Ảnh" PC Gamer |
Quá trình xử lý AI có thể tiêu tốn một lượng lớn sức mạnh tính toán, nhưng theo dự án hợp tác mới nhất này của Trung tâm Siêu máy tính Jülich và nhà cung cấp điện toán Pháp Eviden, năng lượng sẽ không bị thiếu hụt. Hai công ty đã ký thỏa thuận xây dựng một trung tâm dữ liệu mới để chứa siêu máy tính loại exascale mà họ cho biết sẽ có khả năng thực hiện một tỉ tỉ phép tính mỗi giây.
Jupiter sẽ sử dụng hàng loạt siêu chip GH200 của Nvidia, có nhiệm vụ chủ đạo là huấn luyện AI và được tuyên bố sẽ trở thành hệ thống AI mạnh nhất thế giới với hiệu năng khoảng 90 exaflops khi đào tạo mô hình AI.
Bộ não của Jupiter là 50 mô-đun container triển khai trên diện tích 2.300 m2. Các khối container chứa khoảng 20 hệ thống tính toán, 15 mô-đun năng lượng và 10 mô-đun hậu cần. Cách tiếp cận này giúp tiết kiệm chi phí, giảm 50% thời gian xây dựng hệ thống, đơn giản hóa quá trình nâng cấp trong tương lai.
Siêu máy tính exascale đầu tiên và được cho là duy nhất trên thế giới hiện nay là Frontier, ra đời năm 2021, do Hewlett Packard Enterprise (HPE) chế tạo và đặt tại Phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge của Mỹ. Còn siêu máy tính nhanh nhất châu Âu hiện là Lumi, thuộc sở hữu của EuroHPC JU, nằm trong trung tâm dữ liệu CSC ở Phần Lan, đạt 375 triệu tỉ phép tính mỗi giây, đứng thứ ba thế giới.
Siêu máy tính là những hệ thống máy tính khổng lồ với sức mạnh tính toán cao gấp hàng triệu lần máy tính thông thường, có khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp của thế giới. Chúng được ứng dụng vào hầu hết lĩnh vực như mô phỏng vụ thử hạt nhân, dự báo thời tiết, nghiên cứu khí hậu, kiểm tra sức mạnh mã hóa của máy tính.
Khi chúng ta bước vào một thế giới nơi sức mạnh xử lý khổng lồ không chỉ trở thành thứ tốt đẹp mà còn là điều cần thiết cho sự phát triển AI, điện toán lượng tử và hơn thế nữa, có vẻ như các kỹ thuật chế tạo đang bắt đầu phát triển song song với sức mạnh của chính máy tính.
Tác giả: Tiến Dũng
Nguồn tin: viettimes.vn