Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Ngọc Kim Nam - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.
|
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An |
Nhiều mô hình, điển hình “Dân vân khéo” được nhân rộng
Báo cáo tại hội nghị, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng cho biết: Nhìn chung, công tác dân vận của hệ thống chính trị 6 tháng đầu năm tiếp tục có chuyển biến tích cực. Các cấp ủy, tổ chức Đảng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác Dân vận; kịp thời thể chế hóa các văn bản của Trung ương và cấp ủy cấp trên, ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo gắn với thực tiễn địa phương, đơn vị. Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các văn bản về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo, dân chủ cơ sở được chú trọng…
Trong 6 tháng đầu năm, các cấp ủy, tổ chức Đảng từ tỉnh đến cơ sở đã ban hành 440 Nghị quyết, 485 Chỉ thị, 2.508 chương trình hành động, 3.065 kế hoạch và 14.162 công văn để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, hệ thống dân vận tăng cường đổi mới, triển khai thực hiện có hiệu quả đối với công tác dân vận. Ban dân vận cấp ủy các địa phương, đơn vị nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các cấp thực hiện 1.857 đề án, đề tài khoa học về công tác dân vận. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong toàn quốc đã tiến hành 1.554 cuộc kiểm tra đối với 2.612 tổ chức, đơn vị; giám sát 1.503 cuộc với 2.522 tổ chức, đơn vị về lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các văn bản của cấp trên về công tác Dân vận...
Nhiều mô hình, điển hình “Dân vân khéo” đã được nhân rộng, lan tỏa tích cực trong xã hội, góp phần quan trọng trong việc phát huy dân chủ, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Công tác Dân vận đã đóng vai trò quan trọng trong khống chế, kiểm soát có hiệu quả tình hình dịch COVID-19, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước.
Tại hội nghị, 10 ý kiến của đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành đã tập trung tham luận các nội dung: Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, đào tạo nghề cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong tình hình mới; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy trong đẩy mạnh thực hiện dân chủ cơ sở phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên địa bàn tỉnh An Giang; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang; kết quả bước đầu triển khai mô hình “Chính quyền thân thiện” cấp xã, “Công an xã, phường, thị trấn tận tụy, gắn bó, thân thiện, vì Nhân dân phục vụ”; tăng cường đối thoại, giải quyết kịp thời những kiến nghị, bức xúc của nhân dân...
Triển khai xây dựng 250 mô hình “Dân vận khéo” tại các xã biên giới
Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Ngọc Kim Nam trình bày tham luận “Công tác tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo vận động đồng bào dân tộc thiểu số đảm bảo an ninh biên giới trên địa bàn tỉnh” |
Tại tỉnh Nghệ An, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã phối hợp với các ban, ngành tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung vào các nội dung gồm: Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ an ninh biên giới cho Nhân dân Nghệ An nói chung và Nhân dân các huyện, xã có đường biên giới nói riêng. 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã tổ chức tuyên truyền tập trung được 433 buổi/35.321 lượt người, qua loa phóng thanh 292 giờ, qua loa kéo 165 giờ, phát 20.000 tờ rơi…; thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả 88 tập thể, 916 hộ gia đình, 2.102 cá nhân tự quản 468,281km đường biên giới; 69 tập thể, 864 gia đình, 2.322 cá nhân tự quản 105 mốc quốc giới; 944 tổ/17.810 cá nhân tự quản an ninh trật tự xóm, bản…
Bên cạnh đó, đã phân công cán bộ biên phòng về làm Phó Bí thư và phân công đảng viên về sinh hoạt chi bộ tại vùng biên; tỷ lệ tập hợp đoàn viên, hội viên bình quân của các tổ chức chính trị - xã hội ở khu vực biên giới đạt 84%. Cấp ủy, chính quyền các huyện, xã có chung đường biên giới thường xuyên giao ban hàng tháng, hàng quý với các địa phương của nước bạn Lào, để hai bên cung cấp thông tin, trao đổi kịp thời các vấn đề kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, thống nhất giải quyết các vấn đề vướng mắc ngay tại cơ sở, không để phát sinh các vấn đề phức tạp, nổi cộm xảy ra. Trong thời gian qua, tỉnh Nghệ An và các tỉnh nước bạn Lào đã tổ chức kết nghĩa 21 cặp bản - bản, 8 cặp đồn - đại đội biên phòng.
Tỉnh đã xây dựng làng thanh niên, tổng đội thanh niên xung phong vùng biên để vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần đảm bảo an ninh - quốc phòng tại địa phương. Lực lượng thanh niên xung phong tại các vùng biên đã thành lập làng thanh niên lập nghiệp, góp phần hình thành được 12 điểm dân cư, tạo việc làm ổn định từ hoạt động sản xuất nông nghiệp và bảo vệ, phát triển rừng cho 568 hộ với 1.107 lao động. Thông qua việc liên kết chế biến, dịch vụ và giao khoán bảo vệ, trồng rừng, các đơn vị thanh niên xung phong còn giải quyết việc làm ổn định cho 373 lao động với mức thu nhập bình quân đạt 6,5 triệu đồng/tháng.
Đồng thời, tỉnh cũng đã chăm lo phát triển kinh tế, hỗ trợ các chương trình, dự án cho các xã, huyện biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc để hạn chế việc truyền đạo trái phép tại vùng dân tộc thiểu số biên giới. 10 năm qua, 113 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh nhận giúp đỡ 115 xã nghèo, xã biên giới; kết nghĩa, đỡ đầu cho 27 đồn biên phòng với tổng số tiền hơn 310 tỷ đồng. Hàng năm, có khoảng 250 mô hình “Dân vận khéo” trong lĩnh vực kinh tế được triển khai xây dựng tại các xã biên giới...
Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Ngọc Kim Nam kiến nghị Trung ương quan tâm hình thành cơ chế hoặc chính sách riêng cho các tỉnh có biên giới một nguồn ngân sách nhất định để hỗ trợ các tỉnh của nước bạn Lào xây dựng cơ sở hạ tầng; Bộ Tư lệnh Biên phòng tiếp tục quan tâm chỉ đạo các đồn biên phòng thực hiện tốt công tác kết nghĩa bản - bản, đồn - đại đội biên phòng giữa hai bên.
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác Dân vận
Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài phát biểu |
Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài đề nghị Ban Dân vận các cấp tích cực, chủ động triển khai thực hiện, hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng các đề án, sơ kết, tổng kết các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy về công tác Dân vận, trọng tâm là trình 04 đề án và triển khai 02 đề án tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và tổng kết 25 năm thực hiện Chỉ thị số 62-CT/TW.
Đồng thời, thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan thường trực các Ban Chỉ đạo về công tác dân vận, triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác theo đúng quy chế, kế hoạch đã đề ra, tập trung kiểm tra việc thực hiện công tác Dân vận. Thực hiện có hiệu quả các chương trình phối hợp công tác dân vận với các Bộ, ban, ngành Trung ương và sở, ngành địa phương. Nâng cao hiệu quả công tác nắm, đánh giá, dự báo tình hình để chủ động, kịp thời tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp uỷ về chủ trương, giải pháp về công tác Dân vận của Đảng đáp ứng yêu cầu tình hình mới.
Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác Dân vận; phối hợp tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn về công tác Dân vận cho đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị và cán bộ trực tiếp làm công tác Dân vận.
Cùng với đó, tiếp tục thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, nhất là trong xây dựng nông thôn mới và các phong trào thi đua yêu nước gắn với đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; phát hiện gương người tốt, việc tốt, tôn vinh và nhân rộng các mô hình, điển hình tiêu biểu...
Tác giả: Kim Oanh
Nguồn tin: nghean.gov.vn