|
Tôi lớn lên khi làng quê vẫn còn Tre. Cái mảng xanh ngăn ngắt uốn lượn theo từng con đường đất nối dài từ làng này đến làng khác đã thành vô tận trong cái quá khứ ấy, như thể đi hoài không hết. Những bụi, những khóm, những dãy thành cái ô khổng lồ che mát tuổi thơ tôi dưới cái nắng hè miền Trung như đổ lửa. Tre, nơi ấy là bảo chứng của tuổi thơ mà nếu xin một vé về quá khứ, tôi xin lại được trở về với làng quê ấy, hồi còn có Tre.
Tôi được sinh ra trên cái chõng tre và lớn lên cùng Tre. Hồi ấy, đất nước mới qua chiến tranh, các làng quê còn hoang nát vì bom đạn. Tre cũng chịu thương tật, nhưng với sức sống bền bỉ, Tre lại mọc, lại lên, lại xanh. Xanh như thể việc xanh là phải thế.
Cái nghèo, cái khổ, ai từng qua cuộc sống nông thôn mà chẳng nếm. Có ai trong ký ức xa xưa không trải qua cảnh thiếu ăn thiếu mặc, nhưng được cái lúc nào cũng hồn nhiên như cây như cỏ, như Tre trong nắng trong gió. Tôi chẳng bao giờ thấy mình buồn vì mình nghèo, trong cái ký ức ấy. Cũng chẳng bao giờ thấy mình khổ vì mình thiếu thốn, trong suốt con đường tuổi thơ ấy. Nhưng lại thấy mình phải vươn lên vì phía trước còn nhiều điều đẹp đẽ, như Tre vươn lên nền trời xanh thẳm và đối đầu với giông bão đi qua đời Tre vậy.
|
Tôi đi khỏi làng quê sớm lắm, 10 tuổi đầu. Với cậu bé ngày ấy thì chiều chiều nhìn từ cánh đồng nơi chốn trọ sang cái làng phía sau những cánh đồng ấy, mà cứ ngỡ đó là làng mình. Bởi vì ở đó cũng um tùm khuất sau Tre, cũng liêu xiêu những đống rơm, cũng đìu hiu những khói chiều nghiêng ngả. Đã đánh liều một bận cuối tuần băng qua những dằng dặc đường làng với những bất tận tre, đứa trẻ ấy nhận ra, qua 20 cây số đi bộ, nó cũng tìm thấy được rặng tre làng mình để rồi ngay trong tối hôm đó, bố nó phải lấy xe chở ra trường gấp vì sợ thầy cô hốt hoảng đi tìm.
Tre đi vào trang văn, gợi bao điều liên tưởng. Biểu tượng của sự ngay thẳng, của sự bất khuất; đại diện của hồn Việt. Tre dịu dàng như những người phụ nữ Việt nhưng cũng gai góc khi cần. Tre hiên ngang bất khuất như những người đàn ông chốn này suốt bao đời đã đi qua. Tre chịu khó chịu khổ cho mưa bão quăng quật, dập vùi nhưng không bao giờ có ý định ngã xuống.
18 tuổi xa xứ. Thương lắm những chiều đi trên bờ đê sông Đuống nhìn xuống những mái ngói nâu của làng quê Bắc Bộ ẩn khuất sau Tre, lại nhớ về làng mình như cậu bé 10 tuổi từng ngỡ ngàng nhớ làng sau đám khói của năm nào.
Nhưng buồn.
|
Hồi đó các làng quê Trung bộ bắt đầu bê tông hoá. Tre bị đào, bị bới, bị chặt, bị bỏ. Thay vào đó là những con đường bê tông, những bờ tường xi măng. Những mảng xanh ngăn ngắt ký ức giờ lởm chởm xám trắng. Khi người ta phá nhanh thay nhanh theo đám đông thì đâu ai nghĩ Tre đại diện cho điều gì mà giữ. Nếu người ta nghĩ sâu thì Tre đã ở lại, vẫn xanh bên sự phát triển của những ngôi nhà lớn hơn theo chiều phát triển, chứ không xám xịt hỗn tạp như sự hiện hữu bây giờ.
Không có Tre, dĩ nhiên là rất nóng nực. Không có Tre, cũng thiếu đi một thứ quan trọng để dạy người biết sống, biết đương đầu, biết ngẩng cao đầu. Không có Tre, không có nhiều ký ức cho những đứa trẻ; không có nhiều ý thức cho những người trưởng thành. Ôi chao, vài ba cái "không" ấy thôi, mà mất mát cũng đã đến mức trống rỗng mất rồi!
|
Những gì chúng ta kiến tạo quanh cuộc sống của chúng ta, nó là những bảo chứng của tư tưởng sống của chúng ta. Nhưng thương tre lắm, thương cái ngay thẳng, bất khuất đã bị chặt đốn. Thương cái hồn Việt đã bị phai phôi để rồi giờ đây, thay thế bằng cái mớ gì đang hiện hữu, không rõ nữa.
Sông vẫn chảy, đời vẫn trôi, kiếp người thì hữu hạn. Giữ lại cái gì là mình giữa muôn vàn nhiễu nhương, biết là không dễ nhưng cũng chẳng phải là khó. Vì cái của mình mà mình khó khăn để giữ thì hỏi mình còn giữa được cái gì ở giữa dòng đời đầy biến động này, phải không Tre?
Đôi khi, chỉ muốn khóc khi nhìn về cái con đường vô tận trong ký ức của đứa trẻ ngày ấy, cái ký ức xanh ngắt bởi Tre, tươi mát bởi Tre rồi lớn lên cùng Tre.
Nhưng rồi tin đi, Tre của dân tộc này, và Tre trong cốt cách của từng người sống đời như Tre, vẫn luôn tồn tại!
Tác giả: Hoàng Nguyên Vũ
Nguồn tin: thoidai.com.vn