Giáo dục

Thêm vụ "tố" vận động không thi tốt nghiệp THPT: Sở GD-ĐT Hà Nội xác minh

Thêm một phụ huynh Trường THPT Tự Lập (Mê Linh, Hà Nội) "tố" nhà trường vận động học sinh có học lực yếu không thi tốt nghiệp THPT. Sở GD-ĐT Hà Nội đang vào cuộc xác minh.

Cụ thể, phụ huynh có con học lớp 12 năm học 2020-2021 của Trường THPT Tự Lập cho biết, trong đợt kiểm tra học kỳ 2 năm học 2020-2021, học sinh này bất ngờ bị nhà trường yêu cầu làm bài ở phòng riêng, theo kiểu 1 giám thị - 1 học sinh, dù con không hề có bất cứ vi phạm nào, không gian lận thi cử, cũng không liên quan đến Covid-19 để phải cách ly khỏi các bạn khác.

Ngoài ra, còn có thông tin, giáo viên phải rà soát từng lớp, với những học sinh học lực yếu kém, vận động các em chỉ nhận giấy chứng nhận hoàn thành hết lớp 12 và không tham gia thi tốt nghiệp THPT.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho PV Dân trí biết, địa phương đang cho xác minh sự việc. Sau khi có kết quả, sẽ chuyển đến Sở GD-ĐT Hà Nội theo đúng phân cấp quản lý.

Trường THPT Tự Lập (Mê Linh, Hà Nội) (Ảnh: Website nhà trường).

Trao đổi với PV Dân trí sáng nay (25/4), ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, cơ quan này đã biết sự việc liên quan đến Trường THPT Tự Lập.

Theo đó, Sở GD-ĐT Hà Nội hiện đang phối hợp xác minh thông tin. Lãnh đạo Sở cũng cho biết thêm, đây là sự việc kéo dài một thời gian, không phải mới xảy ra.

Ngoài tố cáo học sinh được vận động không thi tốt nghiệp THPT, được biết thời gian qua, một số phụ huynh Hà Nội đăng tải thông tin trên diễn đàn về việc con mình bị vận động không thi vào lớp 10 THPT khiến dư luận bức xúc.

Theo một số thầy cô giáo, sự việc này đã có từ nhiều năm nay nhưng chưa bao giờ được xác nhận một cách rõ ràng, chính thức, công khai. Đây rõ ràng là một góc khuất khó nói từ cả phía học sinh, phụ huynh và giáo viên.

Sự việc dù chỉ là cá biệt ở một nhóm nhỏ học sinh ở một số trường nhưng dù con số là bao nhiêu thì cũng không thể chấp nhận được vì quá phản giáo dục, quá bức xúc.

Theo chuyên gia này, không thể tưởng tượng được hết nỗi đau xót, xấu hổ của các bạn học sinh và phụ huynh có con bị rơi vào diện "ngăn chặn" này.

Đây sẽ là vết thương lòng có thể đánh gục sự tự tin vào bản thân và chặng đường học tập, cuộc sống sau này của các con sẽ trở nên khó khăn, gai góc hơn rất nhiều.

Các thầy cô cũng là cha mẹ, cũng có con, các thầy cô cũng đã dìu dắt nhiều lứa học sinh và có sự gắn bó lâu dài với học trò của mình. Các thầy cô không vô cảm đâu.

Nhưng với cách thức tổ chức và xét tuyển vào 10 còn nhiều bất cập như hiện nay, khi trách nhiệm, quyền lợi và cả quyền lực của thầy cô bị ràng buộc vào quá nhiều khiến dễ làm nảy sinh những biến tướng, méo mó này.

TS tâm lý Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cũng cho rằng, việc giáo viên dưới danh nghĩa "định hướng" và "phân luồng" nhưng thực tế là muốn "ép" học sinh lớp 9 không thi vào lớp 10 THPT đã có từ nhiều năm nay nhưng nhiều người không dám công khai.

Cho dù dưới danh nghĩa là gì, theo nhà giáo này, hành động đó không chỉ sai về mặt quy định, quyền lợi hợp pháp mà còn sai về mặt đạo lý và tàn nhẫn với các em.

Tác giả: Mỹ Hà

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP