nắng chói chang là dịp bà con các giáo xứ Nhân Hòa, Bình Thuận xã Nghi Thuận vào mùa thu hoạch thuốc lào. Anh Nguyễn Văn Lĩnh nhà ở xóm 2 trồng 2 sào thuốc lào, đến nay, thu hoạch đã gần một nửa.

Anh Lĩnh cho hay, năm nay giá thuốc tuy có thấp hơn mọi năm một ít, song nhờ thuốc được mùa, sản lượng tăng nên thu nhập từ cây trồng này của gia đình vẫn đạt khá. Với 2 sào thuốc, sau khi trừ chi phí, vụ này gia đình anh thu về 16 triệu đồng.

Thuốc lào là cây trồng chịu hạn. Mỗi năm xã Nghi Thuận sản xuất 10 ha cây trồng này.

Hiện ở Nghi Thuận có trên 150 hộ dân trồng cây thuốc lào. Nhà trồng nhiều có tới 4 sào, ít cũng 1 sào. Tổng diện tích toàn xã tới 10ha. Qua bao đời sản xuất, bà con nông dân nơi đây đã đúc kết kinh nghiệm để trồng cây này có hiệu quả.

Theo bà con, để lá thuốc lào to, dày, đạt chuẩn thì mỗi cây chỉ nên để 10 đến 12 lá. Khi trồng, nông dân phải bón phân cân đối. Quá trình chăm sóc phải đề phòng sâu bệnh, nhất là bệnh nấm. Sau ba tháng trồng, khi lá cây thuốc lào rủ cong xuống và ngả màu vàng là đến lúc thuốc chín.

Thuốc lào được cắt bằng máy vừa nhanh, sợi thuốc lại đều và đẹp

Thông thường, bà con ra đồng hái thuốc vào buổi chiều. Sáng hôm sau, thuốc được thái thành sợi nhỏ và đem phơi khô. Trước khi thái, lá thuốc được bà con cuộn lại thành cây, ủ 3 đến 4 ngày cho lá thuốc “chín” để sau khi cắt phơi, thuốc có màu vàng tươi và thơm. Trước đây, bà con cắt thuốc bằng thủ công. Nay cắt bằng máy, nhanh gấp tới 40 lần.

Hơn thế, cắt bằng máy, sợi thuốc vừa đều lại vừa đẹp. Toàn xã có 15 máy cắt. Như gia đình ông Nguyễn Hồng Minh ở xóm 3 sắm máy cắt thuốc từ dăm năm nay. Đến mùa, ngoài cắt thuốc cho gia đình, ông còn kéo máy đi khắp làng phục vụ bà con, cho thêm nguồn thu nhập. Ông Minh cho biết: "Ngày nào tôi cũng dậy đi cắt từ lúc 4 giờ sáng. Mỗi buổi cắt được 40 cuộn, thu về 800 ngàn đồng. Tính ra một mùa thuốc lào tôi thu về 14 triệu đồng cắt thuốc".

Thời điểm cắt thuốc lào phải chọn những ngày trời nắng. Trời càng nắng to, thuốc càng đẹp và thơm. Thuốc vừa cắt xong được bà con đem trải đều trên những tấm liếp bằng tre hình chữ nhật mà người địa phương gọi là trành. Mỗi trành như thế phải phơi năm đến sáu nắng thì thuốc mới khô đạt yêu cầu.

Đến công đoạn cuối, mỗi trành thuốc được người dân phun vào một lớp nước cháo nếp trộn với mật mía, rồi phơi tiếp một nắng cho đến khô. Nhờ đó, các sợi thuốc kết dính với nhau và có hương thơm đặc biệt. Thuốc lào thành phẩm được cắt thành bánh, đóng gói trong bao kín.

Thuốc lào cắt xong phải được phơi 6 đến 7 nắng mới đạt yêu cầu

Hàng được nhập cho lái buôn tại nhà. Mỗi bánh thuốc lào năm nay có giá 4.000 đồng. Tính ra, mỗi sào trồng cây thuốc lào cho thu nhập 8 triệu đồng/vụ, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.

Một số hộ như ông Hoà, ông Hường xóm 2, ông Hoàn, ông Liên xóm 3 trồng 3 đến 4 sào thuốc lào, mỗi vụ thu về vài ba chục triệu đồng. Nếu tính hiệu quả trồng xen canh gối vụ theo công thức: rau cải, hành tăm, thuốc lào thì trong một năm, 1 sào cho thu nhập 25 triệu đồng, tức 500 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Đình Phương - cán bộ khuyến nông xã Nghi Thuận cho biết: thuốc lào là một trong số các loại cây chịu hạn được trồng và có hiệu quả trên đất Nghi Thuận.

Với 10 ha cây trồng này, mỗi năm Nghi Thuận thu về xấp xỉ 1,6 tỷ đồng. Nhờ thu nhập từ cây thuốc lào mà cuộc sống của bà con giáo dân nơi đây được cải thiện. Tuy nhiên, sản phẩm thuốc lào đang tiêu thụ nhỏ lẻ nên để giữ giá ổn định, địa phương đang sản xuất cây trồng này với số diện tích hiện có.

Anh Nguyễn Văn Lĩnh - xóm 2 Nghi Thuận sau khi trừ chi phí, vụ này thu về 16 triệu đồng từ 2 sào cây thuốc lào

Tuy nhiên, địa phương không khuyến khích mở rộng cây thuốc lào mà chỉ tập trung ở những xóm có truyền thống từ lâu như 2, 3, 4, 7, 8, 9, 10 đã có thương hiệu. Trên diện tích thuốc lào khuyến khích nông dân tập trung thâm canh đem thu nhập cao 8 triệu đồng/sào vì hiện không có cây trồng nào có thể thu nhập cao trong 3 tháng hơn cây thuốc lào.

Như vậy, với quy mô sản xuất vừa phải, sản phẩm lại dễ cất giữ, cây thuốc lào ở Nghi Thuận đang tạo góp phần đa dạng hóa cây trồng, khẳng định giá trị kinh tế, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Tác giả bài viết: Nhật Tuấn

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP