Trong tỉnh

Tín hiệu lạc quan cho thị trường bất động sản Nghệ An năm 2023

Các chuyên gia nhận định, những chính sách cởi mở trong thu hút đầu tư sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản Nghệ An vượt qua thời kỳ khó khăn và dần ổn định vào cuối năm 2023.

Nguồn vốn nhỏ giọt, thị trường “đóng băng”

Giai đoạn từ năm 2020 đến đầu năm 2022, thị trường bất động sản tại trên địa bàn tỉnh Nghệ An được đánh giá là “sốt” nhất từ trước tới nay. Nhiều nhà đầu tư thắng lợi khi gom được số lượng lớn diện tích đất ở, khu chung cư, biệt thự… bán ra thị trường; giá cả ở tất cả các phân khúc tăng vọt lên gấp hai, gấp ba lần so với các năm trước đây.

Tuy nhiên, đến quý II/2022, thị trường bất động sản khu vực Nghệ An bắt đầu lắng xuống và gần như “đóng băng”. Số lượng giao dịch bất động sản rất ít và chủ yếu là khách có nhu cầu thực hoặc sản phẩm bán “cắt lỗ” quá sâu mới có thể hấp dẫn các nhà đầu tư. Hầu hết các doanh nghiệp bất động sản và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản phải thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh, cắt giảm bộ máy nhân sự.

Tỉnh Nghệ An đang là điểm đến lý tưởng của các “ông lớn” trong lĩnh vực bất động sản. (Ảnh: Hồng Quang)

Thời điểm đó, Nghệ An đánh dấu việc hàng loạt dự án bất động sản phải tạm dừng hoạt động, chây ì, không triển khai thực hiện. Thay vào đó là việc xuất hiện nhiều hơn các hiện tượng chào mời, chuyển nhượng dự án chưa đủ pháp lý hoặc các dự án chưa được phép mở bán, huy động vốn trên địa bàn. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của các nhà đầu tư, gây dư luận xấu và hệ lụy xã hội.

Trao đổi với phóng viên Reatimes, ông Trần Ngọc Ba, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản tỉnh Nghệ An cho biết: “Thị trường bất động sản “đóng băng” thời gian qua không chỉ xảy ra tại Nghệ An mà các địa phương khác trong cả nước cũng rơi vào tình trạng trên. Nhìn chung, thời gian qua thị trường bất động sản liên tiếp đón nhận nhiều yếu tố tiêu cực, trong đó có có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan như tình hình thế giới biến động phức tạp, lạm phát toàn cầu gia tăng, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề…

Trong khi đó, ở trong nước nhiều ngân hàng siết chặt room tín dụng, lãi suất tăng cao, dẫn đến nguồn vốn bất động sản gặp khó khăn, giá bán liên tục giảm, thanh khoản cũng vì đó mà “lao dốc không phanh”. Chính sách tiền tệ không được kiểm soát tốt, phát hành trái phiếu của doanh nghiệp kém hiệu quả cũng là một nguyên nhân khiến cho thị trường bất động sản gặp khó khăn trong năm vừa qua. Điều này làm cho việc tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp bị hạn chế, doanh thu bán hàng bất động sản giảm mạnh. Mặt khác, dòng tiền của người dân đổ vào trái phiếu nhiều, cũng khiến cho nhu cầu đầu tư trên lĩnh vực bất động sản bị ảnh hưởng”.

Nhiều tín hiệu lạc quan cho thị trường bất động sản Nghệ An

Mặc dù bức tranh thị trường bất động sản ở Nghệ An có phần ảm đạm trong năm 2022, tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia nhận định, năm 2023, thị trường bất động sản Nghệ An sẽ có nhiều tín hiệu lạc quan và dần lấy lại sự ổn định.

Nhiều dự án bất động sản đang gấp rút thi công, thị trường bất động sản Nghệ An được kỳ vọng sẽ phục hồi vào cuối năm 2023. (Ảnh: Hồng Quang)

Nguyên nhân được các chuyên gia đánh giá bởi thời gian vừa qua tỉnh Nghệ An đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để đồng bộ, hiện đại cơ sở hạ tầng như: Điện, đường, trường, trạm, điều này góp phần không nhỏ thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.

Thời gian vừa qua, Nghệ An liên tiếp đón nhận hàng loạt dự án lớn như: Vingroup, T&T Group, Vinaconex, Mường Thanh, Bảo Sơn Group... Bên cạnh các thương hiệu “nội” trên là sự xuất hiện của nhiều nhà đầu tư ngoại vào triển khai các siêu dự án như: VSIP - Singapore, Tập đoàn Hemaraj - Thailand, Tập đoàn Kovinet - Korea... Sự hiện diện mạnh mẽ này sẽ thúc đẩy nguồn cung cầu các loại hình bất động sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Ngoài ra, với những kết về kinh tế - xã hội mà tỉnh Nghệ An đạt được trong năm 2022 đang là tiền đề, bàn đạp vững chắc để đưa thị trường bất động sản Nghệ An ổn định và phát triển trong những năm tiếp theo.

Điều đó được minh chứng bởi hàng loạt số liệu thống kê như: Tính đến ngày 30/11/2022, tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt gần 42.000 tỷ đồng, tăng 49,16% so với cùng kỳ năm 2021, Nghệ An đã thu hút 108 dự án FDI thuộc 14 quốc gia, vùng lãnh thổ, chủ yếu thuộc khu vực Đông Bắc Á và ASEAN với tổng số vốn đăng ký hơn 2,2 tỷ USD.

Đặc biệt, trong năm 2022, lần đầu tiên Nghệ An lọt vào nhóm 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước, tổng vốn cấp mới và điều chỉnh tính đến ngày 30/11/2022 là gần 940 triệu USD. Gần đây, tỉnh đang được nhiều nhà đầu tư lớn trong nước và nước ngoài quan tâm. Các dự án đầu tư trong nước, FDI vào Nghệ An đang có xu hướng tăng nhanh, quy mô ngày càng lớn và tiếp tục mở rộng, phát triển, đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2022 nước đạt 20.300 tỷ đồng, vượt 35,6% so với dự toán điều chỉnh. Đây là năm đầu tiên, thu ngân sách nhà nước của tỉnh này vượt mốc 20.000 tỷ đồng, đứng thứ 17/63 địa phương trong cả nước.

Bên cạnh đó, với những động thái quyết liệt và liên tục của Chính phủ trong thời gian qua, đặc biệt tại Công điện 1164/CĐ-TTg ngày 14/12/2022, chỉ đạo Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, yêu cầu triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở ổn định, lành mạnh, bền vững, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên góp phần phục hồi phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, được kỳ vọng không chỉ tháo gỡ các nút thắt cho thị trường bất động sản cả nước nói chung, tỉnh Nghệ An nói riêng mà còn là "liều thuốc" vực dậy tâm lý nhà đầu tư, khách hàng tiềm năng.

Những tín hiệu khả quan trên sẽ góp phần đưa thị trường bất động sản Nghệ An dần lấy lại sự ổn định vào cuối năm 2023 và phát triển bền vững ở những năm tiếp theo./.

Tác giả: Hồng Quang

Nguồn tin: reatimes.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP