Với Luật Chứng khoán (sửa đổi), niềm tin của các nhà đầu tư sẽ được tăng lên, nhất là nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: ST. |
Tạo môi trường đầu tư ổn định
Sau một thời gian dài Luật Chứng khoán hiện hành có hiệu lực và có dấu hiệu "chậm“ so với thời cuộc, Luật Chứng khoán (sửa đổi) đang được kì vọng sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến tổ chức thị trường chứng khoán và tạo thêm niềm tin cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.
Góp ý tại dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi), Luật sư Choi Ji Ung, Giám đốc Công ty TNHH Luật ASEAN Law Firm cho rằng, với sự phát triển không ngừng, những diễn biến phức tạp và sự tham gia sâu rộng từ các nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian qua, việc sửa đổi, ban hành Luật Chứng khoán mới là không thể trì hoãn. Nghiên cứu dự thảo Luật, ông Choi Ji Ung cho rằng cơ quan soạn thảo đã tiếp thu và luật hóa rất nhiều thông lệ quốc tế, nguyên tắc và khuyến nghị từ các tổ chức quốc tế như: Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Tổ chức quốc tế các Ủy ban chứng khoán (IOSCO).
“Dự thảo Luật lần này đã có rất nhiều điểm đột phá, tiệm cận với yêu cầu thực tế và thông lệ quốc tế. Trong đó, đáng chú ý là quy định gắn chặt chào bán chứng khoán ra công chúng với niêm yết và đăng ký giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán (đặc biệt là IPO). Điều này sẽ là bước đột phá nâng cao tính minh bạch cho thị trường. Hai là nâng mức quy định vốn điều lệ tối thiểu lên 30 tỷ đồng từ mức 10 tỷ đồng hiện tại đối với các trường hợp như IPO, chào bán trái phiếu ra công chúng, công ty đại chúng. Dựa trên thực tế phát triển quy mô kinh tế của các công ty tại Việt Nam, mức điều chỉnh này là cần thiết và theo đúng xu thế của thông lệ quốc tế”, Giám đốc Công ty TNHH Luật ASEAN Law Firm nhận định,
Bên cạnh đó, hàng loạt sửa đổi bổ sung khác, thống nhất phạm vi điều chỉnh và quy định nội dung của Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán (sửa đổi) hứa hẹn sẽ mang lại nhiều đột phá và môi trường đầu tư ổn định hơn cho các nhà đầu tư tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo ông Nguyễn Thanh Kỳ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán (VASB), dự thảo Luật đã bổ sung điều kiện phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm với tổ chức phát hành trái phiếu (quy định này đã được áp dụng tại nhiều quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia…). Ngoài ra, dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về tổ chức kiểm toán và kiểm toán viên hành nghề được chấp thuận cung cấp dịch vụ cho các đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán; các yêu cầu chi tiết trong công khai thông tin và quản trị của công ty đại chúng... Tất cả các điểm mới này đều nhằm mục tiêu nâng cao tính minh bạch của thị trường theo thông lệ quốc tế, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.
“Nếu dự Luật được thông qua, sẽ cần có rất nhiều các quy định cụ thể hơn, chi tiết hơn về nguyên tắc tham gia thị trường của nhà đầu tư nước ngoài, về công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán có vốn nước ngoài. Việc này sẽ giúp thúc đẩy, tạo sự tin tưởng và thu hút đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam”, ông Nguyễn Thanh Kỳ khẳng định.
Thêm công cụ giữ thị trường công khai, minh bạch
Tại dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, sau nhiều lần lấy ý kiến và tiếp thu, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước vẫn trực thuộc Bộ Tài chính, tuy nhiên, thẩm quyền của cơ quan này sẽ được tăng lên. Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, theo phương án này, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước tương đối bảo đảm tính độc lập, quản lý và giám sát toàn diện thị trường, phù hợp với nguyên tắc của IOSCO, khuyến nghị của Chương trình đánh giá khu vực tài chính (FSAP) và quy định của các nước có cơ quan quản lý chứng khoán nằm trong Bộ Tài chính (như Malaysia, Bangladesh, Bồ Đào Nha) và giữ được ổn định, không làm xáo trộn về bộ máy tổ chức.
Trước nội dung này, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho rằng, chỉ khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ động hơn, tự quyết hơn trong truy xét đến cùng các vi phạm trên thị trường chứng khoán thì mới có thể ngăn được tội phạm chứng khoán và tạo ra một thị trường chứng khoán minh bạch, lành mạnh.
“Để chống lại vi phạm chứng khoán và tội phạm chứng khoán, nên mở rộng thẩm quyền của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước với tư cách là cơ quan quản lý, tập hợp những cơ quan chuyên môn, những người có hiểu biết sâu trong vấn đề này. Theo đó, mở rộng thẩm quyền của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tạo điều kiện để việc truy xét, cung cấp chứng cứ và đưa ra kết luận về vi phạm trên thị trường chứng khoán sẽ nhanh chóng hơn. Nếu nâng cao vai trò của Uỷ ban trong việc chống lại các vi phạm chứng khoán thì chắc chắn sẽ không có các hành vi trục lợi bằng cách làm giá chứng khoán hoặc hành vi bán khống…”, ông Nguyễn Thanh Hà nhận định.
Liên quan đến công tác giám sát thị trường, dự thảo Luật quy định giám sát theo 3 cấp thay cho 2 cấp (các sở giao dịch chứng khoán và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) so với Luật Chứng khoán hiện hành. Cụ thể, dự thảo Luật bổ sung thêm 1 cấp là các công ty chứng khoán. Theo ông Choi Ji Ung, quy định này được nêu tại Điều 90 của dự thảo Luật, theo đó công ty chứng khoán có nghĩa vụ: thứ nhất là thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro và giám sát, ngăn ngừa những xung đột lợi ích trong nội bộ công ty và trong giao dịch với người có liên quan; thứ hai là quản lý tách biệt tiền, chứng khoán của từng nhà đầu tư với tiền và chứng khoán của công ty chứng khoán.
Luật sư Chiu Ji Ung cho rằng, tất nhiên với việc thêm một cấp độ giám sát, các cơ quan quản lý sẽ có thêm công cụ để giữ thị trường được công khai, minh bạch. Tuy nhiên, cần có quy định cụ thể về thẩm quyền, chức năng giám sát, cơ chế phối hợp giữa công ty chứng khoán và sở giao dịch, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính để tránh quy định bị lạm dụng, gây cản trở giao dịch, tổn hại cho nhà đầu tư hoặc những tranh chấp phát sinh không đáng có giữa công ty chứng khoán và nhà đầu tư.
Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) quy định, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính và sẽ được tăng thêm những thẩm quyền sau: Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thay Bộ Tài chính thực hiện chức năng cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với Sở Giao dịch Chứng khoán và Tổng Công ty Lưu ký. Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phê duyệt Điều lệ của Sở Giao dịch Chứng khoán và Tổng Công ty Lưu ký; bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát (Kiểm soát viên) của Sở Giao dịch Chứng khoán và Tổng Công ty Lưu ký; phê duyệt việc Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên bổ nhiệm, miễn nhiệm Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc), Trưởng bộ phận giám sát giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán; Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) của Tổng Công ty Lưu ký. Ngoài ra, để nâng cao vị thế, trách nhiệm của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và người đứng đầu, bảo đảm vị thế khi phối hợp làm việc với cơ quan, Bộ, ngành và trong hợp tác quốc tế (tương tự như quy định về Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tại Luật Cạnh tranh), Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ là người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tổ chức và toàn bộ hoạt động của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính. |
Tác giả: Bảo Minh
Nguồn tin: Báo Hải Quan