Chật vật xác thự sinh trắc học
Theo kế hoạch, từ 1/7, tất cả các giao dịch chuyển tiền trực tuyến hơn 10 triệu đồng/lần hoặc lũy kế hơn 20 triệu đồng/ngày buộc phải xác thực sinh trắc học (khuôn mặt, vân tay). Trong ngày đầu tiên triển khai, nhiều tài khoản gặp khó khăn khi không thể giao dịch.
Trên một hội nhóm Facebook với 1,3 triệu thành viên, nhiều người cho biết họ không thể thực hiện giao dịch dù đã cung cấp thông tin sinh trắc học đầy đủ.
Chị Hoàng Mai chia sẻ: “Dù đã hoàn tất các thủ tục cung cấp thông tin sinh trắc học nhưng khi chuyển tiền trong sáng nay (1/7), tôi luôn nhận được thông báo rằng ‘dịch vụ không thực hiện trong lúc này”.
Giống như chị Mai, nhiều khách hàng dùng ứng dụng VCB Digital cũng rơi vào tình trạng tương tự. Thậm chí, có những tài khoản không thể giao dịch dù số tiền dưới 10 triệu đồng và đã cập nhật sinh trắc học thành công trước đó. “Ứng dụng ngân hàng liên tục thông báo ‘chưa có phương thức xác thực sinh trắc học hợp lệ’ dù trước đó hệ thống báo đã cập nhật thành công”, anh Bùi Hà bức xúc.
Hàng loạt khách hàng gặp lỗi khi giao dịch sáng 1/7. |
“Giao dịch trên app không thực hiện được, ra tận trụ sở để chuyển tiền thì nhận được lời giải thích là nghẽn mạng. Trong khi đó, bạn hàng liên tục réo trả tiền khiến tôi buộc phải nhờ người thân chuyển khoản giúp”, chị Trần Huyền nói.
Chưa kể, dù đã bước vào ngày đầu triển khai nhưng vẫn còn khá đông người dùng chưa thể cập nhật thông tin sinh trắc học.
Anh Nam Lê bức xúc: “Việc xác thực sinh trắc học quả thực là hành trình gian nan và bực bội. Dù chỉ sử dụng một căn cước công dân duy nhất nhưng có ngân hàng chấp nhận, có ngân hàng lại không”.
Cụ thể, anh sử dụng duy nhất một căn cước công dân để cung cấp thông tin sinh trắc học cho 4 ngân hàng nhưng có ngân hàng chỉ làm một lần được luôn trong khi có ngân hàng anh Hà mất cả buổi cũng không cập nhật được.
Cá biệt, dù anh ra trực tiếp tai quầy giao dịch và thử hơn chục lần bằng thiết bị chuyên dụng của ngân hàng này nhưng vẫn không thành.
“Nếu không làm xong, không nhẽ mỗi lần chuyển khoản trên 10 triệu tôi lại phải ra ngân hàng lấy số và thực hiện giao dịch tại quầy? Đến thời điểm này tôi chưa thấy được lợi ích của cập nhật sinh trắc học mà chỉ thấy rắc rối và phiền toái. Lẽ ra các ngân hàng nên chạy thử trước khi áp dụng đồng loạt”, anh cảm thán.
Song cũng có nhiều khách hàng cập nhật sinh trắc học và không gặp bất kỳ khó khăn nào trong ngày đầu triển khai. Chị Thu Hiền cho biết chị làm theo hướng dẫn của ngân hàng và cập nhật sinh trắc học thành công chỉ sau một lần thử.
“Tôi thấy các ngân hàng đều hướng dẫn khá cụ thể và dễ hiểu”, chị nói.
Xuất hiện hình thức lừa đảo mới
Tình trạng nhiều người gặp khó khăn trong việc cập nhật sinh trắc học đã tạo điều kiện cho những kẻ xấu đảo nghĩ ra những phương thức lừa đảo mới.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) mới đây cảnh báo: “Lợi dụng tình trạng nhiều khách hàng gặp khó khi làm xác thực sinh trắc học, các nhóm lừa đảo đã giả danh nhân viên ngân hàng để liên hệ hỗ trợ, từ đó chiếm đoạt tài sản, thông tin của người dùng.
Ngoài ảnh CCCD và ảnh khuôn mặt, kẻ gian còn yêu cầu gọi video để thu thập giọng nói, cử chỉ. Những thông tin này sau đó có thể được dùng để mạo danh, chiếm tài khoản hoặc sử dụng vào mục đích xấu khác”.
Nhiều người đến tận quầy giao dịch của ngân hàng để được hỗ trợ. |
Nhiều khách hàng cũng phản ánh có người tự xưng là nhân viên ngân hàng, yêu cầu gửi thông tin cá nhân, ảnh chụp CCCD để hỗ trợ sinh trắc học. Tuy nhiên, đại diện của môt ngân hàng cho biết các ngân hàng thường không liên hệ trực tiếp với người dân để thu thập thông tin sinh trắc học.
Trước đó, lãnh đạo của Bộ Công an cũng khuyến cáo người dân không cung cấp dữ liệu cá nhân, mã OTP, không bấm vào đường link hay tải ứng dụng theo yêu cầu của người lạ; không mua bán, trao đổi, cho thuê, mượn tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, giấy tờ tùy thân; cài đặt bảo mật hai lớp và hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân lên mạng.
Mặc dù còn nhiều bất cập trong ngày đầu triển khai nhưng nhiều chuyên gia nhận định xác thực sinh trắc học vẫn là hướng đi đúng đắn trong bảo vệ tài khoản của người dùng.
“Trong ngày đầu Quyết định 2345 chính thức có hiệu lực, số lượng giao dịch chuyển tiền và nhu cầu cập nhật sinh trắc học lớn khiến hệ thống của một số ngân hàng bị nghẽn, gặp lỗi là điều có thể hiểu được. Song, về lâu dài, việc xác thực sinh trắc học sẽ giúp người dùng bảo vệ tài khoản của mình khỏi những rủi ro về lừa đảo, an toàn thông tin”, một chuyên gia nói.
Tác giả: Khánh Tú
Nguồn tin: vietnamfinance.vn