Theo đó, thay đổi lớn nhất sẽ là bỏ sổ theo dõi chất lượng, và thay vào đó là bản tổng hợp nhằm giảm tải cho giáo viên. Ngoài ra, Thông tư sửa đổi cũng làm rõ khái niệm đánh giá định kỳ môn học, và các tiêu chí khen thưởng…
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trong buổi làm việc tại tỉnh Nghệ An sáng 2/8. Ảnh: Quốc Huy
Thông tư 30 nhân văn, “không có lỗi”
Theo Bộ GD-ĐT, tổng hợp từ báo cáo của 63 Sở GD-ĐT cuối năm học 2015 - 2016 cho thấy hầu hết giáo viên đều nhận thức được tính nhân văn, những quan niệm mới của Thông tư 30.
Mô hình trường học mới xác định lấy học sinh là trung tâm; và Thông tư 30 yêu cầu học sinh nào cũng được quan tâm đánh giá. Tâm huyết với sự nghiệp trồng người, nhiều giáo viên ghi nhận, đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh chính là điều mà các thầy cô tâm đắc nhất trong quá trình thực hiện Thông tư 30.
Cụ thể, theo Thông tư 30, giáo viên cần coi trọng việc động viên, khuyến khích tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện của học sinh, đánh giá học sinh ngay trong quá trình học tập, biết được các em đã đạt được kết quả đó bằng cách nào để từ đó có thể đưa ra những tư vấn, định hướng hợp lý, giúp các em tiến bộ không chỉ trong học tập mà cả trong cách xử lý, giải quyết các vấn đề khác nhau nảy sinh trong cuộc sống.
Nhiều giáo viên mệt mỏi vì “công cuộc” đánh giá, nhận xét học sinh cuối năm. Ảnh: Minh Quân
Có lẽ, khi chứng kiến cảnh những cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ sau quá trình học tập vất vả, ôm tấm bằng đỏ ra trường để rồi lại… thất nghiệp, lại buộc phải giấu bằng, học “liên thông ngược”, phải chật vật kiếm sống, một bộ phận trở nên “nghi ngờ” về tương lai tươi sáng của “nghiệp học”. Và rõ ràng, khi bậc tiểu học là bậc học nền tảng, là bước đi đầu đời của mỗi con người, thì việc các em được coi là “trung tâm” trong mô hình VNEN không chỉ là mong muốn của phụ huynh, mà còn là yêu cầu, là xu thế chung trong xã hội toàn cầu hóa hiện nay.
Trong khi đó, chất lượng giáo dục chỉ có được khi học sinh thích học, say mê tìm tòi, sáng tạo. Có phụ huynh đặt câu hỏi: “Tại sao con tôi học dốt? Tôi cho cháu học thầy nọ, thầy kia, nhưng kết quả không cao. Tôi phải làm sao?”.
“Xin thưa, vì con anh chị không thích học! Mà vì sao cháu không thích học? Vì cháu thích những thứ mà các thầy cô không cho phép cháu làm, không khuyến khích cháu làm, không tư vấn giúp cháu có nên làm việc đó hay là không, mà chỉ nhăm nhăm chỉ trích”, một giáo viên trường tiểu học Y.V (Hà Nội) chia sẻ.
Rõ ràng, Thông tư 30 đã yêu cầu giáo viên thay đổi tư tưởng, suy nghĩ đã ăn sâu vào tiềm thức. Giáo viên buộc phải quan tâm hơn đến học trò, tìm hiểu hoàn cảnh học trò, “note” những điểm cần chú ý về mỗi em, để từ đó có những nhận xét xác đáng. Nhờ vậy, giáo viên sẽ giúp phụ huynh và chính bản thân mỗi em biết được điểm mạnh để phát huy, điểm yếu để khắc phục, để động viên, khuyến khích, hoặc ngăn chặn kịp thời.
Cụ thể hóa cách đánh giá, tránh làm "khoán"
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội khẳng định, Thông tư 30 là một sự đổi mới giáo dục và không có điểm gì là “có lỗi”. Thế nhưng theo ông, vì không biết cách làm nên nhiều người “kêu toáng” lên, thậm chí đòi xóa bỏ.
Thông tư 30 quy định, thay cho các điểm số (định lượng), giáo viên sẽ phải đánh giá, nhận xét học sinh bằng lời phê (mang tính định tính nhiều hơn). Và do đó, có một thực tế là giáo viên bỗng nhiên gặp khó khăn trong việc “sáng tạo” nhận xét, làm sao để mỗi học sinh trong lớp có những lời phê khác nhau. Nhiều giáo viên còn kêu, “Chúng tôi mất quá nhiều thời gian để viết nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục. Một lớp mấy chục em. Nhận xét ngày, tuần, tháng… Mấy chục cuốn sổ, làm sao cho xuể”.
Bản đồ tư duy tổng hợp kiến thức đánh giá học sinh theo Thông tư 30 tại lớp tập huấn “Nâng cao chất lượng đánh giá học sinh theo Thông tư 30” ở trường Tiểu học An Ninh, Quỳnh Phụ, Thái Bình. Ảnh: Website nhà trường
Để thực hiện tốt Thông tư 30, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: “Cần làm rõ việc đánh giá học sinh như thế nào cho thực sự đúng khoa học giáo dục chứ không phải là làm khoán, làm cho có. Cách đánh giá cần có tiêu chí nhất định về đánh giá, chẳng hạn như sáng tạo, ý thức học tập… Cần cụ thể hóa để phụ huynh và học sinh cần nắm được”.
“Cần tập huấn giáo viên kỹ hơn về cách đánh giá học sinh, thậm chí có thể là “cầm tay chỉ việc”, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm lưu ý. Ông cũng lý giải thêm, “cầm tay chỉ việc” ở đây là các cán bộ của Bộ GD-ĐT “cùng bàn bạc, trao đổi với giáo viên, lắng nghe ý kiến giáo viên, điều gì giáo viên chưa hiểu đúng thì giải thích, hướng dẫn lại”... Theo ông, nếu chỉ đưa xuống, khoán xuống cho giáo viên mà học không biết làm thì sẽ rất khó để thực hiện, và rất có thể lại tiếp tục có tình trạng như hai năm vừa qua.
Theo Tiến sĩ. Nguyễn Tùng Lâm, việc đánh giá học sinh là một quá trình, và vì thế giáo viên không nhất thiết phải “đánh vật” với đống sổ cho đúng thủ tục hành chính. Có thể chỉ là note lại những thông tin cần lưu ý về mỗi học sinh để từ đó có những nhận xét, đánh giá chính xác. Điều này không chỉ giúp thầy cô sớm nắm được những việc bất thường có thể xảy ra để từ đó có biện pháp giúp đỡ kịp thời, mà đây còn là cách làm để học sinh “tâm phục, khẩu phục”.
Được biết, khi sửa đổi Thông tư 30, Bộ sẽ có chỉ đạo tránh thực hiện máy móc việc ghi chép nhận xét, giúp các cấp quản lý quy định hồ sơ hợp lý, khuyến khích sử dụng hồ sơ điện tử để giảm nhẹ sức lao động cho giáo viên tập trung vào hoạt động chuyên môn. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định, Thông tư 30 sẽ được vận dụng linh hoạt vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của giáo viên, sĩ số lớp học, vùng miền. Thực hiện Thông tư 30 sẽ theo khả năng cho phép trong việc đánh giá thường xuyên để giúp đỡ học sinh nâng cao chất lượng giáo dục…
Năm học mới (2016-2017) sắp bắt đầu. Đây sẽ là năm thứ ba Thông tư 30 và mô hình trường học mới (VNEN) được đưa vào áp dụng. Và hi vọng, đúng như những gì Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ, đó sẽ là Thông tư 30 được sửa đổi, giúp giảm tải và tạo hứng khởi cho giáo viên.
Tác giả bài viết: Nhật Minh