Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, sau chống dịch là chống "virus trì trệ" để phục hồi và phát triển. |
Sáng nay (9/5), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến với doanh nghiệp “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế”.
Theo người đứng đầu Chính phủ, hiếm có biến cố y tế nào tác động hầu hết quốc gia, lãnh thổ như COVID-19 khi mà đại dịch này đã vượt qua mọi dịch bệnh khác và có thể so sánh với đại dịch hạch, dịch sởi… như từng xảy ra trong quá khứ.
COVID-19 không chỉ ảnh hưởng sức khoẻ của một cộng đồng mà ảnh hưởng hàng tỷ người trên hành tinh. Đã có gần 4 triệu người nhiễm bệnh, 300.000 người chết, tỷ lệ người chết lên tới 7,5%.
Trên thế giới, mỗi ngày trên dưới 80.000 ca nhiễm mới, bình quân 1 giây có 1 ca nhiễm bệnh mới và một nửa dân số thế giới ảnh hưởng của dịch.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) dự báo, hàng loạt nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng âm vì đại dịch. Nhiều nền kinh tế mới nổi tăng trưởng âm. Thậm chí như Trung Quốc đã lần đầu tiên tăng trưởng âm vì COVID - 19 sau gần 30 năm tăng trưởng.
Trong bối cảnh đó, nền kinh tế của Việt Nam trong quý 1/2020, tăng trưởng 3,82%, mức thấp nhất trong thời gian qua nhưng là mức cao trong bối cảnh thế giới.
Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định Việt Nam sẽ duy trì nền tảng tăng trưởng tốt. Nhiều địa phương có mức tăng trưởng GDP trong quý 1 khá tốt như TP HCM tăng 1,03%, Hà Nội tăng 3%, Hải Phòng tăng 14,9%...
Thủ tướng cho rằng, mô hình chống dịch của Việt Nam được thế giới đánh giá cao. Đến nay, sau 23 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng và không có người tử vong vì COVID-19.
"Có được sự thành công này nhờ dân tộc Việt Nam có sẵn sức đề kháng của tinh thần đoàn kết, tính kỷ luật và tuân thủ của người dân. Mỗi người đồng lòng hi sinh lợi ích nhỏ của mình, tất cả đều được lợi. Đảng, Nhà nước có chính sách quyết liệt, đồng bộ", người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Năm mũi giáp công
Về kinh tế, trong khi nhiều nước phát triển chịu gánh nặng tài chính lớn, Việt Nam đã tích luỹ được nguồn lực nhờ những năm tăng trưởng gần đây. Việt Nam cũng khẳng định vị thế, không quá phụ thuộc kinh tế thế giới. Năng lực nội sinh của doanh nghiệp (DN) Việt Nam vô cùng to lớn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra nhiều ví dụ về năng lực nội sinh của DN Việt Nam trong thời kỳ dịch bệnh. Nhiều DN duy trì bền vững, tăng trưởng cao trong bối cảnh suy giảm chung.
Thị trường chứng khoán (TTCK) đi xuống nhưng cổ phiếu một số DN tăng trưởng nhờ hoạt động trong lĩnh vực cốt lõi, luôn hướng tới giá trị đích thực, vì lợi ích của con người, lấy con người là trung tâm, chứ không phải theo đuổi các giá trị ảo.
Theo người đứng đầu Chính phủ, dịch bệnh đi qua, hiện nay là lúc nền kinh tế sẵn sàng bung ra. Thủ tướng yêu cầu tập trung khởi động nền kinh tế Việt Nam, phấn đấu GDP 2020 đạt trên 5%, kiểm soát lạm phát dưới 4%.
Để đạt điều này, Thủ tướng yêu cầu tập trung vào “Năm mũi giáp công” là: Thu hút đầu tư các thành phần kinh tế, nhất là đầu tư tư nhân; thu hút FDI; đẩy mạnh xuất khẩu; thúc đẩy đầu tư công và khuyến khích tiêu dùng nội địa với dân số 100 triệu dân.
Để cụ thể hoá chiến thuật trên, Thủ tướng mong muốn phải thể hiện được tinh thần yêu nước, yêu nước thì phải hành động, phải có quyết tâm mạnh mẽ trong điều kiện mới như lò xo bị nén giờ bật lên để phát triển.
“Việt Nam chúng ta, DN của chúng ta cần đóng góp vào phát triển hình chữ V chứ không phải là chữ U mà càng không thể là chữ W”, Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, Việt Nam còn nhiều nút thắt. Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cá nhân Thủ tướng luôn lo nghĩ đến điều này. Tuy nhiên, hội nghị này không phải là dịp để bàn lùi, than nghèo, kể khổ.
“Chính phủ không thể trực tiếp giúp DN tăng lợi nhuận, nhưng Chính phủ sẽ tìm cách thức thúc đẩy doanh nghiệp tăng năng suất, chỉ có tăng năng suất mới là nguồn gốc bền vững của lợi nhuận”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho rằng DN phải chủ động tham gia vào việc xây dựng luật pháp như một khế ước xã hội. Chính phủ đóng vai trò người bảo trợ cho các bộ khế ước đó được thực thi trên nguyên tắc công bằng, bình đẳng, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị với cộng đồng DN |
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, phải xắn tay áo vào cuộc, các địa phương phải tháo gỡ trực tiếp cho DN, một tinh thần cải cách đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm…
Đặc biệt, cần lưu ý trong những công việc không phải “quyền anh, quyền tôi” lúc này mà phải là vì đất nước, vì dân tộc, vì gần 100 triệu người dân Việt Nam.
Thủ tướng cũng yêu cầu cán bộ, công chức phải được quản lý để chống lại sự vô cảm, tiêu cực, nhũng nhiễu, gây khó dễ cho người dân và doanh nghiệp.
Do đó, Hội nghị này phải nêu được những giải pháp, những ý tưởng mới, chẳng hạn như về thị trường, kết nối chuỗi giá trị, về một chất keo để dán lại các điểm đứt gãy, về lao động, thuế, phí…
Chúng ta đã có gói “đùm bọc” hay “san sẻ” 62.000 tỷ đồng, chưa kể hàng chục nghìn tỷ đồng từ giảm giá điện, nước, viễn thông. Bây giờ là lúc bàn đến chính sách tăng tốc hay chính sách đòn bẩy.
Chúng ta đã chứng kiến tinh thần “chống dịch như chống giặc”, giờ đây tinh thần “chống trì trệ như chống dịch” cần phải được thúc đẩy.
“Chúng tôi đã nhiều lần nêu virus trì trệ, vậy virus trì trệ ở đâu, đừng nhìn người khác, cơ quan, tổ chức khác, bộ, ngành khác, địa phương khác, virus trì trệ nằm ngay trong chính bản thân chúng ta, tổ chức của chúng ta, địa phương của chúng ta và cả trong doanh nghiệp của chúng ta”, Thủ tướng nói.
Sáu đề nghị với doanh nghiệp
Với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Thủ tướng đưa ra 6 lời đề nghị.
Một là yêu Tổ quốc, vì làm việc gì mà không nghĩ đến Tổ quốc thì không thể thành doanh nghiệp lớn được. Yêu Tổ quốc cũng có nghĩa là phải thượng tôn pháp luật, phải có tinh thần chia sẻ.
Thứ hai là đoàn kết, vì mất đoàn kết là tự mình làm yếu mình, cần hợp tác với nhau.
Thứ ba, không nản chí vì nản chí là tự mình bỏ cuộc.
Thứ tư là năng động, quyết đoán, vì thụ động, lưỡng lự là tự mình đánh mất cơ hội.
Thứ năm là sáng tạo vì thiếu sáng tạo là tự mình tụt lại phía sau.
Thứ sáu, cần có niềm tin vì không có niềm tin là tự mình chối bỏ mình.
Sau thời gian giãn cách xã hội, có lẽ các lãnh đạo DN đã có đủ thời gian quý báu để tư duy lại về con đường phát triển mới của doanh nghiệp của mình. Thiết nghĩ đây là cơ hội “trăm năm 1 thuở” cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Theo Thủ tướng, cơ hội này trước hết là dành cho DN trong nước, nhưng nếu chúng ta không biết tận dụng, không nắm bắt được cơ hội đó, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ đến lấy.
Có thể nói, làn sóng chuyển chuỗi giá trị đang xem Việt Nam như một ô cờ trung tâm cần được chiếm lĩnh trên bàn cờ vua. “Các doanh nghiệp Việt Nam đang cầm quân trắng và có cơ hội đi trước. Các bạn hãy tận dụng cơ hội đó”.
Tác giả: PHẠM ANH- QUỲNH NGA- DƯƠNG HƯNG
Nguồn tin: Báo Tiền phong