Thể thao

Tiền thưởng VĐV Việt Nam thua xa khu vực: Bao giờ mới hết chạnh lòng?

Trong những năm trở lại đây, mức treo thưởng huy chương Olympic cho các VĐV Việt Nam đã tăng lên đáng kể, nhưng nếu so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á thì vẫn thua rất xa.

Huy chương Olympic luôn danh giá, và vì thế mức thưởng cho các vận động viên (VĐV) đạt thứ hạng cao ở sân chơi này cũng gấp nhiều lần so với các giải đấu tầm châu lục, khu vực.

Theo quy định khen thưởng đang áp dụng (NĐ 152/2018), VĐV Việt Nam giành HCV Olympic sẽ được thưởng 350 triệu đồng và nếu phá kỷ lục sẽ được thưởng thêm 140 triệu đồng (tổng cộng 490 triệu đồng); HCB Olympic được thưởng 220 triệu đồng; HCĐ Olympic được thưởng 140 triệu đồng.

Ngoài mức thưởng "cứng" này, các VĐV sẽ nhận thêm nhiều khoản thưởng nóng từ các doanh nghiệp, mạnh thường quân…

Trước khi đoàn thể thao Việt Nam lên đường tham dự Olympic Tokyo 2020, tổng mức treo thưởng dành cho các VĐV giành HCV, HCB và HCĐ lần lượt là 1 tỷ 850 triệu đồng (81.000 USD), 1 tỷ 20 triệu đồng (44.000 USD) và 640 triệu đồng (28.000 USD).

Hidilyn Diaz của Philippines "bơi" trong tiền thưởng sau tấm HCV ở môn cử tạ.

Đây là mức treo thưởng cao nhất trong lịch sử thể thao Việt Nam ở sân chơi Olympic. Đáng tiếc là đoàn thể Việt Nam đang đối mặt với kỳ Thế vận hội trắng tay. Niềm hy vọng cuối cùng của Việt Nam là Quách Thị Lan thi đấu ngày hôm nay được dự báo khó vượt qua vòng bán kết nội dung 400m rào.

Treo thưởng lớn luôn tạo động lực cho các VĐV, tuy nhiên khi so sánh với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, mức thưởng dành cho các VĐV của Việt Nam vẫn còn kém xa, khiến các VĐV phải chạnh lòng.

VĐV cử tạ Hidilyn Diaz vừa giành HCV Olympic đầu tiên cho Philippines. Thành tích này chấm dứt cơn hạn hán HCV Olympic của Philippines kéo dài 100 năm.

Ngay lập tức, Chính phủ Philippines thưởng 10 triệu peso (khoảng 4,5 tỷ đồng) cho nhà vô địch Hidilyn Diaz. Cộng thêm các khoản thưởng khác, Diaz dự kiến nhận được 33 triệu peso (khoảng 15 tỷ đồng). Đó là chưa kể VĐV Philippines còn được tặng đất, tặng nhà, ô tô… có giá trị trên dưới chục tỷ đồng nữa.

Một VĐV khác của khu vực là võ sĩ taekwondo Panipak Wongpattanakit sau khi giành HCV cũng đã được nhận thưởng lớn. Cô được Quỹ phát triển thể thao quốc gia Thái Lan thưởng 12 triệu baht (hơn 8,3 tỷ đồng), cùng 8 triệu baht (gần 5 tỷ đồng) khác từ các nhà tài trợ. Hiện tại, mức thưởng cho võ sĩ Thái Lan vẫn đang tăng lên từng ngày khi cô trở thành người hùng của thể thao xứ Chùa vàng.

VĐV cử tạ Eko Yuli Irawan của Indonesia, người thi đấu cùng hạng cân với Thạch Kim Tuấn của Việt Nam, dù chỉ giành HCB nhưng đến thời điểm này đã nhận khoảng 9 tỷ đồng. Còn Erwin và Cantika cùng nhau bỏ túi gần 200.000 USD (gần 5 tỷ đồng) khi đứng thứ 3 tại Olympic.

Hoàng Xuân Vinh là VĐV nhận thưởng cao nhất lịch sử thể thao Việt Nam.

Singapore là quốc gia treo thưởng đậm nhất trong khu vực Đông Nam Á. Đảo quốc sư tử treo thưởng VĐV đoạt HCV là 738.000 USD, gấp gần 10 lần VĐV đoạt HCV của Việt Nam.

Tại Olympic Rio 2016, kình ngư Joseph Schooling giành HCV 100m bơi bướm nam. Anh được thưởng 1 triệu USD Singapore (khoảng 17 tỷ đồng). Cũng ở kỳ Olympic này, tổng số tiền thưởng của nhà vô địch Hoàng Xuân Vinh môn bắn súng là gần 6 tỷ đồng.

Tại Olympic Tokyo, VĐV Việt Nam nhận thưởng nóng cao nhất là tay vợt Nguyễn Thùy Linh, khoảng 50 triệu đồng cho 2 trận thắng ở vòng bảng môn cầu lông nội dung đơn nữ.

Vì sao Việt Nam thưởng cho các VĐV ít hơn nhiều khu vực?. Đây là chính là trăn trở của ngành thể thao nhiều năm qua. Như đã nói, đãi ngộ dành cho các VĐV thể thao Việt Nam đã được điều chỉnh theo mức tăng dần.

Điều này cho thấy Chính phủ đã quan tâm nhiều hơn với các VĐV. Tuy nhiên, vấn đề còn lại thuộc về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục TDTT và các Liên đoàn.

Mức thưởng động viên với Nguyễn Thùy Linh sau trận thắng ra quân ở Olympic Tokyo.

Với thể thao Việt Nam, ngoài Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) có khả năng vận động tài trợ mang về những khoản thưởng lớn cho cầu thủ, thì các Liên đoàn khác vẫn bế tắc, khiến thưởng nóng chỉ là cho có.

Ở Việt Nam, VĐV chưa được coi là một nghề. Không như nước ngoài, ở Việt Nam, VĐV nghỉ thi đấu là hết tiền, khi giải nghệ hầu hết có chấn thương, không nặng thì nhẹ.

VĐV nhận tiền thưởng ít khi giành huy chương đã đành, nhưng ngay cả cuộc sống của VĐV cũng gặp rất nhiều khó khăn. Mức tiền công, tiền ăn với các VĐV đội tuyển chưa đến chục triệu đồng, trong khi VĐV trẻ còn thấp hơn nhiều.

Nhìn chung, trình độ thể thao hay mức đãi ngộ, mức thưởng cho VĐV cũng phản ánh sự phát triển về kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia. Vẫn biết "con không chê cha mẹ nghèo", nhưng nếu các HLV, VĐV được quan tâm đúng mức hơn, chúng ta có lẽ đã có thêm nhiều động lực cho VĐV và không phải quá chạnh lòng mỗi khi so sánh với các quốc gia trong khu vực.

Tác giả: Huyền Trang

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP