Giáo dục

Sở GD&ĐT yêu cầu trường trao đổi việc ra đề thi Ngữ văn có Chi Pu

Đại diện Sở GD&ĐT Phú Thọ cho biết đang đề nghị nhà trường chia sẻ về việc ra đề thi Ngữ văn có Chi Pu đã được hiệu trưởng phê duyệt chưa.

Câu hỏi 7 điểm trong đề thi cuối học kỳ I cho học sinh lớp 10 tại trường THPT Hạ Hòa, Phú Thọ, sử dụng ngữ liệu là câu chuyện Chi Pu "không biết hát", nhận được nhiều tranh cãi trên mạng xã hội.

Câu hỏi như sau:

"Chi Pu tên thật là Nguyễn Thùy Chi, cô bắt đầu nổi danh từ cuộc thi Miss Teen năm 2009, hiện là một hot girl được nhiều bạn trẻ yêu thích. Tháng 10 vừa rồi, Chi Pu tung MV Từ hôm nay đánh dấu chuyển mình trở thành ca sĩ. Ngay lập tức, cô vấp phải nhiều tranh cãi trên mạng xã hội.

Hương Tràm là người đầu tiên đưa ra quan điểm mạnh mẽ: 'Không biết hát thì đừng mang nghề ca sĩ ra để kiếm tiền'. Tóc Tiên, Thanh Lam, Thu Minh, Quốc Thiên, Văn Mai Hương... cũng có cùng quan điểm. Không chỉ vậy, ảnh chế về cô xuất hiện ở khắp nơi. Những đoạn clip xuyên tạc thu hút hàng trăm nghìn lượt xem.

Hãy hóa thân vào Chi Pu, viết một bài văn tự sự có sử dụng yếu tố biểu cảm kể về một ngày của mình sau khi ra mắt MV Từ hôm nay".

Học sinh ngày nay cập nhật nhiều thông tin giải trí

Chia sẻ trên VTC14, ông Đỗ Thanh - Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Phú Thọ - cho biết đơn vị đề nghị trường THPT Hạ Hòa lý giải việc ra đề thi như vậy đã được bàn bạc như thế nào, hiệu trưởng phê duyệt hay chưa?

Từng làm giáo viên dạy Ngữ văn, ông Đỗ Thanh ủng hộ việc ra đề thi đổi mới phương pháp dạy và học, kiểm tra đánh giá kiến thức của chương trình, không nên gói gọn trong sách giáo khoa.

Theo ông Thanh, không nên quá lo ngại về việc học sinh không biết Chi Pu là ai. Thực tế, không chỉ học sinh THPT mà cấp THCS cũng cập nhật nhiều thông tin giải trí.

“Các giáo viên chọn Chi Pu vào đề văn chỉ là cái cớ, mục đích để học sinh đặt mình vào vị trí của nhân vật, trong hành trình đi chọn nghề yêu thích sẽ gặp trở ngại, thậm chí bị ném đá. Từ đó, nó giúp học sinh biết cách ứng xử sau này”, ông Thanh nói.

Trao đổi với Zing.vn, thầy Nguyễn Tiến Đường - Hiệu trưởng trường THPT Hạ Hòa, Phú Thọ - cho biết đề thi được thực hiện chuẩn về kiến thức, kỹ năng theo đúng văn bản chỉ đạo của ngành.

Đại diện cho nhóm ra đề thi trên cho biết nhóm đã trao đổi, thực hiện các đề thi, sau đó lựa chọn từ ngân hàng đề.

Đề thi cho học sinh trải nghiệm mang tính giả định, từ đó học sinh trình bày được thái độ cảm thông với hoàn cảnh không thuận lợi của người khác. Học sinh cũng biết lắng nghe và chọn lựa, biết trau dồi bản lĩnh, hun đúc ý chí và nghị lực để theo đuổi mục tiêu đúng đắn của cuộc đời.

Đại diện nhóm cho rằng đề thi đảm bảo đúng chuẩn kiến thức, kỹ năng và quy trình của bộ môn. Đây không phải bài nghị luận xã hội nên học sinh không cần bình luận về những ý kiến hướng vào Chi Pu. Đó chỉ là bài văn tự sự kể về một ngày bình thường của cô ấy sau khi đối mặt hoàn cảnh bất lợi như trên.

Vì là đề mở, học sinh có nhiều phương án nhưng đảm bảo các chuẩn mực về đạo đức và pháp luật thì sẽ cho điểm.

Nhiều giáo viên phản đối

Thầy Đỗ Đức Anh (giáo viên Ngữ Văn, THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM) cho rằng ông không thích và không đồng tình về cách sử dụng ngữ liệu trên. Người ra đề đã bị dẫn dụ trước câu chuyện của dư luận hơn là ý nghĩa giáo dục khi mang vào đề thi.

“Tôi không biết quan điểm của mọi người thế nào nhưng cá nhân không biết đề văn mang lại thông điệp, truyền tải ý nghĩa giáo dục gì. Hơn nữa, việc cho học sinh nhập vai kể chuyện có phần gượng ép, phù hợp học sinh lớp 6 hơn là lớp 10”, giáo viên này chia sẻ.

Theo ông, việc lựa chọn ngữ liệu cho một đề văn phải đề cao tính thẩm mỹ, văn chương và giáo dục. Hai đề thi gây tranh cãi gần đây không đạt được những yếu tố này.

TS Văn học Phạm Hữu Cường - người có nhiều năm ôn thi Ngữ văn vào ĐH, CĐ - phân tích ông khá bất ngờ về đề thi này.

TS Cường cho rằng đề thi có hình ảnh Chi Pu giúp cho học sinh có khả năng hóa thân, tưởng tượng mình vào nhân vật để bày tỏ quan điểm và suy nghĩ. Đề thi cũng hướng học sinh quan tâm đến các vấn đề thời sự của cuộc sống.

Tuy nhiên, đề thi không có tính giáo dục cao khi đề cập câu chuyện các nghệ sĩ "ném đá" nhau. Thứ hai, giáo viên không nên để học sinh quan tâm những câu chuyện lùm xùm trong giới showbiz, vì không phù hợp lứa tuổi của các em.

Một đề thi Ngữ văn hay nên nêu lên những hiện tượng tích cực hơn của đời sống.

Tác giả: Quyên Quyên

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP