Kinh tế

SSI Research: Vinamilk tiếp tục gia tăng thị phần nhưng cần vượt qua nhiều thách thức ngắn hạn về giá nguyên liệu, thay đổi thói quen tiêu dùng

SSI kỳ vọng việc mua lại thành công GTN Foods/Mộc Châu là 1 trong 3 động lực tăng trưởng chính trong tương lai cùng với việc tăng doanh thu từ các sản phẩm mới ra mắt giai đoạn 2018-2019 và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Vinamilk (VNM) đã công bố kết quả kinh doanh quý 3/2019, với doanh thu thuần 14.290 tỷ đồng, tăng 4% và lợi nhuận ròng 2.680 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu trong nước tăng 4,5% (đạt 11.630 tỷ đồng), doanh thu xuất khẩu giảm 1%, doanh thu ở nước ngoài (thông qua Driftwood và Angkor) tăng 6%.

Riêng với doanh thu trong nước, SSI Research cho rằng kết quả trên không như kỳ vọng (5-7%) theo kế hoạch của ban lãnh đạo vào đầu năm. Cần lưu ý rằng Vinamilk đã tăng 1-3% giá bán trung bình cho các sản phẩm trong tháng 4 và tháng 8/2019. Nếu không bao gồm tác động của việc tăng giá bán trung bình và doanh thu từ chương trình sữa học đường (bắt đầu ghi nhận trong quý 4/2018), sản lượng nội địa thực tế trong kỳ không đổi so với cùng kỳ năm trước.

Biên lợi nhuận quý 4 có thể tiếp tục giảm do ảnh hưởng giá nguyên liệu

Biên lợi nhuận gộp của mảng sữa trong nước của Vinamilk trong quý 3 giảm còn 47,7%; thấp hơn so với mức 48,8% quý 3/2018 và mức 49,3% quý trước đó. Nguyên nhân do chi phí nguyên liệu sữa tăng đã ảnh hưởng đến biên lợi nhuận; mặc dù Công ty tiến hành tăng giá song chi phí vẫn vượt mức tăng 1-3% trong giá bán trung bình.

Theo ban lãnh đạo, giá nguyên liệu sữa trong nửa cuối năm 2019 sẽ cao hơn so với nửa đầu năm. Do đó, biên lợi nhuận gộp quý 4/2019 có thể tiếp tục giảm so với quý 3. Chưa dừng lại giá nguyên vật liệu được dự báo tiếp tục tăng, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận Công ty sang năm 2020, giới quan sát cho hay. Không riêng Vinamilk, các công ty cùng ngành cũng tăng giá bán trong 9 tháng đầu năm, như TH True Milk và Dutch Lady.

Liên quan đến vùng nguyên liệu, Vinamilk đang lấy nguồn sữa từ 130.000 con bò (so với 125.000 con bò vào 2018), trong đó gần 30.000 con bò từ các trang trại của Công ty (so với 27.000 con vào 2018).

Hiện, Vinamilk có 13 trang trại (4 trang trại hữu cơ), trong đó trang trại ở Lào có triển vọng mở rộng lớn nhờ quỹ đất rộng và điều kiện khí hậu thuận lợi, mục tiêu đạt 8.000 con bò vào cuối năm 2020.

Công ty cũng có kế hoạch tăng sở hữu từ mức 41% lên tỷ chi phối tại GTN Foods (công ty đang sở hữu 51% Sữa Mộc Châu). SSI kỳ vọng việc mua lại thành công GTN Foods/Mộc Châu là 1 trong 3 động lực tăng trưởng chính trong tương lai cùng với việc tăng doanh thu từ các sản phẩm mới ra mắt giai đoạn 2018-2019 và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Xuất khẩu 9 tháng vượt kỳ vọng, tháng 11 sẽ được cấp mã số sang Trung Quốc

Về xuất khẩu, doanh thu quý 3 năm nay giảm 1,1% về 1.2990 tỷ đồng, giảm 1,1% sau khi loại trừ doanh thu Angkor Milk (công ty mẹ Vinamilk xuất khẩu một số sản phẩm cho Angkor để bán tại thị trường Campuchia; ghi nhận là doanh thu của Angkor, thay vì là doanh thu xuất khẩu). Lũy kế 9 tháng, doanh thu xuất khẩu đạt 3.520 tỷ đồng, tăng 8,2% - cao hơn kế hoạch của ban lãnh đạo hồi đầu năm (ước tính tăng trưởng doanh thu xuất khẩu đi ngang).

Đặc biệt, biên lợi nhuận gộp đạt 61,3% (so với 58,9% cùng kỳ năm ngoái), nhờ sản lượng xuất khẩu sữa bột sang Iraq tăng (cho biên lợi nhuận cao).

Sự kiện đang được quan tâm hiện nay, Vinamilk nằm trong số 5 nhà sản xuất sữa trong nước đủ điều kiện xuất khẩu các sản phẩm sữa sang Trung Quốc (cùng với TH True Milk, Sữa Mộc Châu, Nutifoods và Hanoimilk).

Hiện, Công ty đang chờ phía Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu, dự kiến ​​vào tháng 11/2019. Công ty sẽ nhắm vào các thị trường ngách như sữa chua uống, sữa chua ăn, sữa tươi cao cấp (hữu cơ, A2) và sữa công thức cao cấp (hữu cơ, A2) do cạnh tranh gay gắt ở thị trường Trung Quốc.

Cao cấp hóa sản phẩm, tăng cường SKU khai thác thêm nhu cầu người tiêu dùng

Trong 9 tháng đầu năm 2019, Vinamilk đã ra mắt 17 SKU mới (so với chỉ 10 SKU mới cho cả năm 2018), bao gồm sữa bột Organic Gold, trà sữa, sữa gạo, Coco Fresh (nước dừa)...

Song song, Công ty đang thực hiện cao cấp hóa sản phẩm và phát triển các sản phẩm hữu cơ như sữa tươi, sữa công thức và sữa chua từ nguồn sữa tươi hữu cơ để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Trong khi nhập khẩu sữa bột hữu cơ từ Mỹ (thông qua Driftwood), Vinamilk cũng thuê sản xuất gia công tại Nhật Bản sản phẩm sữa công thức cho trẻ em dưới nhãn hiệu "Vinamilk Yoko Gold", và nhập khẩu trở lại Việt Nam để phục vụ thị hiếu ưa chuộng sữa công thức Nhật của các bà mẹ Việt Nam.

Những động thái này cho thấy Vinamilk đang tích cực tìm kiếm các giải pháp khác nhau để khai thác nhu cầu rộng hơn từ người tiêu dùng nhằm mục đích cuối cùng là tăng doanh thu.

Theo AC Nielsen, thị phần theo sản lượng tiêu thụ của Vinamilk tăng 0,3 điểm phần trăm lên 61,3% vào cuối quý 3/2019 (từ 61% vào cuối năm 2018 và 59,1% vào cuối quý 3/2018). Với điều kiện thị trường hiện tại, Vinamilk ưu tiên bảo vệ thị phần trước khi tăng thêm (trước đó, Công ty đặt mục tiêu tăng thị phần 1pp mỗi năm trong giai đoạn 2018-2021).

Tốc độ tăng thị phần thấp hơn mức tăng 0,6 - 0,7 điểm phần trăm trong quý 1/2019 và 0,4 điểm phần trăm trong 6 tháng đầu năm 2019. Việc tăng thị phần trên hiện được dẫn dắt bởi mảng sữa nước và sữa chua uống, theo ban lãnh đạo Công ty.

Là công ty dẫn đầu thị trường, thị phần theo doanh thu của VNM (54,2%) vượt xa các đối thủ khác, như Nutifood (12,1%), TH True Milk (9%), Mộc Châu (2,7%) và IDP (1,3%), dựa trên ước tính năm 2018 của SSI.

Với điều kiện thị trường hiện tại, VNM ưu tiên bảo vệ thị phần trước khi tăng thêm (trước đó, VNM đặt mục tiêu tăng thị phần 1 điểm phần trăm mỗi năm trong giai đoạn 2018-2021).

Những thách thức mang tính xu hướng

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, SSI cũng chỉ ra một số thách thức mang tính xu hướng mà Vinamilk cần vượt qua để duy trì vị thế như thay đổi thói quen của người tiêu dùng hay tỷ trọng của các kênh bán lẻ.

Một số xu hướng mới đã xuất hiện trong những năm gần đây, như xu hướng ăn uống ở ngoài và tiêu thụ sữa hạt.

Về thị trường bán lẻ: Doanh thu qua các kênh thương mại hiện đại đã tăng lên nhanh chóng, nhưng hiện tại chỉ chiếm có 10% tổng doanh thu của VNM. Trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini hoặc thông qua thương mại điện tử, các sản phẩm của Vinamilk cạnh tranh với một lượng lớn các thương hiệu khác, trong khi trong kênh thương mại truyền thống, Vinamilk đang chiếm ưu thế. Do đó, để thúc đẩy doanh số, VNM có thể phải tăng chi phí bán hàng để thúc đẩy sản phẩm sang các kênh khác để tăng thị phần trong tương lai.

Tác giả: Hậu Nguyễn

Nguồn tin: antt.nguoiduatin.vn

  Từ khóa: SSI Research ,Vinamilk

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP