Giáo dục

Gian trá điểm thi: 'Trọng bệnh' của ngành giáo dục hay 'vấn nạn' của quốc gia, dân tộc?

Vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 ở các tỉnh miền núi phía Bắc tới nay đã phần nào được làm rõ. Tuy vậy, khi danh tính những phụ huynh "chạy" và thí sinh "hưởng" còn ẩn khuất, đã tiếp tục găm vào dư luận nỗi đau xót, hoài nghi về sự thỏa hiệp với dối trá, với những "kẻ cắp giấc mơ"...

Dư luận xã hội đó đây còn bao dung đáng quý, nhưng chúng ta có biết rằng gian lận thi cử là biểu hiện của sự hủ bại cả về văn hóa và lương tri, là con đường ngắn và ghê gớm nhất tàn phá niềm tin xã hội, đe dọa tương lai quốc gia, dân tộc?

1. Cơn “địa chấn” gian lận điểm thi THPT tại Hòa Bình, Hà Giang và Sơn La được cho là khởi phát từ mạng xã hội, khi thầy giáo Vũ Khắc Ngọc dẫn danh sách 11 thí sinh điểm cao nhất nước trên Facebook và nhận lại những phản hồi tiêu cực, thậm chí là sự mỉa mai của học sinh đối với bạn mình - những "ngôi sao bảng điểm".

Thầy giáo Ngọc sau đó kể rằng đã nhận được hàng trăm tin nhắn bày tỏ sự chán nản, bế tắc, tuyệt vọng của nhiều học sinh vốn rất giỏi nhưng lại không đạt kết quả thi như ý vì đề quá khó. Thậm chí có những bạn đã nghĩ quẩn. Anh cũng cho biết nhiều bạn trẻ tâm sự rằng phải hy sinh 3, 4 năm thanh xuân vì giấc mơ Công an, Quân đội. Các bạn có lẽ cũng không biết, không ngờ rằng, ước mơ của mình bị đánh cắp một cách tàn nhẫn bởi những gian lận xảy ra ở đâu đó.

Gian trá trong thi cử đã "đánh cắp" giấc mơ của nhiều người học giỏi - Ảnh minh họa: TNO

Mẹ một thí sinh trường chuyên của Hà Giang nói với báo chí rằng, khi cầm kết quả trong tay, con chị đã khóc nức nở, đã đóng cửa phòng, không thiết ăn uống vì suy sụp. Cháu không biết tìm công lý ở đâu nên mạnh dạn nhắn tin cho thầy Ngọc để chia sẻ. “Không ngờ, dòng tin nhắn trên Facebook lúc nửa đêm ấy đã được các thầy cô để ý. Họ bắt đầu phân tích bất thường về phổ điểm…”, phụ huynh này kể.

Báo chí cũng rất nhanh chóng nắm bắt những thông tin trên mạng xã hội (ngay chiều 11/7/2018), nhận ra những khuất tất khi khi liên lạc với các thủ khoa, giáo viên,... nên nghi vấn gian lận điểm đã được đăng tải ào ạt.

Sau đó, Bộ GD&ĐT và công an vào cuộc, những dối trá tồi tệ lần lượt lộ sáng.

2. Sau bao giọt nước mắt uất nghẹn rơi xuống, kết quả điều tra cũng đã được công bố, lột trần một sự thật đau xót: Có tổng cộng 222 thí sinh được nâng điểm; Người được nâng cao nhất là 29,95 điểm; Tất cả các thí sinh được nâng điểm đều theo học tại những trường đại học danh tiếng;...

Nhưng rồi, dù có danh sách vi phạm, các cơ quan liên quan lại xử lý tản mát, mù mờ, mạnh ai nấy "trả về địa phương", "xóa tên". Lác đác có thí sinh tự xin… nghỉ học. Diễn tiến ấy càng găm sâu nỗi chán nản: Chỉ là "phần nổi của tảng băng"!

Trên báo chí, mạng xã hội, nhiều chuyên gia, nhà quản lý và người dân cho rằng, hành vi “chạy” điểm của phụ huynh cần phải được xử lý, kể cả ở mức hình sự, đồng thời cần phải công khai danh tính các cá nhân vi phạm.

Học sinh khóc nghẹn vì đề khó và vì có gian trá trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2018 - Ảnh minh họa.

Theo ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Đại học FPT, khi đã có người “bán” thì đương nhiên sẽ có một vế nữa là người mua. Vì thế, chỉ khi có danh sách những “người mua” này thì bức tranh về gian lận thi cử vừa qua mới trở nên đầy đủ!

Nguyên ĐBQH Lê Như Tiến thì cho rằng, người ở “phần chìm” trong vụ việc chính là những phụ huynh hoặc có tiền, hoặc có quyền và dùng tiền và quyền để “chạy” điểm cho con em. “Tôi đề nghị cơ quan điều tra công khai danh tính phụ huynh chạy điểm, coi họ là đối tượng khởi tố vụ án hình sự chứ không chỉ dừng lại ở việc khởi tố người trực tiếp sửa điểm. Chính họ là ngòi nổ sinh ra gian lận thi cử nên cần phải coi họ là đối tượng khởi tố vụ án hình sự”, ông Tiến nhấn mạnh.

Về hệ lụy, theo ông Lê Trường Tùng, khi niềm tin đã bị lung lay thì người ta dễ nảy sinh những nghi kỵ tiếp theo. Rồi đây, người ta sẽ nghi ngờ tiêu cực cũng xảy ra ở những kỳ thi trước 2018. Và liệu kỳ thi 2019 có đảm bảo không gian lận?...

Yêu cầu công khai danh tính của phụ huynh đã trở nên cấp bách. Còn với học sinh, có nhiều nguy cơ cần đặt xuống nâng lên.

Nhưng trong thời đại 4.0, chưa ai đủ tỉnh táo để nhận ra rằng: Rất khó che dấu sự thật; Nếu thực sự tài năng, bản lĩnh, con em các quan chức, cán bộ, đại gia được nâng điểm sẽ dễ dàng vượt qua, thậm chí trưởng thành, rắn rỏi hơn sau vấp váp.

3. Để không có thêm những Hoà Bình, Hà Giang, Sơn La ở kỳ thi THPT quốc gia 2019 và sau đó, thì căn cốt vẫn là làm sao giúp người trẻ học thật, thi thật, được định hướng con đường học tập và làm việc sau này, dựa trên trước nhất là đam mê và năng lực thực sự.

Nhưng ta đều biết, chương trình, cách dạy và học của nền giáo dục hiện tại vẫn rõ nét là học để… đi thi. Thực tế ấy đã đã đẩy cả giáo viên, học sinh và phụ huynh vào thế phải sống chung với học vẹt, học tủ, thậm chí thờ ơ với dối trá.

Và khi cái "cốt" của giáo dục (học cách tự học, học làm người) bị lép vế so với thái độ học thực dụng (vị bằng cấp), đã khiến đất nước hôm nay dù lắm tiến sĩ, giáo sư, nhưng thưa vắng dần một đội ngũ với tri thức và nhân cách đáng kính, có năng lực dẫn dắt xã hội.

Cải cách thi THPT “2 trong 1” có tạo nên tình trạng “nửa dơi nửa chuột”? - Ảnh minh họa: Zing.vn

Về vai trò của Bộ GD&ĐT, thay vì tập trung lo vĩ mô, quản lý, giám sát, lại biến mình thành Ban Giám hiệu của mọi trường học. Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết từng cảnh báo chuyện cải cách thi THPT “2 trong 1” rằng: Gộp 2 kỳ thi sẽ tạo nên tình trạng “nửa dơi nửa chuột”. Khi Bộ ra đề dễ, điểm 10 ngập tràn, phá sản mục tiêu phân hóa. Bộ ra đề khó thì điểm 0 la liệt. Scandal sửa điểm là một u nhọt bị... "lộ”.

Từ đó, đã có ý kiến cho rằng Bộ nên trao quyền tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho địa phương, giao kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ cho các trường. Khi các trường ĐH-CĐ được tự quyết, chuyện dạy và học ở cấp học dưới cũng phải thay đổi theo, hướng vào thực tiễn; người học sẽ có cơ hội học để biết, để làm, để chung sống, để khẳng định mình.

Quay lại vụ việc gian trá điểm thi, chúng ta dễ chủ quan rằng ngành giáo dục lại có thêm một "trọng bệnh". Nhưng thử nhìn xa hơn, "chạy" điểm khi người trẻ chập chững vào đời có phải là khởi nguồn cho một xã hội ngổn ngang "chạy" việc, "chạy" chức, "chạy" dự án, "chạy" tội,… hôm nay?

Và những kẻ "chạy" điểm, dù vô tình hay hữu ý cũng sẽ đẩy dân tộc vào một tương lai u ám, nếu đất nước được "cầm trịch" bởi một lớp người đi lên nhờ sự hủ bại văn hóa, thiếu hụt lương tri, tự trọng.

Tác giả: Kiên Giang

Nguồn tin: Báo Công luận

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP