Giáo dục

Tết của những người thầy "luồn rừng, lội suối" mời học sinh đến lớp

Với nhiều giáo viên vùng cao, Tết không hy vọng có thưởng, có quà, niềm mong ước lớn nhất là học sinh quay trở lại trường đầy đủ sau kỳ nghỉ Tết dài ngày.

Tết rộn ràng trên khắp các bản làng thôn xóm của huyện vùng cao Châu Thôn, Nghệ An, nhà nhà vui Tết đón xuân, bên cạnh niềm vui năm mới, những thầy cô tại huyện vùng cao này lại nơm nớp nỗi lo về sĩ số học sinh sau Tết.

Cô Vi Thị Nhung, giáo viên Trường THCS Châu Thôn, Nghệ An chia sẻ: “Nhiều học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các em ở độ tuổi THCS đã bắt đầu có những rung động tình cảm đôi lứa. Không ít trường hợp về nghỉ Tết rồi nghỉ luôn ở nhà lấy vợ, lấy chồng. Những năm trước tình trạng này rất phổ biến, khoảng 2 năm trở lại đây thì ít hơn. Thế nhưng hàng năm sau Tết trường vẫn có một số học sinh không chịu quay lại học. Khi ấy thầy cô lại phải đến tận nhà vận động các em đi học. Địa hình đồi núi hiểm trở, trời nắng còn đỡ vất vả, trời mưa, đường lầy lội, lúc nào cũng phải có 2 người đi cùng nhau để những đoạn đường khó đi, sa lầy còn xuống để đẩy xe. Cũng có những khi thầy cô đến tận nhà, nhưng các em trốn biệt vào rừng. Thầy cô lại phải lội suối, băng rừng tìm bằng được, vận động các em đến lớp”.

Cô Vi Thị Nhung trong tiết dạy kết nối với Trường THCS Hưng Bình TP Vinh (Nghệ An)

Vẫn biết, “mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”, thế nhưng những giáo viên vùng cao như cô Vi Thị Nhung cũng hiếm khi được các học trò chúc Tết, hiếm hoi lắm có học sinh hái tặng cô bó lá chè, hay quả bí. Cô Nhung chia sẻ, dù nhận được món quà là nắm rau rừng của học trò, nhưng thầy cô cũng rất vui. Niềm vui lớn hơn cả là thấy học trò biết tri ân thầy cô.

“Giáo viên vùng cao chẳng bao giờ nghĩ đến thưởng Tết hay quà Tết của học sinh. Điều mong mỏi lớn nhất là học sinh sau kỳ nghỉ Tết vẫn trở lại trường học đầy đủ.

Trước Tết, các thầy cô trong trường cùng góp tiền để mua quà Tết trao cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, động viên các em yên tâm học tập. Hàng năm, các thầy cô cũng nhận nuôi đỡ đầu cho những học sinh đặc biệt khó khăn. Dù đồng lương giáo viên không nhiều, nhưng chúng tôi luôn mong muốn hỗ trợ tốt nhất cho các em, để các em đến gần hơn với con chữ”, cô Nhung chia sẻ.

Những năm gần đây, Trường THCS Châu Thôn được các cấp quan tâm hỗ trợ, cơ sở vật chất đã phần nào khang trang hơn trước. Tuy nhiên lại không có chế độ cho học sinh ăn bán trú. Để tạo điều kiện cho học sinh ở xa, khuyến khích các em đi học, nhà trường tận dụng 1 số phòng học cũ làm chỗ cho các em nghỉ ngơi, ăn cơm trưa. Giáo viên trong trường vẫn đảm nhiệm công tác chăm sóc học sinh bán trú, song đến nay vẫn chưa có bất kỳ chế độ hỗ trợ nào. Cô Nhung hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm những chính sách đặc thù hỗ trợ giáo viên cũng như học sinh để thầy cô yên tâm công tác, học sinh thêm gắn bó với trường lớp.

Thầy cô vùng cao còn nhiều gian nan trong hành trình mang tri thức đến với học trò

Cô Hoàng Thị Thưu, Trường Tiểu học Hương Liên (Hương Khê, Hà Tĩnh) có 27 năm gắn bó với học sinh là con em đồng bào dân tộc Chứt cũng chia sẻ, dạy học sinh dân tộc thiểu số cũng gặp không ít khó khăn. Khó khăn dễ nhận thấy nhất là các em thuộc đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người, điểm xuất phát thấp. Gia đình rất ít giao lưu với bên ngoài nên hầu hết các em ngại tiếp xúc với người lạ, khó khăn trong việc học cũng như giao tiếp.

Khoảng cách từ nhà đến trường của các em khá xa, đường sá không thuận lợi, nên có một thời gian các em không có động cơ học tập, tính chuyên cần không cao. Nhiều khi thầy cô vẫn phải đến tận nhà vận động học sinh đến trường. Trước những khó khăn đó ngành giáo dục huyện đã phát động chương trình bữa ăn sáng cho học sinh, chăm lo bếp ăn bán trú nên các em đi học chuyên cần trở lại, tiếp thu bài học tốt hơn.

Cô Thưu cho biết thêm, với đặc thù dạy học sinh dân tộc thiểu số rất ít người, học sinh không học ở trường nội trú nên chế độ cho học sinh và giáo viên vẫn còn nhiều thiệt thòi, khó khăn. Cô Thưu hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm chính sách đặc thù cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người để động viên các em đến trường, cũng như có những chính sách hỗ trợ giáo viên, góp phần thực hiện nhiệm vụ xóa mù chữ và phổ cập giáo dục thành công.

Là giáo viên bậc mầm non, nhưng cô H’Phen Eeya, người M’ Nông (Tỉnh Đăk Nông) chia sẻ sinh sống và làm việc tại nơi mà cuộc sống của người dân, học sinh đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ còn gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng và thấp còi còn rất cao đã khiến những người làm giáo dục không khỏi trăn trở.

“Chúng tôi nhận thấy thực trạng cuộc sống khó khăn đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sự tập trung chú ý của trẻ trong các hoạt động giáo dục và số lượng trẻ đến lớp mỗi ngày không duy trì đảm bảo.

Nguyên nhân sâu xa là do nhận thức của phụ huynh người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, chưa thật sự chú trọng và quan tâm đến việc đưa trẻ đi học mầm non, hầu hết các gia đình cho trẻ ở nhà để trẻ tự chơi, hoặc chơi với ông bà, anh chị, nên tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi phải đến trường nhiều nơi chưa đảm bảo. Nhất là sau Tết, giáo viên thường xuyên phải đến tận nhà vận động phụ huynh cho con em quay trở lại trường.

Bên cạnh đó, mức thu nhập của người dân chủ yếu làm nghề nông, phụ thuộc vào thời tiết, giá cả mùa vụ nên không có nguồn thu nhập ổn định, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc đưa trẻ đến trường. Đặc biệt là một số gia đình không có tiền cho con ăn bán trú. Đây là một khó khăn rất lớn đối với giáo viên trong công tác chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ trong các trường mầm non”, cô H’Phen Eeya, chia sẻ.

Cô H’Phen Eeya mong trong năm tới, sẽ có thêm nhiều chính sách đối với trẻ em người dân tộc thiểu số tại chỗ như cấp đồ dùng, tài liệu, sách vở, dụng cụ, thiết bị học tập để các nhà trường có thêm phương tiện, thiết bị dạy và học từng bước nâng cao chất lượng giáo dục đối với trẻ người đồng bào dân tộc thiểu số.

Tác giả: Nguyễn Trang

Nguồn tin: vov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP