Xã hội

Tránh tai nạn thảm khốc do tài xế lái quá giờ chỉ dựa vào lương tâm?

Luật quy định cụ thể, tuy nhiên việc phát hiện vi phạm hiện nay rất khó khăn, ngăn chặn hành vi vi phạm cũng chỉ có thể dựa vào lương tâm của tài xế.

Điều 65 của Luật Giao thông Đường bộ năm 2008 quy định về thời gian làm việc của người lái xe ô tô. Theo đó, tài xế đường dài không được lái quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ.

Luật quy định là vậy, tuy nhiên thực tế cho thấy, nhiều tài xế xe khách, xe đường dài làm việc xuyên đêm, bất chấp tình trạng mệt mỏi. Chính điều này không chỉ làm hại tài xế mà còn gây nguy hiểm cho hành khách. Đã có không ít vụ tai nạn thương tâm xảy ra do tài xế chạy quá thời gian quy định. Hậu quả của những vụ tai nạn này hết sức nặng nề.

Điển hình vụ tai nạn thương tâm xe rước dâu ở Quảng Nam khiến 13 người tử vong, theo nhận định ban đầu có thể do tài xế ngủ gật vì đã chạy xe liên tục nhiều giờ, nhiều ngày không được nghỉ ngơi.

Vụ tai nạn thảm khốc xe rước dâu ở Quảng Nam được xác định nguyên nhân ban đầu có thể do tài xế lái xe quá thời gian quy định

Việc tài xế lái xe quá thời gian quy định mà gây tai nạn thảm khốc bị xử lý theo luật hình sự. Còn không gây ra tai nạn thì xử lý theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Theo đó, quy với định này, người lái ô tô chở khách điều khiển phương tiện quá 10 giờ trong một ngày và lái xe liên tục quá 4 giờ thì bị xử phạt ở mức thì bị xử phạt từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.

Quy định pháp luật rất chặt chẽ, tuy nhiên để phát hiện vi phạm (nếu không xảy ra tai nạn) không phải dễ dàng. Thực tế có nhiều nhà xe để tiết kiệm kinh phí nên chỉ thuê một lái xe. Ngoài ra, do sức ép cạnh tranh, thiếu lái xe, nhiều chủ xe chỉ có một lái xe chính, còn lại chủ xe và lái phụ. Hai đối tượng này lại không có bằng lái phù hợp và khi tài xế chính nghỉ ngơi, phụ lái hay chủ xe cầm càng gây thêm mối nguy hiểm.

Đại tá Nguyễn Sơn – cựu Phó phòng hướng dẫn luật, điều tra, xử lý tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát Giao thông – C67- Bộ Công an) cho biết, việc phát hiện ra những trường hợp vi phạm này khó khăn. “Nhiều vụ sau khi tai nạn giao thông xảy ra thì mới phát hiện được”, ông Nguyễn Sơn cho hay.

Việc tài xế chạy quá thời gian quy định cũng có thể phát hiện được dựa vào thiết bị giám sát hành trình của xe nhưng do không được kiểm tra, theo dõi thường xuyên nên khó xử lý, phát hiện.

Chế tài xử lý, quy định rõ ràng trong luật, nhưng việc tuân thủ theo quy định cũng chỉ có thể dựa vào lương tâm.

“Chính bản thân người lái xe, hành khách khi phát hiện ra hiện tượng này thì cần phải lên tiếng. Đối với lái xe nếu thấy buồn ngủ, mệt mỏi thì phải dừng nghỉ để đảm bảo hành trình”, ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, điều quan trọng là lái xe họ tự nhận thức, vì tai nạn xảy ra hậu quả đầu tiên tài xế, gia đình là người gánh chịu. Chủ xe vì hiệu quả kinh doanh cũng không nên tiếc tiền thuê ít nhất 2 lái xe có bằng lái hợp lệ để đảm bảo sức khỏe tài xế, vừa đảm bảo an toàn cho tài sản của mình….

Việc một quy định về vận tải được nêu rõ trong luật và nghị định của Chính phủ, nhưng để phát hiện, xử lý thì đa số khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Cho nên để ngăn chặn, cần phải “siết”.

“Việc này hoàn toàn kiểm soát được đặc biệt với xe đường dài. Theo đó, thanh tra giao thông kiểm tra ngay tại bến xuất phát, khi xe khách đảm bảo có hai tài xế, với bằng lái hợp lệ thì mới cho xuất bến. Lực lượng cảnh sát giao thông trên các tuyến đường cũng vậy, có thể kiểm tra hành vi này vì đây là quy định của pháp luật. Và nếu kiểm tra, người lái phụ không có bằng lái hoặc bằng lái không đủ tiêu chuẩn thì phải quyết định không cho chạy”, ông Sơn nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, chúng ta cần tăng cường kiểm tra thiết bị giám sát hành trình và xem đó là biện pháp cần thiết để ngăn chặn những vụ tai nạn thảm khốc do tài xế lái quá thời gian quy định gây ra.

Tác giả: Việt Đức

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP