Giáo dục

Soi lại khẩu hiệu ngành giáo dục

Ngành Giáo dục có rất nhiều khẩu hiệu ai cũng nhớ, nhưng khi “soi” vào đó, chúng ta đã làm đúng chưa? Đơn cử như khẩu hiệu “tất cả vì học sinh thân yêu”, nhưng thực tế chúng ta có vì học sinh không, khi các em phải ngồi “đội nắng” trong ngày khai giảng?

Học sinh THCS trong giờ làm bài thi. ảnh: ngọc châu

Chiều 26/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp của Ủy ban Quốc gia Đổi mới Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2016 - 2021. Cùng với các nhà quản lý, cuộc họp này có rất nhiều chuyên gia hàng đầu trong ngành giáo dục tham dự.

Soi lại khẩu hiệu ngành giáo dục

Đề cập đến công tác giáo dục, đạo đức, lối sống cho học sinh, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, mang tính chiến lược trong phát triển giáo dục. Trên tinh thần đó, Bộ chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học nhằm phát huy phẩm chất, năng lực của người học; đồng thời đổi mới hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả học tập.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thẳng thắn nhìn nhận, nội dung giáo dục đạo đức chưa thiết thực, mục tiêu dạy chữ được chú trọng nhiều, trong khi dạy người vẫn còn bị xem nhẹ; việc phân bổ nội dung, thời lượng giáo dục đạo đức chưa phù hợp; càng lên lớp cao hơn, nội dung giáo dục đạo đức càng giảm trong chương trình chính khóa. Bên cạnh đó, một bộ phận cha mẹ học sinh vẫn còn tâm lý “khoán trắng” cho thầy cô và nhà trường.

Để khắc phục Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục đạo đức, lối sống trên cơ sở điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy, lấy học sinh làm trung tâm. Đồng thời phải biên soạn nội dung giáo dục địa phương theo hướng chú trọng giới thiệu về truyền thống văn hóa, lịch sử và các tấm gương anh hùng để giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước cho học sinh...

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ rõ: Suy thoái đạo đức lối sống của học sinh có lỗi chủ quan của ngành Giáo dục. Các chuyên gia trong và ngoài nước đều có chung nhận định, chúng ta đào tạo lý thuyết tốt, nhưng lại thiếu kỹ năng mềm, chưa chú ý đến đạo đức, lối sống và dạy người. Ngành Giáo dục có rất nhiều khẩu hiệu ai cũng nhớ, nhưng khi “soi” vào đó, chúng ta đã làm đúng chưa? Đơn cử như khẩu hiệu “tất cả vì học sinh thân yêu”, nhưng thực tế chúng ta có vì học sinh không, khi các em phải ngồi “đội nắng” trong ngày khai giảng?

Thầy giỏi phải biết truyền cảm hứng

GS. Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, muốn rèn người trước tiên phải rèn đức cho học sinh. Đức phải có trước, tài có sau và cần coi trọng chữ “thiện”, bởi mọi sai lầm đều từ cái ác mà ra cả. Đặc biệt, muốn giáo dục thành công thì “trường phải ra trường, thầy phải ra thầy, trò phải ra trò”. Nếu thầy yếu kém thì không nên dạy học sinh.

Đồng tình việc hướng đến cái thiện trước tiên, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng, đó là cái ban đầu con người phải có, rồi mới hướng đến những thứ khác. GS. Nguyễn Minh Thuyết thì nêu thực trạng, học sinh xưa nay biết nhiều nhưng không làm được mấy, nói hay nhưng lại không làm giỏi. Bây giờ phải khắc phục được điều này, làm sao để thế hệ mới nói được và làm được. Muốn vậy, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Ngoài vấn đề nêu gương từ người lớn, ông đề nghị xử lý nghiêm tình trạng bạo lực học đường đang rất nhức nhối hiện nay.

Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, bản chất và mục tiêu của giáo dục không bao giờ thay đổi, nhưng phương pháp, cách làm phải thay đổi theo sự vận động, đổi thay của xã hội. Ông Hùng nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của việc áp dụng công nghệ thông tin trong nhà trường. Thay vì chỉ dạy vài chục người, nếu áp dụng công nghệ, người thầy giỏi có thể truyền cảm hứng cho hàng triệu người. Đồng thời, ông cảnh báo, không gian mạng đang có rất nhiều “rác”, các em phải có bộ lọc và được rèn luyện kỹ năng.

Thay vì chỉ dạy vài chục người, nếu áp dụng công nghệ, người thầy giỏi có thể truyền cảm hứng cho hàng triệu người. Đồng thời, ông cảnh báo, không gian mạng đang có rất nhiều “rác”, các em phải có bộ lọc và được rèn luyện kỹ năng.

Tác giả: THÀNH NAM

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP