Nguyễn Xuân Phúc giao nhiệm vụ cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải trở thành một cơ quan chuyên nghiệp, hiện đại, đi đầu nâng cao năng lực quản lý. |
Trước lễ ra mắt, ngày 29/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký nghị định quy định nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của UB quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, nghị định chỉ rõ mối quan hệ của UB với các cơ quan quản lý nhà nước. Cụ thể, UB thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp (DN) theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng, vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh; tuân thủ quy định của Chính phủ, Bộ Tài chính về chế độ quản lý tài chính DN, cơ chế giám sát về tài chính đối với các doanh nghiệp do UB làm đại diện chủ sở hữu. UB phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ cho DN thực hiện nhiệm vụ công ích hoặc các nhiệm vụ kinh tế - xã hội khác theo quy định của pháp luật.
Quản lý 19 tập đoàn, tổng công ty
Trong quá trình chuyển tiếp từ bộ chủ quản về UB, DN thực hiện theo nguyên tắc bàn giao nguyên trạng. Đối với các kế hoạch, chương trình, dự án, hoạt động của DN thuộc quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu được các cơ quan chuyển giao quyết định từ trước, DN tiếp tục triển khai. Trường hợp trình tự, thủ tục trình cơ quan đại diện chủ sở hữu đã thực hiện đúng quy định của pháp luật nhưng hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, UB yêu cầu DN và đề nghị cơ quan chuyển giao bổ sung hồ sơ.
Các chương trình, dự án, các hoạt động của DN do Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng giao cho cơ quan chuyển giao quản lý và thực hiện trong kế hoạch trung hạn và hằng năm.
“UB chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng và trước pháp luật về hiệu quả sử dụng, bảo toàn và gia tăng tổng giá trị danh mục vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp được giao quản lý. UB không can thiệp ngoài thẩm quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu, thành viên hoặc cổ đông của DN; không quyết định những nội dung thuộc thẩm quyền hợp pháp của hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, đại hội cổ đông, hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc DN theo quy định của pháp luật và điều lệ doanh nghiệp”, ông Mai Tiến Dũng cho biết.
UB phải công khai, minh bạch trong đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN, giải trình trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền về đầu tư, quản lý sử dụng vốn nhà nước tại DN phân công của Chính phủ, Thủ tướng. Trong vòng 45 ngày kể từ khi nghị định được ký, các DNNN phải chuyển về UB.
Theo Chủ tịch UB này, ông Nguyễn Hoàng Anh, UB chủ động đề ra kế hoạch hoạt động giai đoạn 2018-2020 để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đại diện sở hữu vốn nhà nước tại DN. UB nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật và xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển của từng tập đoàn, tổng công ty, phù hợp chiến lược phát triển ngành, nhu cầu của thị trường. Thúc đẩy sắp xếp, cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại DN theo các quyết định của Chính phủ, Thủ tướng. Tăng cường quản trị DN, công khai, minh bạch hoạt động kinh doanh, điều hành của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
“Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận DNNN từ ngày 1/10/2018 và đáp ứng nhu cầu phát triển, không để hoạt động DNNN bị gián đoạn”, ông Hoàng Anh nói.
Không để khoảng trống pháp lý khi chuyển giao
Phát biểu tại lễ ra mắt UB, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, việc nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN góp phần quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Việc thành lập UB là để tách bạch chức năng quản lý nhà nước và kinh doanh của DNNN. Sau khi 19 tập đoàn, TCT về UB, vai trò của bộ ngành không giảm xuống mà còn tăng lên. Bởi tư lệnh ngành phải lãnh đạo xuyên suốt nhiều vấn đề lĩnh vực chứ không riêng việc đại diện vốn nhà nước tại DN.
Đánh giá vai trò của UB, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, UB được Đảng, Nhà nước giao quản lý tổng tài sản khoảng 2,3 triệu tỷ đồng, vốn chủ sở hữu gần 1 triệu tỷ đồng, chiếm 2/3 tổng tài sản tại DN. Các DNNN trực thuộc UB đều là trọng yếu của nền kinh tế như điện, xăng dầu, lương thực…
Trước vai trò quan trọng trên, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, UB phải chuyên nghiệp, hiện đại, thúc đẩy cải cách nâng cao hiệu quả toàn diện hệ thống DNNN. UB không được theo lối mòn của cơ quan hành chính trước kia, quan liêu, gây phức tạp cho các DNNN trực thuộc. Thủ tướng yêu cầu UB nhanh chóng kiện toàn bộ máy tổ chức tinh gọn, hiệu quả, tuyển dụng đúng cán bộ và có bộ chỉ số đánh giá hiệu quả từng cán bộ, cơ chế giám sát nội bộ, hoàn thiện công cụ quản lý. Đồng thời, UB phải có thước đo đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh của từng DNNN.
“Tôi từng xuống xem trực tiếp nỗ lực ban đầu UB trong xây dựng cơ sở thông tin, quản lý, giám sát hoạt động của DN. Quản lý theo cách mới không chỉ xuống trực tiếp DN mà còn phải qua hệ thống thông tin, trạng thái, thị trường của DN, phải áp dụng CNTT để đáp ứng yêu cầu. UB cần hợp tác chặt chẽ các công ty công nghệ hàng đầu để áp dụng công cụ quản lý DNNN theo công nghệ 4.0. Từ đó, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DNNN trực thuộc”, Thủ tướng nói.
UB phải xây dựng chiến lược, xác định chỉ tiêu hoạt động của từng DNNN, đẩy mạnh cổ phần hoá DN, thúc đẩy DNNN phát triển nâng cao năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh, áp dụng công nghệ mới. UB phải chủ động nghiên cứu tìm người đại diện phù hợp với yêu cầu của cơ chế thị trường, quản lý và phát triển nguồn vốn, không được để nguồn vốn teo tóp. Doanh thu DNNN năm sau phải cao hơn năm trước. UB góp phần tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, tạo sự khác biệt trong kinh doanh, khắc phục tồn tại hạn chế. Sau một năm hoạt động, UB phải đánh giá kết quả thực hiện.
Thủ tướng yêu cầu trong quá trình chuyển giao, các bộ ngành, địa phương phải hợp tác, phối hợp để hoàn thiện nhanh thủ tục hồ sơ.
“Trong lúc bàn giao việc đại diện vốn nhà nước tại DN, UB và bộ ngành liên quan không được để xảy ra khoảng trống pháp lý, tránh phức tạp, cần làm chặt chẽ, đúng người đúng việc. Tăng cường công tác công khai, minh bạch trong hoạt động DN, tránh thất thoát lãng phí, tham nhũng, sân trước, sân sau”, Thủ tướng nhấn mạnh.
19 tập đoàn, TCT chuyển giao về UB gồm: TCT Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam; Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam; Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam; TCT Viễn thông Mobifone; TCT Thuốc lá Việt Nam; TCT Hàng không Việt Nam. TCT Hàng hải Việt Nam; TCT Đường sắt Việt Nam; TCT Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam; TCT Cảng Hàng không Việt Nam; TCT Cà phê Việt Nam; TCT Lương thực miền Nam; TCT Lương thực miền Bắc; TCT Lâm nghiệp Việt Nam; các doanh nghiệp khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. |
Tác giả: QUỲNH NGA
Nguồn tin: Báo Tiền Phong