Kinh tế

Thoái vốn, giải thể các doanh nghiệp quân đội hoạt động không hiệu quả

Tại buổi làm việc với Tân cảng Cát Lái và Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn (Quân chủng Hải quân), Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định Quân đội làm kinh tế là chủ trương đúng, góp phần nâng cao vị thế quốc tế đất nước....

Sáng nay 12-7, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã đến thăm, làm việc với Tân cảng Cát Lái và Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn (trực thuộc Quân chủng Hải quân).

Cùng tham gia buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu….
Tại buổi làm việc, Chuẩn Đô đốc Nguyễn Đăng Nghiêm, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn (TCSG) cho biết, TCSG hiện có 25 công ty thành viên với hơn 6.000 cán bộ, công nhân viên và hơn 10.000 lao động làm việc. Tân cảng Cát Lái là cảng thuộc TCSG được đầu tư, vận hành bằng hệ thống quản lý, giám sát tự động và là cảng container lớn, hiện đại nhất Việt Nam. Trung bình mỗi tuần, cảng tiếp nhận 70 lượt tàu container, chiếm trên 90% thị phần container toàn miền Nam.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: “Quân đội làm kinh tế là chủ trương đúng đắng”

Ngoài phục vụ yêu cầu quân sự trong thời chiến và thời bình, TCSG còn phát triển dịch vụ kinh tế biển ở 3 ngành chính: Kinh doanh khai thác container (chiếm gần 50% thị phần xếp dỡ container nhập khẩu của Việt Nam); kinh doanh dịch vụ logistics (dẫn đầu tốp 20 doanh nghiệp logistics hàng đầu Việt Nam); kinh doanh vận tải dịch vụ biển (chiếm 25% thị phần vận tải biển nội địa).

Chuẩn Đô đốc Nguyễn Đăng Nghiêm khẳng định, với những kết quả đạt được trong thời gian qua, TCSG đã làm tốt nhiệm vụ “khi bình là ngư, khi biến là binh”, góp phần đáng kể vào sự phát triển của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung.

TCSG đề nghị Bộ Quốc phòng cho duy trì hoạt động 3 công ty trực thuộc có 100% vốn nhà nước. Đại diện TCSG cũng cho biết, đơn vị đang nghiên cứu thoái vốn, cổ phần hóa và niêm yết trên sàn chứng khoán theo quy định của nhà nước đối với một số công ty con, sắp xếp lại các công ty thành viên để nhiệm vụ phát triển kinh tế đạt hiệu quả hơn.

Sớm tháo gỡ ùn tắc giao thông trên các tuyến đường dẫn vào cảng

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định hiệu quả kinh tế của TCSG đã góp phần làm tăng tổng sản phẩm của TP, tuy nhiên vấn đề quan tâm hiện nay là giao thông tại khu vực các cảng thường xuyên bị ùn tắc. Thực tế này làm ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống người dân.

Đồng chí Nguyễn Thành Phong dẫn chứng: Trên các tuyến đường như xa lộ Hà Nội, Mai Chí Thọ, Vành Đai 2, đặc biệt là đường Nguyễn Thị Định (tất cả phương tiện khi vào cảng Cát Lái đều phải qua đường này), lượng phương tiện vào ra Tân cảng Cát Lái rất đông, liên tục xảy ra ùn tắc giao thông, kẹt xe.

Trong năm 2016, nhờ triển khai một số giải pháp trước mắt như: tổ chức phân luồng giao thông ở một số điểm, xử lý các bến bãi xe container tự phát quanh cảng; cải cách, giảm thủ tục trong cảng – hạn chế lượng xe ra vào cảng,… tình hình ùn tắc có giảm. Tuy nhiên, từ đầu tháng 6-2017 đến nay, do lượng hàng hóa qua cảng tăng mạnh, ùn tắc tiếp tục tái diễn trên các tuyến đường dẫn vào cảng.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại buổi làm việc

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải cần quan tâm, nghiên cứu cùng thành phố có giải pháp tháo gỡ ùn tắc giao thông hiệu quả trong thời gian tới. Về phía thành phố, sẽ cố gắng hoàn thành việc thi công nút giao thông Mỹ Thủy (quận 2) trong năm 2017 và 6 công trình giao thông khác trên địa bàn trong năm 2019 để góp phần hạn chế tình trạng kẹt xe tại khu vực quanh các cảng, nhất là Tân cảng Cát Lái và sân bay Tân Sớn Nhất.

Quân đội làm kinh tế là chủ trương đúng

Phát biểu tại buổi làm việc, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết tới đây Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng sẽ thực hiện đề án sắp xếp cấu trúc lại các doanh nghiệp quân đội, tiến hành thoái vốn, giải thể các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả; sắp xếp lại các doanh nghiệp quốc phòng phù hợp hơn với chiến lược phát triển kinh tế, kết hợp bảo vệ an ninh quốc phòng.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng cũng sẽ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh bổ sung các khu kinh tế quốc phòng. Đồng thời Bộ Quốc phòng cũng bàn giao quỹ đất quốc phòng chưa sử dụng cho các địa phương phát triển kinh tế, xã hội; tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng sai mục đích đất quốc phòng.

Liên quan đến việc sân golf nằm trong khuôn viên sân bay Tân Sơn Nhất, Đại tướng Ngô Xuân Lịch cho biết Bộ Quốc phòng đã cho tạm dừng hoạt động của 2 sân golf, đồng thời đồng ý để Bộ Giao thông Vận tải lấy một phần đất ở phía nam sân bay Tân Sơn Nhất để xây dựng thêm đường băng và nhà ga.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh, kết hợp kinh tế với quốc phòng là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng. Như vậy sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong lực lượng vũ trang kết hợp kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội trong mọi thời kỳ phát triển.

Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng khẳng định phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng là nhiệm vụ lâu dài của quân đội, góp phần củng cố tiềm lực quốc phòng; gia tăng tiềm lực quốc gia; củng cố khả năng tự chủ của đất nước trong việc trang bị vũ khí, khí tài cho quân đội; góp phần nâng cao vị thế quốc tế của đất nước.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn

“Quân đội làm kinh tế là chủ trương đúng, là nhiệm vụ và quan điểm xuyên suốt trong xây dựng quân đội qua các thời kỳ. Phát triển kinh tế đã, đang và sẽ luôn là một trong những chức năng của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho Tân Cảng Sài Gòn tiếp tục giữ vững vị trí doanh nghiệp quốc phòng tiên phong của đất nước trong việc sản xuất, phát triển hiệu quả kinh tế biển, góp phần tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng biển đảo của Việt Nam”, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nói.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cũng yêu cầu từng tổ chức, lãnh đạo, cán bộ trong lực lượng quân đội phải luôn luôn tự đánh giá, nhìn lại mình, để khắc phục các khiếm khuyết, hạn chế, tồn tại. Trong nhiệm vụ phát triển kinh tế phải nghiêm túc, chấp hành các quy định của nhà nước, của Bộ Quốc phòng. Quan điểm của Bộ Quốc phòng khi phát hiện, tổ chức, cá nhân trong lực lượng vi phạm sẽ cương quyết xử lý nghiêm, không để “một con sâu làm rầu nồi canh”.

Tác giả: TUẤN VŨ

Nguồn tin: Báo Sài Gòn Giải Phóng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP