Đến trưa ngày 14-11, sau khi kết phúc phần xét hỏi HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa, trả hồ sơ cho VKS để điều tra bổ sung.
“HĐXX xét thấy cần làm rõ những tình tiết cần thiết nhưng không thể bổ sung ngay tại phiên tòa. Vì vậy HĐXX quyết định trả hồ sơ vụ án hình sự cho VKSND TP Biên Hòa điều tra bổ sung thiệt hại tài sản, làm rõ tư cách tố tụng của phía bị hại, làm rõ các mối quan hệ yêu cầu thiệt hại cũng như quan hệ hợp đồng giữa chủ xà lan và người lái...”, chủ tọa phiên tòa nêu lý do trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Sáng cùng ngày, TAND TP Biên Hòa mở xét xử sơ thẩm 2 bị cáo Phan Thế Thượng (63 tuổi, ngụ Đồng Nai) và Trần Văn Giang (36 tuổi, ngụ Sóc Trăng) trong vụ xà lan đâm sập cầu Ghềnh.
Hai bị cáo Thượng và Giang tại tòa. Ảnh: Vũ Hội. |
Theo cáo trạng, vợ chồng ông Thượng đứng tên chủ sở tàu kéo và xà lan trọng tải 980 tấn. Ông Thượng biết Giang không có bằng thuyền trưởng và Nguyễn Văn Lẹ không có chứng chỉ thủy thủ nhưng vẫn thuê Gang và Lẹ làm việc...
Ngày 19-3-2016, Thượng giao cho Giang điều khiển xà lan đi đến tỉnh Đồng Nai khiến xà lan va và làm sập cầu Ghềnh...
Luật sư bảo vệ cho bị cáo Thượng hỏi về trụ chống va cho cầu Ghềnh đối với đại diện Tổng công ty đường Sắt Việt Nam. Ảnh: Vũ Hội. |
Cơ quan tố tụng truy tố Giang tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy”; truy tố Thượng 2 tội: “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn” và “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thủy”.
Tại phiên tòa xét xử, luật sư bảo vệ cho bị cáo Thượng hỏi phía bị hại là đại dện Tổng Công ty đường Sắt Việt Nam: “Tại sao cầu lớn như cầu Ghềnh lại không có trụ chống va, còn cầu nhỏ lại ở gần đó lại có và nếu có trụ chống va bảo vệ trụ cầu thì có thể tai nạn này không?.
Đại diện phía ngành đường Sắt cho biết: “Ngành đường sắt tiếp quản cầu Ghềnh này nguyên trạng từ thời Pháp đến bây giờ và chưa thay đổi kết cấu. Nếu các anh chấp hành phương tện giao thông thì đã không xảy ra tai nạn. Còn hỏi tại sao không có trụ chống va thì tôi không trả lời”...
Về số tiền bồi thường, đại diện phía Tổng công ty đường Sắt cho biết chỉ yêu cầu chủ phương tiện bồi thường và phía Bảo hiểm (nếu có), không yêu cầu bị cáo Giang bồi thường. Còn vợ ông Thường cho rằng số tiền mà phía đường sắt đưa ra là quá lớn, gia đình không có khả năng bồi thường.
Tác giả: VŨ HỘI
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM