'Ảo thuật' bù đắp kho quỹ
Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DAB), trong vòng 26 năm nay (tính từ năm 1992 thành lập đến nay) đã 39 lần thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Hiện DAB có vốn điều lệ 5.000 tỉ đồng, 100% cổ đông trong nước, cổ đông sáng lập chiếm 13,21% và cổ đông thường chiếm 86,79%. Trong số đó nhóm gia đình ông Trần Phương Bình chiếm 10,24%; nhóm Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) chiếm 7,7%; nhóm Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79 chiếm 12,73 %; Văn phòng Thành ủy TP.HCM chiếm 12,79%.
Tuy nhiên, từ khi lên nắm chức Tổng giám đốc DAB, Trần Phương Bình liên tục để ngân hàng này rơi vào tình trạng bết bát do những khoản nợ khó thu hồi. Để có tiền xử lý khó khăn, đồng thời nâng cao thương hiệu, vị thế của DAB, Trần Phương Bình chủ trương tăng vốn điều lệ ngân hàng này từ 5.000 tỉ đồng lên 6.000 tỉ đồng. Mục đích nhằm thu hút doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính cũng như quan hệ chấp nhận đầu tư vào DAB
Phan Văn Anh Vũ và Trần Phương Bình |
Liên tục tạo điều kiện cho Vũ 'nhôm'
Do quen biết với Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") từ trước, ông Bình bàn với y mua 60 ngàn cổ phần với giá 600 tỉ khi DAB tăng vốn điều lệ. Như vậy, Vũ thành cổ đông lớn, có quyền chi phối tại DAB.
Sau khi thống nhất, Vũ thế chấp 220 lô đất tại Khu phức hợp Đô thị, thương mại, dịch vụ cao tầng ở TP. Đà Nẵng cho DAB để vay 600 tỉ đồng.
Tuy nhiên, Bình chỉ chấp nhận cho Vũ vay tối đa 400 tỉ đồng. So ra còn thiếu 200 tỉ đồng, Vũ nhờ Bình giúp.
Sau đó, Bình đã chỉ đạo Nguyễn Đức Vinh (nguyên Trưởng phòng ngân quỹ Hội sở DAB) xuất quỹ chi 200 tỉ đồng của DAB chuyển vào tài khoản của Công ty Bắc Nam 79 để công ty này nộp tiền đăng ký mua cổ phần DAB. Tiếp đó, Bình chỉ đạo thuộc cấp lập chứng từ thu khống 200 tỉ đồng của Vũ.
Tuy nhiên, sau đó thương vụ tăng vốn điều lệ của DAB lên 600 tỉ đồng không thành công, ngân hàng này buộc phải chuyển trả tiền lại cho các tổ chức, cá nhân đã đăng ký mua. Cụ thể, DAB chuyển trả cho Công ty Bắc Nam 79 số tiền 600 tỉ đồng và tiền lãi hơn 9 tỉ 500 triệu đồng. Sau đó, Bình và Vũ thống nhất, Bình bán 50 ngàn cổ phần DAB của 4 cổ đông hiện hữu cho Công ty Bắc Nam 79 với giá 500 tỉ đồng.
Sau khi bán cổ phần, Bình yêu cầu Vũ trả lại 200 tỉ đồng mà DAB đã chuyển cho Công ty Bắc Nam 79 để mua cổ phần trước đó. Lúc này, Vũ hứa sẽ bán đất để trả, thế nhưng đó chỉ là lời hứa suông. Trong quá trình điều tra, Phan Văn Anh Vũ đề nghị gia đình để trao đổi, thống nhất nộp khắc phục hậu quả 203 tỉ đồng liên quan đến việc mua cổ phần DAB. Tuy nhiên, đến nay anh trai Vũ là ông Phan Văn Anh Tuấn chỉ mới nộp 13 tỉ đồng vào tài khoản tạm giữ của Bộ Công an để khắc phục hậu quả cho Vũ.
Dù Vũ vẫn thiếu nợ 200 tỉ đồng nhưng đến tháng 8/2015 khi nắm được tin DAB sẽ bị kiểm soát đặc biệt và hơn 13 triệu 600 cổ phần DAB đứng tên Công ty vốn An Bình (là công ty sân sau của Trần Phương Bình) sẽ bị cấm chuyển nhượng nên Bình đã nhanh chóng nhượng lại số cổ phần này cho Vũ với giá hơn 136 tỉ đồng với thỏa thuận khi nào Vũ có thì trả.
Sau khi vụ việc bị phanh phui, tính đến ngày 22/8/2015, DAB đã kiểm tra kho quỹ trên toàn bộ hệ thống. Kết quả cho thấy kho quỹ Hội sở DAB thiếu hụt hơn 2.000 tỉ đồng và hơn 62 ngàn lượng vàng; kho quỹ DAB Sở giao dịch thiếu hụt 416,7 tỉ đồng.
Tác giả: Đoàn Nga
Nguồn tin: Báo VietNamNet